fbpx
Friday, April 26, 2024
HomeTin tuyển sinhThi THPT QG 2017: Bộ GD&ĐT nên thẳng thắn nhìn nhận những...

Thi THPT QG 2017: Bộ GD&ĐT nên thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót

“Xin Bộ GD&ĐT hãy thẳng thắn và nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót về một số câu hỏi trong đề thi, đáp án thi ở một số môn thi trắc nghiệm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, trong đó có môn Sử”, thầy Trần Trung Hiếu cho hay.

Cho đến thời điểm hiện tại, thí sinh đã làm xong các bài thi THPT quốc gia 2017. Tuy nhiên, dư luận vẫn không ngừng tranh cãi về đề thi với những câu hỏi rời rạc, không logic nhất là đề thi môn Sử.

Liên quan đến vấn đề này, PV Infonet đã có cuộc trò chuyện cũng Thạc sĩ Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).

PV: Năm nay, môn Sử kỳ thi THPT quốc gia thi dưới hình thức trắc nghiệm. Thầy đánh giá như thế nào về chất lượng đề thi môn Sử?

Thầy Trần Trung Hiếu: Trong nhiều kỳ thi những năm gần đây, môn thi Lịch sử luôn trở thành tâm điểm tạo nên sự quan tâm của dư luận xã hội. Gần như tranh cãi bởi những sai sót với nhiều lý do khác nhau.

Bắt đầu từ năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT quyết định hình thức thi trắc nghiệm nhiều môn thi, trong đó có Lịch sử.

Với góc độ cá nhân, là một giáo viên phổ thông, tôi cho rằng:

Thứ nhất, đề thi trắc nghiệm môn Sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã bao quát được kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 hiện hành từ lịch sử thế giới đến lịch sử Việt Nam. Các câu hỏi đáp ứng được các yêu cầu phân hóa năng lực của học sinh với ma trận đề theo các cấp độ : Nhận biết kiến thức, thông hiểu kiến thức, vận dụng và vận dụng cao. Với cấu trúc và nội dung như vậy sẽ hạn chế được thói quen “học tủ” của học sinh cũng như việc quay cóp tài liệu trong phòng thi của thí sinh.

Thứ hai, bên cạnh những ưu điểm cơ bản dễ thấy đó, đề thi môn Sử đã bộc lộ một số hạn chế mà hình thức thi trắc nghiệm dễ mắc phải: Có một số câu hỏi ở một số mã đề thiếu sự chặt chẽ và tường minh mà hệ lụy của nó là gây nên sự tranh cãi theo kiểu “bất phân thắng bại” từ rất nhiều giáo viên môn Sử phổ thông.

Và thực tiễn của kỳ thi đầu tiên với hình thức thi trắc nghiệm này, những hạn chế của hình thức thi này đã được “phát lộ” mà nhiều chuyên gia giáo dục, nhiều nhà giáo đã cảnh báo điều này bắt đầu từ khi Bộ có chủ trương triển khai trong năm học 2016-2017.

Bộ muốn cải thiện chất lượng học và thi môn Sử sau nhiều năm thăng trầm bằng việc chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm.

Trước đây, học sinh rất ngại học Sử vì phải nhớ quá nhiều kiến thức, sự kiện, con số, ngày tháng năm tỉ mỉ, vụn vặt. Nhưng, với đề thi, đáp án thi môn trắc nghiệm năm nay lại bắt các em phải học, phải nhớ, phải làm những câu hỏi thiên về trí nhớ mà ngay chính các thầy cô giáo dạy Sử cũng không nhớ nổi.

Tôi dám khẳng định rằng, nếu cho các thầy cô giáo dạy Sử phổ thông cùng thử làm đề thi trắc nghiệm môn Sử năm nay, chắc chắn rất nhiều thầy cô cũng sẽ làm sai nhiều câu ở cấp độ thông hiểu, vận dụng .

PV: Có một điều đáng chú ý, khi thí sinh làm bài thi môn Lý Bộ GD&ĐT đã phải đính chính 7 mã đề. Hay ngay sau khi kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, Bộ GD&ĐT đã phải cập nhật lại đáp án 1 câu hỏi trong đề thi. Tuy nhiên, Bộ lại giải thích là do lỗi kỹ thuật, thầy nghĩ sao về điều này?

Thầy Trần Trung Hiếu: Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy, tôi thấu hiểu công việc ra đề thi luôn là một công việc không hề dễ dàng và đầy áp lực. Tôi cũng hết sức chia sẻ với Bộ GD&ĐT và những thành viên trong Ban đề thi về thực trạng của đề thi, đáp án môn Sử vừa qua.

Đây là kỳ thi quốc gia đầu tiên Bộ tiến hành thi trắc nghiệm với 1 phòng thi có 24 mã đề với 40 câu hỏi thì sự sai sót là điều có thể xảy ra từ bất cứ lý do gì.Tôi không ngạc nhiên về những câu hỏi gây nên sự tranh cãi đó.

Nếu có sai thì phải sửa, và sửa chứng tỏ đã sai, đó là điều bình thường, nhưng nếu có sai sót mà không sửa mới là điều bất thường.

Tuy nhiên, tôi không tán thành cách sửa sai một cách im lặng của Bộ GD&ĐT. Và tôi cũng không đồng ý với cách lý giải về sự sai sót trong đáp án câu 22 trong mã đề 302 của Bộ với nguyên nhân là “lỗi kỹ thuật”. Đó là sự biện hộ, hoàn toàn không có sức thuyết phục với giáo viên.

PV:Trong khâu ra đề, nhiều giáo viên dạy Sử phản ánh có những câu hỏi rời rạc, không logic. Thầy nghĩ Bộ GD&ĐT có nên thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót trong kỳ thi vừa qua không?

Thầy Trần Trung Hiếu: Trong những ngày gần đây, trên nhiều thầy cô giáo dạy Sử trên toàn quốc đã bày tỏ sự băn khoăn, bức xúc và tranh cãi liên quan đến một số câu hỏi, đáp án của một số mã đề thi môn Sử.

Đó là một thực tế, một sự thật mà chúng ta nên đối mặt. Tôi chưa bàn đến việc sai hay đúng, nếu có sai thì sai ở mức độ nào. Để trả lời cho câu hỏi này xin nhường cho Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có 1 động thái chính thức nào, nói chính xác là chưa có một cá nhân nào thay mặt Bộ có tiếng nói giải trình trên các phương tiện truyền thông để giải đáp về những câu hỏi mà rất nhiều giáo viên Sử phổ thông đã và đang tranh cãi nhưng chưa có lời giải thỏa đáng. Và đáp án nào là đúng thì vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Quan trọng là quyền lợi của nhiều thí sinh gắn liền với sự mất mát về điểm số, dù chỉ 0,25 điểm vẫn chờ đợi trong vô vọng. Tuy nhiên, mất mát lớn nhất từ phía các em học sinh vừa trải qua kỳ thi này chính là niềm tin vào sự công bằng của một kỳ thi.

Đặc biệt, nguy hại hơn chính là tác động đến tâm lý của các em học sinh đang học lớp 10, lớp 11 năm nay khi nghĩ đến việc chọn Lịch sử là môn thi cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, 2019.

Tôi thiết nghĩ, Bộ không nên im lặng một cách khó hiểu như vậy và cần có động thái công khai, thiện chí và tích cực về những tranh cãi không nên có này từ phía dư luận. Giá trị của thông tin chính là sự minh bạch và kịp thời.

Nếu những sự tranh cãi đó có câu trả lời thỏa đáng và thuyết phục từ Bộ GD&ĐT, tôi tin các em học sinh vừa thi xong an bớt lo lắng hơn, các giáo viên sẽ bớt bức xúc hơn và dư luận sẽ bớt “dậy sóng” hơn.

Và theo tôi, điều tối quan trọng hiện nay mà Bộ GD&ĐT cần làm và giáo viên đang mong mỏi dù có vẻ quá khó là : Xin Bộ đừng bảo thủ đến mức cực đoan. Hãy thẳng thắn và nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót về một số câu hỏi trong đề thi , đáp án thi ở một số môn thi trắc nghiệm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, trong đó có môn Sử.

Dũng cảm chỉ rõ nguyên nhân là “người” hay “máy” từ đó mới rút ra những bài học kinh nghiệm có giá để hạn chế tới mức tối đa trong khả năng có thể cho kỳ thi năm sau. Nếu có sai sót thì phải sửa và sửa một cách công khai, nếu sót thì phải bổ sung, bổ sung một cách minh bạch và kịp thời.

Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!

Theo infonet

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular