fbpx
Friday, April 26, 2024
HomeBộ đề luyện thi THPT Quốc giaMôn SửĐề thi thử THPT Quốc gia môn Sử năm 2016 - Đề...

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử năm 2016 – Đề số 5

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử năm 2016 – Đề số 5, gồm có 4 câu hỏi, các em tham khảo dưới đây:

Xem thêm: Đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN SỬ NĂM 2016 – ĐỀ SỐ 5

Câu I (3,0 điểm) 

Nguyên nhân, diễn biến, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của phong trào cách mạng (1930 – 1931) với đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh?

Câu II (2,0 điểm) 

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (11/39) với việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương? Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/41) với việc thành lập Mặt trận Việt Minh?

Câu III (2,0 điểm) 

Cuối năm 1974 – mùa Xuân 1975, sau mỗi thắng lợi lớn trên chiến trường, Đảng ta đã có những chủ trương, quyết định nào để sớm giải phóng hoàn toàn miền Nam?

Câu IV.(3,0 điểm)

1. Cao trào kháng Nhật cứu nước và khởi nghĩa từng phần (3–>8/45)?

2. Các nước Đông Âu xây dựng  chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh nào? Thành tựu? ý nghĩa?

ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN SỬ NĂM 2016 – ĐỀ SỐ 5

Câu I (3,0 điểm) 

a)  Nguyên nhân

   – Về kinh tế – Xã hội – Chính trị

   –> Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bùng nổ của phong trào Cách mạng 1930 – 1931.

   b)  Diễn biến

    * Từ ngày 2–>4/1930: Phong trào nổ ra ở cả 3 kỳ.

    – Ngày 2/1930 cuộc bãi công của hơn 3000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng ở Nam Kỳ đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập cúp phạt.

    – Cuộc bãi công của 4000 công nhân nhà máy sự Nam Định….

    – Phong trào diễn ra ở Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An…

    –> Pháo hiệu mở đầu của phong trào Cách mạng  nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mạnh nhất ở Bắc Kỳ vì nơi đây có số lượng công nhân tập trung đông hơn, có chi bộ Cộng sản ra đời sớm hơn lãnh đạo. Hình thức đấu tranh còn thấp chủ yêú đòi các quyền lợi kinh tế.

    * Từ ngày 5–>8/1930: Phong trào phát triển ngày càng cao.

   – Ngày 1/5/1930 công nông và dân chúng Đông Dương dưới sự lãnh đạo của đảng tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết vô sản thế giới và biểu dương lực lượng. Từ thành phố đến nông thôn, trên cả 3 miền đã xuất hiện cờ Đảng, truyền đơn, mít tinh, biểu tình…

   – Cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra trong các xí nghiệp….

   – Nông dân các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An…

   – Nghệ – Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh nhất. Vì sao?

         + Ngày 1/5/1930 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Cộng sản tỉnh Nghệ An công nhân nhà máy diêm cưa Vinh – Bến Thuỷ cùng hàng nghìn nông dân các vùng lân cận thị xã Vinh biểu tình, thị uy phất cao cờ đỏ búa liềm, giương cao khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm…

         + Cùng ngày có 3000 công nhân huyện Thanh Chương biểu tình phá đồn điền Ký Viện tịch thu ruộng đất chia cho nông dân. Thực dân Pháp đàn áp làm 18 người chết…

         + Ngày 1/8/1930 bùng nổ cuộc bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh – Bến Thuỷ nhân ngày quốc tế chiến tranh đế quốc, đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh quyết liệt đã đến

      + Cùng với đấu tranh của công nhân còn có phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh diễn ra với quy mô lớn, dưới hình thức biểu tình có vũ trang đòi giảm thuế thân, giảm tô, bỏ thuế chợ thuế đò. Phong trào Cách mạng của quần chúng lan rộng khắp huyện trong hai tỉnh.

Như vậy từ ngày 5–>8/1930 phong trào ngày càng dâng cao hon, trung tâm phong trào giờ đây đã chuyển về miền Trung, một mảnh đất vốn có truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường. Hình thức đấu tranh không chỉ dừng lại ở kinh tế mà đã tiến lên đấu tranh chính trị mang tính giai cấp rõ rệt.

