fbpx
Saturday, April 27, 2024
HomeHọc đườngKhi nói đến giáo dục giới tính, nhiều người thường nghĩ 'dạy...

Khi nói đến giáo dục giới tính, nhiều người thường nghĩ ‘dạy trẻ quan hệ tình dục’

TS. Tâm lí Đào Lê Hoà An cho rằng, do quan niệm định kiến nên nhiều người xem giáo dục giới tính, hướng dẫn trẻ tình dục an toàn là “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng không vẽ “hươu cũng sẽ chạy”, đó là nhu cầu tự nhiên của mỗi người.

Đây là bài toán cho cả ngành giáo dục

TS. Tâm lí Đào Lê Hoà An (Founder Công ty đào tạo và hướng nghiệp 4.0 Jobway) cho biết: “Từ lâu, vấn đề giáo dục giới tính đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tính cấp thiết của môn học này ai cũng hiểu rõ. 

 Nhưng chúng ta vẫn còn nhiều bức tường định kiến cần phá vỡ, mọi người cứ xem giáo dục giới tính là “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng không vẽ “hươu cũng sẽ chạy”, đó là nhu cầu tự nhiên của mỗi người.

Chính vì vậy, việc lí giải cho các em biết được sự phát triển của cơ thể ra sao, vì sao lại có những tò mò, ham muốn, kích thích khi nhắc đến vấn đề tình yêu, tình dục, và kể cả việc bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại tình dục, tình dục an toàn… cũng là những khía cạnh thật sự cần thiết cho học sinh”.

Trong trường hợp trẻ vị thành niên quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mang thai, theo ông An, trước tiên rất cần sự chẩn đoán của các bác sĩ để xem xét tình trạng tâm lí, sức khỏe của người mẹ cũng như sức khoẻ thai nhi như thế nào.

Sau đó, nhà trường hoặc địa phương nên tạo cầu nối giữa gia đình và các chuyên viên tâm lí vì không chỉ là các em mà đôi khi cách hành xử của gia đình (do thiếu kiến thức, do quá lo lắng cho con mình…) cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các em.

Đây chắc chắn là một cú sốc lớn, không thể ngày một ngày hai là các nhà tâm lí có thể xong việc, mà đó là cả một quá trình đồng hành, nâng đỡ cảm xúc…. để tránh những hậu quả hay suy nghĩ tiêu cực sau này.

Cũng theo ông An: “Đây là bài toán cho cả ngành giáo dục, cần sự tham gia của nhiều nhà giáo dục và nhà tâm lí để đưa ra một chương trình giáo dục giới tính vào trường học bài bản nhất.

Tuy nhiên, việc giáo dục cho các em về phòng tránh xâm hại nên được tiến hành ngay khi trẻ chưa dậy thì (lứa tuổi tiểu học), từ khi trẻ dậy thì (cấp 2), cần những buổi chia sẻ sâu hơn cho từng giới biết về đặc điểm cơ thể, vấn đề phát sinh tình cảm, tình yêu, tình dục an toàn, không an toàn…

Điều bất cập hiện nay, đó là các em có nhu cầu tìm hiểu, nhưng người lớn lại ngại chia sẻ. Ngoài ra, bài học về sức khoẻ sinh sản cũng có, nhưng lại đưa vào chương cuối của môn sinh học (sau khi thi học kì 2) lớp 8, dẫn đến cô ngại dạy, trò lười học”.

Cũng theo TS Tâm lý Đào Lê Hoà An, khi nói đến giáo dục giới tính, nhiều người thường nghĩ là “dạy trẻ quan hệ tình dục”, điều này là hoàn toàn sai lầm! Giáo dục giới tính có thể tạm chia ra làm ba mảng lớn: Các vấn đề về sức khoẻ sinh sản (dậy thì, vệ sinh cơ thể, các bệnh liên quan đến cơ quan sinh dục…), các vấn đề về tâm lí (giao tiếp, quản lí cảm xúc, xây dựng tình bạn…) và vấn đề về mối quan hệ (tình yêu, tình dục an toàn…).

Mỗi phần đều đóng vai trò quan trọng, giúp các em giải đáp các thắc mắc “khó đỡ”, đồng thời cũng giúp các em nhận thức chính xác hơn về những gì mình đang làm, hiểu được hậu quả và có trách nhiệm với hành động của mình.

Cách để trẻ có khả năng “miễn nhiễm” với những thông tin đồi truỵ

Đánh giá về công tác giáo dục giới tính hiện nay, ông An cho rằng: “Những khoá học giáo dục giới tính tổ chức theo kiểu “dập lửa” (có sự kiện nổi lên, các trường, các trung tâm lại tổ chức những buổi báo cáo chuyên đề).

Điều này không được thực hiện đồng bộ, bài bản, lâu dài… dẫn đến hiệu quả không cao. Chưa kể đến những buổi học mang tính hình thức, báo cáo cấp trên để đạt chỉ tiêu, người dạy chưa được đào tạo bài bản, có lí thuyết sâu về vấn đề giới tính, dẫn đến thông tin truyền đạt sai lệch, không chuẩn.

Giáo dục giới tính không phải là vấn đề lí luận, cần tránh việc “đọc – chép” hoặc giảng giải quá sơ sài, “ngại nói thẳng, nói thật”. Giáo dục giới tính có thể trở thành một tiết học ngoại khoá (1 tháng 1 chủ đề với nhiều hoạt động như: Giải mã câu đố, báo cáo chuyên đề, hội thi diễn kịch…) để các em chủ động tìm hiểu, tự tin tiếp cận với kiến thức tưởng chừng rất nhạy cảm, nhưng hoá ra nó cũng rất bình thường và dễ hiểu”.

Nói về tác động của Internet đến công tác giáo dục giới tính, theo ông An, chúng ta cần nhìn nhận rằng, mình không thể kiểm soát thế giới, nhưng có thể kiểm soát cách nhìn về thế giới. Nếu trẻ có cái nhìn đúng đắn về vấn đề tình dục, thì tự trẻ sẽ có khả năng “miễn nhiễm” với những thông tin đồi truỵ.

Người lớn cũng không nên cấm đoán trẻ (vì càng cấm, trẻ sẽ càng làm) mà cần giải thích cho trẻ hiểu để giải toả thắc mắc, búc xúc trong lòng. Người lớn cũng không nên có sự can thiệp quá “thô bạo” (nói thẳng, hỏi dồn dập…) mà nên cùng trẻ chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ…

Trở thành một người bạn, hướng dẫn trẻ đi và tìm hiểu những thông tin về giới tính là cách làm hiệu quả nhất.

Người lớn không nói, trẻ vẫn sẽ làm (nguy hiểm hơn là làm theo bản năng, theo sự xúi giục của bạn bè…), đây chính là điều quan trọng nhất, tiếp tục gióng lên những hồi chuông báo động về thực trạng trẻ thiếu/ không hiểu rõ các kiến thức về giới tính, tình dục.

Trước thực tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa có tỉ lệ nạo phá thai cao hơn so với các thành phố lớn, TS. An bày tỏ quan điểm, việc trang bị kiến thức về giáo dục giới tínhcần mang tính toàn diện, đồng bộ từ trên xuống dưới, không nên phân biệt địa phương bởi dù ở miền núi hay ở thành thị, các giai đoạn phát triển về mặt sinh lý của trẻ cũng gần tương đồng với nhau.

Tuy nhiên, việc thiết kế giáo án giáo dục giới tính, cách thức truyền đạt… hoàn toàn có thể dễ cho từng thầy cô sáng tạo để phù hợp với đặc điểm tâm lí của từng đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, việc đào tạo kiến thức về giới tính cũng phải đồng bộ từ các thầy cô, đến gia đình để tạo ra thế kiềng 3 chân vững chắc (nhà trường, gia đình và chính nhận thức của học sinh).


Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular