fbpx
Saturday, April 20, 2024
HomeTin tuyển sinh'Thay đổi thi tốt nghiệp THPT trong thời điểm đã chín muồi'

‘Thay đổi thi tốt nghiệp THPT trong thời điểm đã chín muồi’

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, đây là thời điểm đã chín muồi để quy hoạch lại kỳ thi, giảm bớt yêu cầu, độ khó, sát với mục đích.

Dự kiến, thí sinh trên cả nước thi tốt nghiệp THPT vào giữa tháng 8, sau 3 tháng gián đoạn việc học vì dịch Covid-19. Điều này khiến không ít em lo ngại không kịp ôn thi. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn kỳ thi nếu chỉ phục vụ xét tốt nghiệp THPT.

Thi phù hợp điều kiện dạy học trong dịch Covid-19

“Nếu muốn học sinh học tốt, giỏi toàn diện, thầy cô phải công bố từ đầu năm. Thí sinh không thể ôn tập kịp” – câu hỏi của học sinh trên chương trình đối thoại trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học 2020 của VTV.

Thắc mắc này được đặt ra khi trong kỳ thi sắp tới, bài thi tổ hợp chỉ quy về một đầu điểm, không còn điểm môn thành phần như các năm trước. Nhiều em lo thiệt thòi khi trước đây chỉ chú trọng học một hoặc hai trong số 3 môn của bài thi.

Trong khi đó, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho rằng các bài thi vẫn tương tự như kỳ thi năm ngoái. Trước nay, các em học, ôn theo hướng này. Thí sinh chỉ cần ôn tập như bình thường sẽ đạt điểm cao.

Để thí sinh yên tâm hơn, ông khẳng định bài thi, môn thi không thay đổi so với năm ngoái nhưng cấu trúc gọn gàng, đơn giản hơn.

Cụ thể, số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu tăng. Câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao giảm cả về số lượng lẫn độ khó.

Theo ông Trinh, kỳ thi được điều chỉnh do hoàn cảnh, tác động từ dịch Covid-19. Nếu duy trì kỳ thi như năm trước, việc học của thí sinh sẽ rất nặng.

Trong khi đó, do dịch bệnh, việc học của học sinh trên cả nước bị xáo trộn nhiều. Các địa phương triển khai dạy học trực tuyến, qua truyền hình nhưng rõ ràng, không có sự đồng đẳng giữa các vùng miền. Các em vùng sâu vùng xa thiệt thòi hơn.

Vì thế, việc giảm bớt áp lực của kỳ thi chính là hướng tới đại đa số học sinh, đặc biệt các em có điều kiện khó khăn.

Ông Trinh khẳng định điều chỉnh này phù hợp trong lộ trình đổi mới thi từ 2015 tới nay. Kỳ thi theo tinh thần hướng tới một kỳ thi đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, mục đích đầu tiên để xét công nhận tốt nghiệp.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, thời điểm này đã chín muồi, cộng thêm dịch bệnh, Chính phủ và Bộ GD&ĐT quy hoạch lại kỳ thi, giảm bớt yêu cầu, độ khó cho sát với mục đích.

“Tôi cho rằng như thế phù hợp điều kiện dạy học trong thời gian vừa qua”, ông Mai văn Trinh nói.

Không thi, sợ học sinh không học

Kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu phục vụ mục đích xét tốt nghiệp. Một số câu hỏi đặt ra vấn đề tại sao không bỏ hẳn kỳ thi này.

“Tôi nghĩ nên cho các cháu tốt nghiệp hết. Cháu nào có nguyện vọng vào đại học nên đăng ký nguyện vọng phù hợp, còn lại đi học nghề”, ông Nguyễn Minh, một phụ huynh, nêu ý kiến.

Ông Mai Văn Trinh cho biết đề xuất này đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, Luật Giáo dục quy định để tốt nghiệp, học sinh phải trải qua kỳ thi.

Hệ thống giáo dục phổ thông không có kỳ thi đánh giá chất lượng khi học sinh học xong bậc tiểu học và THCS. Trong khi đó, với tâm lý của đa số học sinh và người Việt Nam, nếu không tổ chức kỳ thi cuối cùng, động lực học tập của học sinh sẽ giảm rất nhiều, thậm chí không thi, không học.

Vì thế, Luật Giáo dục quy định rõ học sinh học xong lớp 12 đủ điều kiện để tham gia kỳ thi, đạt yêu cầu thì được công nhận tốt nghiệp THPT.

Theo ông Mai Văn Trinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT rất cần thiết, là kỳ thi cuối cùng để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo hiện hành.

Kết quả thi được sử dụng vào nhiều mục đích, trước hết là xét tốt nghiệp, làm căn cứ mà điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường.

Nếu kỳ thi tổ chức một cách nghiêm túc, công bằng khách qua, điểm thi còn dùng cho nhiều mục đích khác nữa, bao gồm công tác tuyển sinh ĐH, CĐ.

Ông nói thêm việc tổ chức một kỳ thi quốc gia, bằng tốt nghiệp được cấp còn mang ý nghĩa hội nhập quốc tế.

“Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc tấm bằng được đóng dấu xác nhận chất lượng quốc gia rất quan trọng. Như vậy, các em hội nhập, du học sẽ thuận lợi”, cục trưởng nhấn mạnh.

Ông nói thêm những học sinh học xong THPT nhưng không muốn thi tốt nghiệp hoặc thi không đỗ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Các em có thể trực tiếp tham gia vào lực lượng lao động hay học nghề.

Theo Zing

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular