fbpx
Saturday, April 27, 2024
HomeTin tuyển sinhTrường đại học không tham gia coi thi, thí sinh lo ngại...

Trường đại học không tham gia coi thi, thí sinh lo ngại tiêu cực

Nhiều học sinh bày tỏ lo lắng các trường “bắt tay”, thả cho thí sinh gian lận khi giáo viên trong tỉnh coi thi. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ có giải pháp chặn tiêu cực.

Năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thay cho thi THPT quốc gia. Dự kiến, cán bộ coi thi là người địa phương, giáo viên coi thi đảo chéo giữa các trường. Khác với năm trước, giảng viên các trường đại học sẽ không về các địa phương coi thi.

Qua chương trình đối thoại trực tuyến trên VTV, bạn Kim Oanh đặt ra lo lắng kỳ thi không công bằng, thậm chí xảy ra tiêu cực.

Một thí sinh khác tỏ ra nghi vấn: “Giáo viên các trường bắt tay nhau, thả cho thí sinh quay cóp, thanh tra thì có nơi làm chặt nơi thả lỏng. Câu chuyện Hà Giang, Sơn La là ví dụ cho việc có thể xảy ra sự bắt tay giữa các hội đồng thi”.

Thanh tra, camera giám sát, đảm bảo thi cử nghiêm túc

Trước lo lắng đó, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cam kết sẽ tổ chức một kỳ thi nghiêm túc.

Theo ông Trinh, trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại thi bằng hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh trong phòng sẽ có một mã đề riêng, tránh tình trạng quay cóp, trao đổi bài.

Bộ GD&ĐT cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra với thanh tra từ bộ (có sự tham gia của giảng viên các trường đại học), sở GD&ĐT, UBND tỉnh. Đây là năm đầu tiên thanh tra UBND tỉnh tham gia.

Công tác chấm thi cũng được đảm bảo với thiết bị hỗ trợ giám sát như camera. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm được năng cấp, chấm tại địa phương nhưng quy trình rất chặt chẽ.

Ông Trinh tự tin quy trình như vậy sẽ hạn chế tiêu cực rất nhiều, nếu có gian lận. Thanh tra, camera giám sát toàn bộ quá trình chấm thi sẽ có giám sát.

Hơn nữa, phiếu trả lời trắc nghiệm được quét ảnh, mã hóa, gửi về Bộ GD&ĐT, phục vụ công tác chấm thi, giám sát, chấm đối sánh trong trường hợp xảy ra bất thường.

Chấm thi tự luận cũng được tiến hành 2 vòng độc lập với sự giám sát của camera và thanh tra.

Theo Cục trưởng Mai Văn Trinh, Thủ tướng đã giao chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về sự an toàn, nghiêm túc của kỳ thi tại địa phương mình. Đây cũng là yếu tố để đảm bảo địa phương tổ chức thi nghiêm túc.

“Kỳ thi an toàn, nghiêm túc hay không, trước hết phụ thuộc vào chính các thí sinh. Tôi kêu gọi các thí sinh dự thi bằng sự cố gắng, tự trọng của tuổi trẻ để cùng thầy cô giáo hướng tới kỳ thi nghiêm túc”, ông Trinh nói.

Tuy nhiên, ông không phủ nhận lịch sử thi cử Việt Nam từng xảy ra chuyện các trường “bắt tay”, thả cho thí sinh quay cóp, thanh tra nơi chặt nơi lỏng. Bộ GD&ĐT nhận thức được điều này nên đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, cả về mặt kỹ thuật, quản lý và những giải pháp được điều chỉnh về mặt pháp luật.

Cán bộ coi thi vi phạm bị xử lý nghiêm. Ngoài ra còn có cán bộ giám sát ngoài phòng thi, thanh tra các cấp.

Thí sinh học gì thi nấy

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và hai bài thi tự chọn (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội) như kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái.

Tuy nhiên, các bài thi, kể cả bài thi tổ hợp, quy về một đầu điểm, thang điểm 10. Thay đổi này khiến không ít thí sinh lo ngại vì từ đầu năm, các em chỉ dồn lực học các môn có trong tổ hợp để xét tuyển đại học.

Trước băn khoăn của người học, trong chương trình đối thoại trực tiếp trên VTV, ông Mai Văn Trinh giải thích kỳ thi nhằm mục đích đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Với mục tiêu hướng tới giáo dục toàn diện, bộ không chấp nhận việc bỏ hẳn môn này môn khác, chỉ tập trung học một số môn.

Đương nhiên, xét bối cảnh học kỳ 2 của học sinh lớp 12 gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, bộ điều chỉnh nội dung thi và độ khó của đề.

Theo đó, nội dung đề thi thuộc chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, đã được Bộ GD&ĐT tinh giản. Ông Trinh khẳng định học sinh học gì thi nấy, nội dung không học sẽ không có trong đề thi.

Ngoài ra, vì kỳ thi chủ yếu để xét tốt nghiệp, cấu trúc đề thi thay đổi theo hướng tăng mức độ cơ bản (nhận biết, thông hiểu). Số lượng câu hỏi ở mức vận dụng, vận dụng cao ít hơn, độ khó cũng giảm.

“Các bài thi, môn thi không thay đổi so với năm ngoái, chỉ khác cấu trúc gọn gàng, đơn giản hơn một chút”, ông Trinh nói thêm số lượng câu hỏi và thời gian làm bài thi tổ hợp đều giảm so với năm ngoái.

Để thí sinh, giáo viên yên tâm, sắp tới, bộ sẽ công bố bộ đề tham khảo phù hợp với mục đích của kỳ thi mới. Đương nhiên, đề thi vẫn có độ phân hóa nhất định.

Theo Zing

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular