fbpx
Friday, April 26, 2024
HomeGiải bài tập lớp 12Giải bài tập Địa lý 12Bài 9: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa

Bài 9: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa

Trả lời câu hỏi in nghiêng

Trang 40 sgk Địa Lí 12: Dựa vào kiến thức đã học cho biết vì sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa?

Trả lời:

– Vị trí nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến, trong khu vực nhiệt đới gió mùa, tiếp giáp với Biển Đông rộng lớn, nên có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.

Trang 41 sgk Địa Lí 12: Dựa vào kiến thức đã học, hãy cho biết trung tâm xuất phát gió mùa Đông Bắc và tính chất của khối khí này

Trả lời:

– Trung tâm xuất phát gió mùa Đông Bắc: khối khí lạnh cực lục địa từ trung tâm cao áp Xibia ở vĩ độ 50oB.

Trang 41 sgk Địa Lí 12: Dựa vào hình 9.2, hãy cho biết các trung tâm cao áp hình thành gió mùa mùa hạ ở Việt Nam, hướng di chuyển và tính chất của gió này.

Trả lời:

– Gió từ trung tâm cao áp Ấn Độ Dương qua vịnh Bengan (khối khí nhiệt đới vịnh Bengan – TBg) xâm nhập trực tiếp vào nước ta theo hướng tây nam. Khối khí này ẩm, nhưng sau khi vượt núi (Trường Sơn, dãy sông Mã,…) vào nước ta trở nên khô nóng (hiện tượng phơn).

– Gió từ trung tâm cao áp cận chí tuyến nửa cầu Nam (khối khí xích đạo) thổi hướng đông nam, chuyển sang hướng tây nam sau khi vượt qua xích đạo (do lực Côriôlit) xâm nhập trực tiếp vào nước ta. Khối khí này có tầng ẩm rất dày tạo nên dòng thăng lớn trên đường hội tụ nội chí tuyến, gây mưa cho các vùng đón gió Nam Bộ và Tây Nguyên.

Trang 42 sgk Địa Lí 12: Hoạt động của gió mùa đã dẫn tới sự phân chia mùa khí hậu khác nhau giữa các khu vực như thế nào?

Trả lời:

Sự luân phiên các khối khí hoạt động theo mùa khác nhau cả về hướng và về tính chất đã tạo nên sự phân mùa khí hậu.

+ Ở miền Bắc: có mùa đông lạnh khô, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều.

+ Ở miền Nam: có hai mùa khô, mưa ẩm rõ rệt.

+ Ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung: có hai mùa mưa, khô, nhưng mùa mưa lệch về thu đông.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

Câu 1: Tính chất nhiệt đới của nước ta được biểu hiện như thế nào?

Lời giải:

– Tổng bức xạ lớn, cân bằng bức xạ dương quanh năm.

– Tổng nhiệt độ và nhiệt độ trung bình năm đều cao. Nhiệt độ trung bình năm từ 22 đến 27oC, tổng số giờ nắng dao động từ 1.400 đến 3.000 giờ/năm.

Câu 2: Dựa vào bảng số liệu sau, hãy nhận xét sự thay đổi nhiệt độ từ Bắc vào Nam. Giải thích nguyên nhân.

Nhiệt độ trung bình tại một số địa điểm

Địa điểm Nhiệt độ trung bình tháng I (oC) Nhiệt độ trung bình tháng VII (oC) Nhiệt độ trung bình năm (oC)
Lạng Sơn 13,3 27,0 21,2
Hà Nội 16,4 28,9 23,5
Huế 19,7 29,4 25,1
Đà Nẵng 21,3 29,1 25,7
Quy Nhơn 23,0 29,7 26,8
TP. Hồ Chí Minh 25,8 27,1 27,1

Hãy nhận xét về sự thay đổi nhiệt độ từ Bắc vào Nam. Giải thích nguyên nhân.

Lời giải:

a) Nhận xét

– Nhiệt độ trung bình năm và tháng 1 đều tăng từ Bắc vào Nam.

Nhiệt độ trung bình tháng 1 tăng rất nhanh từ Bắc vào Nam, nghĩa là nhiệt độ phía Bắc thấp hơn nhiều so với phía Nam.

– Nhiệt độ trung bình tháng 7 nhìn chung ít thay đổi khi từ Bắc vào Nam.

b) Nguyên nhân

– Do vĩ độ địa lí, càng vào Nam càng gần xích đạo, nhận được lượng bức xạ lớn hơn.

– Do tác động của gió mùa Đông Bắc, nên nhiệt độ vào tháng 1 ở phía Bắc hạ rất thấp so với phía Nam. Như vậy, gió mùa Đông Bắc là nguyên nhân chủ yếu gây nên sự tăng nhiệt độ từ Bắc vào Nam.

Câu 3: Dựa vào bảng số liệu sau

Lượng mưa, lượng bốc hơi và cân bằng ẩm của một số địa điểm

Địa điểm Lượng mưa (mm) Lượng bốc hơi (mm) Cân bằng ẩm (m)
Hà Nội 1667 989 + 678
Huế 2868 1000 + 1868
TP. Hồ Chí Minh 1931 1686 + 245

Hãy so sánh, nhận xét về lượng mưa, lượng bốc hơi và cân bằng ẩm của ba địa điểm trên. Giải thích.

Lời giải:

So sánh, nhận xét và giải thích:

– Huế có lượng mưa cao nhất do bức chắn dãy Bạch Mã đối với các luồng gió thổi hướng đông bắc, bão từ Biển Đông vào và hoạt động của hội tụ nội chí tuyến. Cũng vì vậy, Huế có mùa mưa vào thu đông (từ tháng 8-1). Vào thời kì mưa nhiều này lượng bốc hơi nhỏ, nên cân bằng ẩm ở Huế rất cao.

– TP. Hồ Chí Minh có lượng mưa cao hơn Hà Nội do trực tiếp đón nhận gió mùa tây nam mang mưa, hoạt động của hội tụ nội chí tuyến mạnh hơn, nhung nhiệt độ cao nên bốc hơi nước mạnh hơn, vì thế có cân bằng ẩm tương đương Hà Nội.

Câu 4: Hãy trình bày hoạt động của gió mùa ở nước ta và hệ quả của nó đối với sự phân chia mùa khác nhau giữa các khu vực.

Lời giải:

Việt Nam có hai mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ.

– Gió mùa mùa đông

+ Từ tháng 11 – 4 miền Bắc chịu tác động của khối khí lạnh phương Bắc thổi theo hướng đông bắc, thường gọi là gió mùa Đông Bắc. Vào các tháng 11, 12,1 khối khí lạnh di chuyển qua lục địa châu Á mang lại cho miển Bắc nước ta thời tiết lạnh khô. Đến các tháng 2, 3, khối khí lạnh di chuyển về phía đông, qua biển vàc nước ta gây nên thời tiết lạnh ẩm, mưa phùn.

+ Gió mùa Đông Bắc thổi theo từng đợt, chỉ hoạt động mạnh ở miền Bắc, hình thành một mùa đông có 2 – 3 tháng lạnh (nhiệt độ xuống dưới 18oC). Gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh có thể xuống tới 12oB. Khi di chuyển xuống phía nam, khối khí này bị biến tính và suy yếu dần nên dường như kết thúc bởi bức chắn dãy Bạch Mã.

+ Trong thời gian này, từ Đà Nẵng trở vào, tín phong nửa cầu Bắc cũng thổi theo hướng đông bắc, hình thành một mùa khô, nắng nóng.

– Gió mùa mùa hạ: có hai luồng gió cùng hướng tây nam thổi vào nước ta.

+ Vào các tháng 5, 6, 7: khối khí nhiệt đới từ Ấn Độ Dương di chuyển theo hướng tây nam xâm nhập trực tiếp và gây mưa lớn cho đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Vượt dãy Trường Sơn, khối khí trở nên nóng khô (gió Tây, còn gọi là gió Lào) tràn xuống vùng đồng bằng ven biển Trung Bộ và phần nam của khu vực Tây Bắc. Đôi khí do lực hút của áp thấp Bắc Bộ làm xuất hiện gió Tây khô nóng tại đồng bằng Bắc Bộ, khiến cho nhiệt độ lên tới 35 – 40oc và độ âm xuống dưới 50%.

+ Từ tháng 6 đến tháng 9: gió mùa Tây Nam (xuất phát từ áp cao cận chí tuyến nửa cầu Nam) hoạt động. Vượt qua biển vùng xích đạo, khối khí này trở nên nóng ẩm thường gây mưa lớn và kéo dài cho các vùng đón gió ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Hoạt động của gió mùa Tây Nam cùng với dải hội tụ nhiệt đới là nguyên nhân chủ yếu gây mưa vào mùa hạ cho cả hai miền Nam, Bắc và mưa vào tháng?) cho Trung Bộ. Do áp thấp Bắc Bộ, khối khí này di chuyển theo hướng đông nam vào Bắc Bộ, tạo nên “gió mùa Đông Nam” vào mùa hạ ở miền Bắc.

– Sự luân phiên các khối khí hoạt động theo mùa khác nhau cả về hướng và về tính chất đã tạo nên sự phân mùa khí hậu.

+ Ở miền Bắc: có mùa đông lạnh khô, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều.

+ Ở miền Nam: có hai mùa khô, mưa ẩm rõ rệt.

+ Ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung: có hai mùa mưa, khô, nhưng mùa mưa lệch về thu đông.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular