fbpx
Tuesday, March 19, 2024
HomeDu học'Giấc mơ Mỹ' của du học sinh sụp đổ: Hết tiền, không...

‘Giấc mơ Mỹ’ của du học sinh sụp đổ: Hết tiền, không chỗ ở, đi xin ăn

Mặc dù chính phủ Mỹ đưa ra một số biện pháp hỗ trợ trong mùa dịch, đa số sinh viên khẳng định “chưa thấm vào đâu” so với khoản phải chi trả của họ.

Khi mọi trường học đóng cửa vì dịch Covid-19, nhiều du học sinh không biết sống nơi đâu hoặc liệu họ có được quay trở lại lớp học hay không. Những sinh viên năm cuối còn không được dự một lễ tốt nghiệp tử tế.

Trước cơn khủng hoảng dịch Covid-19, nhiều gia đình giàu có đưa con cái về nước trước lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, còn nhiều bạn trẻ kém điều kiện hơn, sống tại ký túc xá nhiều năm qua hiện phải lặn lội tìm nhà để thuê, theo New York Times.

Nguồn thu nhập của nhiều bạn trẻ cũng mất trắng do nhiều nơi làm thêm đóng cửa do dịch bệnh. Một số người phải tới những nơi phát đồ ăn miễn phí cho người nghèo để xin thực phẩm.

Ngoài ra, những du học sinh kịp trở về quê hương trước lệnh phong tỏa cũng không chắc có được quay trở lại Mỹ để học tiếp không.

Không nơi ở, không trợ cấp

Elina Mariutsa, một sinh viên người Nga theo học ngành Quan hệ quốc tế và khoa học chính trị ở Đại học Northeastern (Mỹ), cho biết gia đình cô phải bán căn hộ và vay mượn tiền để Elina có thể đóng học phí kỳ trước.

Với tình hình kinh tế hiện nay, Elina chắc chắn gia đình không thể tiếp tục giúp cô trả được nốt 27.000 USD tiền học cho kỳ cuối cùng.

“Thế giới của tôi đang sụp đổ. Tôi không chắc mình có thể tốt nghiệp được. Chỉ còn 4 khóa học nữa thôi nhưng giờ đây tôi và gia đình không có khả năng chi trả học phí”, cô chia sẻ.

Chính phủ Mỹ cũng có những can thiệp kịp thời để giúp đỡ các sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, để phù hợp với tiêu chí “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, các du học sinh và sinh viên nhập cư thiếu giấy tờ không được nhận trợ cấp từ khoản ngân sách 6 tỷ USD.
Nhiều trường đại học Mỹ cho biết họ đang nhanh chóng giúp đỡ các du học sinh bằng cách mở giới hạn số phòng ký túc xá, hỗ trợ đưa sinh viên về nước và vận động chính phủ liên bang tài trợ kinh phí.
Trong đó, Đại học New York, nơi có nhiều sinh viên nước ngoài hơn bất kỳ trường nào khác, đã tạo sẵn các khoản trợ cấp khẩn cấp dành cho các du học sinh.
Mặc dù vậy, ngay chính các sinh viên Mỹ cho biết sự trợ giúp của trường đại học chưa thấm vào đâu so với những chi phí thực tế.
Anna Scarlato, một sinh viên người Italy ở Đại học Chicago (Mỹ), hoảng hốt khi nhận tin phải rời khỏi ký túc xá. Không biết phải đi đâu, cô đành dọn sang ký túc xá của bạn trai ở một trường đại học khác. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, trường của bạn trai Anna cũng đóng cửa.

Trước tình thế khó khăn này, đôi bạn trẻ phải tìm thuê được một phòng nhỏ trong một căn hộ ở Chicago. Nhưng phụ huynh Anna chẳng thể tới ngân hàng để gửi cô tiền thuê nhà do quê hương Italy của cô cũng phong tỏa. Trong phút chót, mẹ của bạn trai Anna mua giúp cô một vé máy bay về California sống cùng gia đình bà.

“Tôi cảm thấy mình giống ký sinh trùng. Tôi không biết mình sẽ làm gì trong 2 tháng tiếp theo”, cô chia sẻ.

Dù không muốn chất thêm gánh nặng cho gia đình, một số sinh viên vẫn phải nhờ cha mẹ giúp đỡ để có thể chi trả khoản học phí khổng lồ.

Trước khi có đại dịch, Stephany da Silva Triska cho biết mẹ cô ở Brazil đã phải cắt giảm mọi khoản chi tiêu để cô có thể tiếp tục theo đuổi ngành Chính trị ở Đại học California.

Để đáp lại công lao của mẹ, Stephany chăm chỉ học tập và trở thành sinh viên năm cuối xuất sắc của khoa, đồng thời giành được suất học bổng quốc tế danh giá dành cho sinh viên thực tập.

Khi dịch Covid-19 ập đến, buổi lễ trao thưởng cũng như chuyến thực tập bị hoãn lại. Nhưng điều Stephany lo lắng hơn cả là liệu cô có thể hoàn thành nốt chương trình đại học hay không, nhất là khi mẹ cô cũng gặp khó khăn về tài chính do dịch bệnh tràn đến Brazil.

Thấp thỏm lo âu vì hạn visa
Đối với những sinh viên vội vàng ra sân bay để kịp về nước tránh dịch, họ cũng lo ngại phải đối mặt với những vấn đề pháp lý khi quay trở lại Mỹ hoàn thành chương trình học.
Mercy Idindili, sinh viên năm hai ngành Thống kê ở Đại học Yale, bắt buộc phải quay trở về Tanzania sau khi nhận được một loạt thông báo từ phía nhà trường. Ban quản trị trường khẳng định “sẽ chỉ có vài trường hợp ngoại lệ” cho phép du học sinh ở lại Mỹ trong thời điểm này.
Ban đầu, Mercy định ở nhờ nhà bạn ở bang Georgia. Nhưng cô thay đổi quyết định và ra sân bay trong phút chót do nhiều du học sinh cảnh báo cô tình trạng hoãn lịch học sẽ còn kéo dài.
Trước khi rời đi, cô cũng thông báo với các giáo sư về tình trạng Internet không ổn định ở quê nhà có thể ảnh hưởng tới việc học online của cô. Việc lệch múi giờ cũng khiến cô phải dậy từ 3 giờ sáng để vào lớp. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của Mercy, vị giáo sư giảng dạy môn Đại số tuyến tính đã ghi hình lại các bài giảng cho cô.
Tuy nhiên, visa mới là vấn đề khó khăn nhất của nữ sinh đến từ châu Phi. Mọi lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài đều đóng cửa thời hạn, đồng thời Bộ Ngoại giao nước này cũng đình chỉ việc xử lý thị thực cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, visa của Mercy sẽ hết hạn vào tháng 7 tới.
“Tôi sẽ không thể trở lại trường nếu không được gia hạn thị thực kịp thời”, cô lo lắng nói.

Thông thường, visa của mọi du học sinh yêu cầu họ phải tới lớp thay vì học trực tuyến nhằm tránh trường hợp sinh viên bỏ trốn và nhập cư bất hợp pháp. Bộ An ninh Nội địa Mỹ hiện tạm thời nới lỏng quy tắc này do đại dịch. Tuy nhiên, chuyện này có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào.

Một số du học sinh như Emma Tran không thể tiếp tục đợi thông báo chính thức từ Bộ Ngoại giao Mỹ về việc gia hạn thị thực. Nữ sinh ngành Tâm lý học và Mỹ thuật ở Đại học California bật khóc trong bất lực khi số tiền trong ngân hàng chỉ đủ để chi trả trong 1,5 tháng nữa.

Do dịch Covid-19, Emma mất cả hai công việc làm thêm ở trường. Tại Việt Nam, thu nhập của cha mẹ cô từ việc cho khách du lịch thuê nhà cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để duy trì sinh hoạt ở Mỹ, cô chọn cách bỏ bớt bữa hoặc ăn nhiều cơm hơn thịt để tiết kiệm tiền.

“Mẹ tôi khuyên tôi nên trở về nhà nếu tình trạng dịch bệnh không được kiểm soát trong 2 hoặc 3 tháng tiếp theo. Tôi thực sự buồn chán và tuyệt vọng”, Emma chia sẻ.

Theo Zing

Comments

comments

RELATED ARTICLES

19 COMMENTS

Comments are closed.

Most Popular