   * Từ ngày 9/1930 trở đi

   – Đỉnh cao của phong trào (30 – 31) ở Nghệ – Tĩnh là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 ở Hưng Nguyên của 2 vạn người để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh – Bến Thuỷ phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và tay sai…

   – Từ ngày 9–>10/1930 các huyện Thanh Chương, Diễn Châu (Nghệ An) Hương Sơn (Hà Tĩnh)…nông dân đã vũ trang khởi nghĩa. Công nhân Vinh – Bến Thuỷ bãi công lần thứ 3 trong 2 tháng để ủng hộ phong trào nông dân.

   – Từ cuộc biểu tình ngày 12/9 ở Hưng Nguyên phong trào đấu tranh của qcnd lên rất mạnh mẽ khiến cho bộ máy thống trị của đế quốc, phong kiến ở nông thôn Nghệ – Tĩnh bị tan rã. Các ban chấp hành nông hội do các chi bộ Đảng lãnh đạo đứng lên quản lý mọi mặt đời sống chính trị, xã hội ở nông thôn theo kiểu Xô Viết.

Như vậy tháng 9 trở đi phong trào dâng lên đỉnh cao tiến tới khởi nghĩa vũ trang, khởi nghĩa cướp chính quyền tiêu biểu nhất là lập ra chính quyền Xô Viết – Nghệ Tĩnh.

    * Dưới chính quyền Xô Viết – Nghệ Tĩnh quần chúng nhân dân được hưởng những quyền lợi sau:

    – Về kinh tế.

    – Về chính trị.

    – Về Văn hoá – xã hội.

    – Về quân sự.

Xô Viết – Nghệ Tĩnh duy trì được 4,5 tháng thì bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp. Tuy nhiên chính quyền Xô Viết – Nghệ Tĩnh tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của nó. Chính quyền đã thực hiện nhiệm vụ theo hình thức Xô Viết đây thực sự là một chính quyền do dân, vì dân.

    c)  Ý nghĩa lịch sử của phong trào Cách mạng  30 – 31

    – Phong trào Cách mạng  30 – 31 đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh là một sự kiện lịch sử trọng đại trong lịch sử cách mạng nước ta. Kế tục được truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, lại đượ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lênin soi đường, nhân dân lao động nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã vùng lên với khí thế tấn công cách mạng chưa từng thấy, giáng một đòn quyết liệt vào bè lũ đế quốc và phong kiến tay sai.

    – Phong trào cho thấy dưới sự lãnh đạo của đảng giai cấp công nhân và nông dân đoàn kết với các tầng lớp nhân dân khác có khả năng lật đổ nền thống trị của đế quốc và phong kiến để xây dựng một cuộc sống mới.

    – Phong trào đã để lại những bài học quý báu cho Cách mạng Việt Nam về sau.

  – Đây là cuộc diễn tập đầu tiên của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của đảng chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Câu II (2,0 điểm) 

   a)  Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI và việc thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương(11/39).

   * Hoàn cảnh ra đời

   – Thế giới:

      + Chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ (9/1939) ở Châu Âu quân đội Phát xít Đức kéo vào nước Pháp, bọn phản động Pháp hoàn toàn đầu hàng làm tay sai cho Phát xít Đức (6/1940).

         + Viễn Đông Phát xít Nhật đẩy mạnh xâm lược Tung Quốc và tiến sát biên giới Việt – Trung.

   – Trong nước

         + Bọn Thực dân Pháp đứng trước 2 nguy cơ lớn:

        . Một ngọn lửa Cách mạng giải phóng Dân tộc của nhân dân ta sớm muộn cũng bùng nổ.

        . Hai là sự đe doạ của Phát xít Nhật sẽ hất cẳng chúng.

         + Để đối phó lại tình hình đó Pháp đã:

        . Đàn áp phong trào Cách mạng của nhân dân ta thi hành chính sách “Kinh tế chỉ huy” làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân ta với Thực dân Pháp và tay sai càng gay gắt.

           . Thoả hiệp với Phát xít Nhật.

         + Đảng đã cảnh cáo bọn Thực dân Pháp về nguy cơ xâm lược của Phát xít Nhật đòi Pháp mở rộng quyền Tự do Dân chủ, cải thiện đời sống cho nhân dân và cùng nhân dân Đông Dương chống Nhật. Nhưng chúng đã điền cuồng khủng bố (9/39 có 1051 vụ bắt bớ, khám xét ở Bắc Kỳ) Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời rút vào hoạt động bí mật (1938) phát triển cơ sở ở nông thôn chuẩn bị cao trào cách mạng mới.

    * Nội dung của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (11/1939).

    –  Xác định kẻ thù chủ yếu trước mắt là chủ nghĩa Đế quốc Phát xít

    –  Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và cấp bách nhất của Cách mạng Đông Dương.

    – Tạm rút khẩu hiệu “cải cách ruộng đất” thay bằng khẩu hiệu “chống địa tô cao, chống cho vay nặng lãi, tịch thu ruộng đất của bọn Thực dân, Đế quốc và bọn địa chủ tay sai đem chia cho dân cày nghèo” khẩu hiệu thành lập “Chính quyền Xô Viết công nông” thay bằng khẩu hiệu” Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đông Dương”.

    – Để thực hiện những vấn đề trên Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, các dân tộc Đông Dương chĩa mũi nhọn của cách mạng vào kẻ thù chủ yếu trước mắt là Chủ nghĩa đế quốc, phát xít. Hội nghị còn khẳng định cách mạng sớm bùng nổ.

    * Phân tích nội dung chuyển hướng chỉ đạo chiến lược:

    – Trong Luận cương chính trị 1930 của Đảng đề ra 2 nhiệm vụ chiến lược đánh đổ Đế quốc và Phong kiến. Hai nhiệm vụ này có liên hệ khăng khít với nhau

    – Tình hình trong giai đoạn 1939 – 1941 có những biến chuyển mới Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu, trước mắt là Chủ nghĩa đế quốc, phát xít, đặt nhiệm vụ giải phóng Dân tộc lên hàng đầu do đó tạm rút khẩu hiệu”Cách mạng ruộng đất” (gác nhiệm vụ đánh đổ phong kiến) thay khẩu hiệu “Chính quyền Xô Viết công nông” bằng “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đông Dương” để đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp, giai cấp, dân tộc Đông Dương.

    * Ý nghĩa của sự chuyển hướng thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương.

    – Đây là sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đúng đắn. Đảng ta giương cao ngọn cờ giải phóng Dân tộc, đoàn kết được rộng rãi mọi tầng lớp, giai cấp và dân tộc Đông Dương trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế để đấu tranh chống kẻ thù chung

    – Sự chuyển hướng này đã mở ra một thời kỳ đấu tranh mới, thời kỳ trực tiếp chuẩn bị mở đường tới thắng lợi của cách mạng tháng Tám sau này.

    b)  Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/41) với việc thành lập Mặt trận Việt Minh.

    * Hoàn cảnh

   – Thế giới:

      + Chiến tranh Thế giới thứ 2 bước sang năm thứ ba, 6/1941 Phát xít Đức tấn công Liên Xô cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô bắt đầu. Tính chất chiến tranh thay đổi, trên thế giới hình thành hai trận tuyến: một bên là các lực lượng Dân chủ do Liên Xô đứng đầu và một bên là khối Phát xit Đức, Italia, Nhật. Cuộc đấu tranh của nhân dân là một bộ phận cuộc đấu tranh của các lực lượng dân chủ.

      + Ở mặt trận Châu Á, Nhật chuẩn bị chiến tranh Thái Bình dương.

  – Trong nước: Nhật – Pháp đang bóc lột, nhân dân ta chịu hai tầng áp bức bóc lột.

    * Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5/41) đã:

    – Nhận định:

       + Mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với đế quốc phát xít xâm lược trở thành mâu thuẫn chủ yếu nhất, vận mệnh dân tộc nguy vong không lúc nào bằng. Vì vậy lúc này nhiệm vụ cách mạng giải phóng Dân tộc là nhiệm vụ  bức thiết, kẻ thù chính trước mắt của đế quốc phát xít Pháp – Nhật.

    – Chủ trương:

      + Tiếp tục tạm gác khẩu hiệu “Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày” chỉ đưa ra khẩu hiệu”Tịch thu ruộng đất  của đế quốc, Việt gian chia cho dân cày”.

      + Để tập hợp lực lượng chống kẻ thù Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh) bao gồm các tổ chức quần chúng lấy tên là Hội cứu quốc nhằm “liên kết hết thảy đồng bào yêu nước, không biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.

   – Quyết định xúc tiến chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới vũ trang khởi nghĩa

   * Chủ trương quan trọng nhất là chủ trương thứ 1: Vì “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận g/c đến vạn năm cũng không đòi lại được”

    * Ý nghĩa

 Những chủ trương trên đây của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đã được đề ra từ Hội nghị VI. Nó có tác dụng quyết định trong việc vận động toàn Đảng, toàn dân ta tích cực chuẩn bị tiến tới Cách mạng tháng Tám.

   c)  Nét chính về sự hoạt động của Mặt trận Việt Minh (6/41–>3/45)

    * Xây dựng lực lượng

    – Ở căn cứ Bắc Sơn – Vũ Nhai: Thống nhất các đội du kích thành Cứu quốc quân và phát triển chiến tranh du kích trong 8 tháng (7/41–>2/42) sau đó phân tán nhỏ để gây cơ sở trong quần chúng tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn

    – Ở căn cứ Cao Bằng: Cao Bằng là nơi tiến hành xây dựng các Hội cứu quốc trước nhất trongcả nước. Đến 1942 khắp 9 châu đều có Hội cứu quốc, Uỷ ban Việt minh tỉnh Cao Bằng và Uỷ ban Việt minh  tỉnh Cao – Bắc – Lạng đã được thành lập. Năm 1943 đã có 19 ban xung phong “Nam tiến” để phát triển lực lượng Cách mạng xuống các tỉnh miền xuôi.

    – Ở các nơi khác: Đảng tranh thủ tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân vào mặt trận cứu nước năm 1943 đưa ra bản “Đề cương văn hoá” và vận động thành lập Hội văn hoá cứu quốc Việt Nam (cuối 1940 Đảng dân chủ Việt Nam đứng trong Mặt trận Việt Minh (6/44).

    – Đảng chủ trương tăng cường công tác vận động binh lính người Việt trong quân đội Pháp và những ngoại kiều ở Đông Dương chống Phát xít

    – Báo chí của Đảng và của Mặt trận Việt Minh (Cờ giải phóng, cứu quốc..) phát triển phong phú đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng đấu tranh chống thủ đoạn chính trị, văn hoá của địch, thu hút đông đảo quần chúng vào hàng ngũ cách mạng

* Tiến lên đấu tranh vũ trang

    –  7/5/1941 Tổng bộ Việt minh  ra “Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa”

    – Theo chỉ thị của Bác Hồ ngày 22/12/1944 Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (ĐVNTTGPQ) được thành lập. Hai ngày sau đội đã hạ đồn Phay Khắt và Nà Ngần. Quần chúng phấn khởi quân địch hoang mang lo sợ.

    – Lực lượng vũ trang và chính trị phát triển mạnh và hỗ trợ cho nhau. Do đó chính quyền nhân dân được thành lập suốt một vùng rộng lớn từ bờ sông Lô đến quốc lộ số 3, phía Nam đến tỉnh lị Thái Nguyên và Vĩnh Yên.

    – Tình hình thời cuộc rất khẩn trương lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nêu rõ “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”.

=> Những hoạt động trên cùng các hoạt động chuẩn bị toàn diện khác đã làm cho thế và lực của cách mạng ngày một vững chắc

    * Vai trò của Mặt trận Việt Minh.

    – Đối với Cách mạng tháng Tám: Mặt trận Việt Minh đã tập hợp mọi lực lượng yêu nước để xây dựng khối đoàn kết toàn dân, xây dựng lực lượng chính trị cho cách mạng thắng lợi. Mặt trận Việt Minh có công lớn trong việc phát triển lực lượng vũ trang cách mạng trong việc triệu tập và tiến hành thành công Quốc dân Đại hội – Tân Trào. (16 ->17/8/45) huy động nhân dân tham gia tổng khởi nghĩa tháng 8/45. Dưới sự lãnh đạo của Đảng giành được thắng lợi. Trong những ngày tổng khởi nghĩa lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của Mặt trận Việt Minh (lần đầu tiên xuất hiện trong khởi nghĩa Nam Kỳ) tung bay trong cả nước và trở thành quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khoá I thông qua.

    – Sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi: Mặt trận Việt Minh tiếp tục củng cố khối đoàn kết toàn dân trong mặt trận, lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền mới, chuẩn bị cuộc kháng chiến.

    – Trong những năm từ 1945 – 1951 của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Mặt trận Việt Minh đã cùng với Hội Liên Việt tập hợp mọi lực lượng của nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ và tất thắng.

    – Ngày 3/3/1951 Mặt trận Việt Minh đã thống nhất với Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt làm cho khối đoàn kết dân tộc càng thêm củng cố. Việt Minh đã hoàn thành nhiệm vụ, vai trò lịch sử của mình và đóng góp to lớn trong việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc, bảo vệ tổ quốc XHCN ngày nay.

Câu III (2,0 điểm) 

1- Chủ trương khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất ở miền Bắc, ra sức chi viện cho chiến trường miền Nam

– Sau Hiệp định Pari 1973, miền Bắc trở lại hòa bình. Đảng ta chủ trương nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục kinh tế, ra sức chi viện cho tiền tuyến. Đến cuối năm 1974, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên một số mặt quan trọng đạt và vượt mức năm 1964 và 1971 là hai năm đạt mức cao nhất trong 20 năm xây dựng CNXH ở miền Bắc; đời sống nhân dân ngày càng ổn định.

– Thực hiện chủ trương chi viện về sức người, sức của của miền Bắc cho miền Nam nhằm tiến hành tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, trong hai tháng đầu năm 1975, Đảng đã quyết định gấp rút đưa vào miền Nam 57.000 bộ đội (trong tổng số 108.000 bộ đội của kế hoạch động viên 1975), cùng nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, xăng dầu, thuốc men, lương thực, thực phẩm… Đến đầu năm 1975, ta đã nâng cấp và mở rộng tuyến đường vận chuyển chiến lược Bắc – Nam, xây dựng được một hệ thống đường ống dẫn dầu tới Lộc Ninh và một hệ thống đường thông tin liên lạc hữu tuyến đến tận các chiến trường; chuẩn bị lực lượng tiếp quản vùng giải phóng trên tất cả các mặt: quốc phòng, kinh tế, giao thông vận tải, văn hóa, giáo dục, y tế sau khi chiến tranh kết thúc.

2. Quyết định tổng tiến công và nổi dậy, thực hiện kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

– Cuối năm 1974 – đầu 1975, sau thắng lợi vang dội trong chiến dịch đánh đường 14 – Phước Long, quân ngụy đưa quân để chiếm lại vùng mới giải phóng song thất bại, trong khi Mĩ chỉ phản ứng yếu ớt, chủ yếu dùng áp lực từ xa và đe dọa.

– Diễn biến của tình hình đã khẳng định rõ nhận định của Đảng tại Hội nghị Bộ chính trị (từ 30-9 đến 7-10-1974) về sự lớn mạnh và khả năng chiến thắng lớn của quân ta, về sự suy yếu và bất lực của quân ngụy, về khả năng can thiệp trở lại bằng quân sự rất hạn chế của Mĩ. Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 18-12-1974 đến 8-1-1975) quyết định bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch 2 năm (1975-1976) hoàn thành giải phóng miền Nam đề ra từ Hội nghị tháng 10-1974. Cụ thể là năm 1975 tranh thủ thời cơ bất ngờ tiến công địch trên quy mô lớn, rộng khắp, tạo điều kiện để đến năm 1976 tiến hành tổng công kích – tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tuy đề ra kế hoạch 2 năm, song Bộ Chính trị nhận định: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện cuộc tổng công kích – tổng khởi nghĩa, phải đánh nhanh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa…, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

– Ngay trong khi chiến dịch Tây Nguyên còn tiếp diễn, thấy được thời cơ chiến lược hết sức thuận lợi, Bộ Chính trị đã có quyết định kịp thời về kế hoạch giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, xác định nhiệm vụ chiến lược trước mắt là tiến hành chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng. Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 25-3-1975 đã nêu rõ “Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam… trước mùa mưa” (trước tháng 5-1975). Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 kết thúc hoàn toàn thắng lợi mở ra bước ngoặt của lịch sử dân tộc, đồng thời càng khẳng định sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam với những chủ trương và quyết định sáng suốt, kịp thời của Đảng ta.

Câu IV.(3,0 điểm)

   a)  Hoàn cảnh lịch sử của cao trào kháng Nhật cứu nước.

   – Từ sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/41), MTVM phát triển mạnh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời. Đầu năm 1945 chiến tranh Thế giới thứ 2 sắp kết thúc, phe phát xít đứng trước nguy cơ thất bại gần kề.

   – Đêm 9/3/45 Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương nhằm rảnh tay đối phó với quân Đồng minh. Sự kiện này đã thúc đẩy Cách mạng Đông Dương bước sang thời kỳ mới – thời kỳ tiền khởi nghĩa.

    – Trước tình hình đó Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng (9/3/45) để đề ra chủ trương mới: Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945 và phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.

    – Nội dung cơ bản của chỉ thị là:

       + Vạch rõ nguyên nhân và hậu quả cuộc đảo chính của Nhật.

        + Xác định kẻ thù chính duy nhất của nhân dân ta lúc này là Nhật cùng bọn tay sai của Pháp.

        + Kêu gọi quần chúng đứng lên kháng Nhật cứu nước hình thành 1 cao trào thật mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa và sẵn sàng chuyển sang hình thức tổng khởi nghĩa  khi thời cơ đến.

        + Phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh dưới nhiều hình thức kể cả hình thức khởi nghĩa vũ trang cướp chính quyền.

      + Thay đổi mọi hình thức hoạt động, mọi hình thức đấu tranh cho phù hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa, đem khẩu hiệu “đánh đuổi PX Nhật” thay cho khẩu hiệu”đánh đuổi Pháp – Nhật” trước đây và đề ra khẩu hiệu “Thành lập chính quyền cách mạng của nhân nhân dân”

 Ngoài ra chỉ thị cũng chỉ rõ: Do tương quan L2 giữa ta và địch ở mỗi nơi không giống nhau, CM có thể chín muồi ở các địa phương không đều nhau nên nơi nào thấy so sánh L2 giữa ta và địch có lợi cho CM thì lãnh đạo quần chúng đứng lên tiến hành những cuộc k/n từng phần giành thắng lợi từng bộ phận rồi tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.

   => Chỉ thị có giá trị và ý nghĩa như 1 chương trình hành động, 1 lời hiệu triệu, 1 ngọn cờ dẫn dắt dân ta tiến hành một cao trào kháng Nhật cứu nước trong thời gian tới tạo điều kiện cho sự sáng tạo của các địa phương trên cơ sở đường lối chung của Đảng.

     b)   Sự phát triển của cao trào kháng Nhật cứu nước.

    – Cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra với quy mô lớn và nhiều hình thức đấu tranh phong phú, quyết liệt, thích ứng với thời kỳ tiền khởi nghĩa.

    – Phong trào đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa từng phần liên tục diễn ra chính quyền nhân dân được thành lập ở nhiều địa phương căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng, Ba Tơ.

   – Hội nghị quân sự Bắc Kỳ (4/45) quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang, bán vũ trang, xây dựng căn cứ địa kháng Nhật…

   – Tháng 6/1945 Khu giải phóng Việt Bắc ra đời, Uỷ ban lâm thời khu giải phóng thực hiện 10 chính sách của Việt Minh, Khu giải phóng trở thành căn cứ địa chính của cả nước và là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới.

   – Phong trào phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết của quần chúng, thu hút hàng triệu người tham gia, báo trước giờ hành động quyết định sắp tới.

   c) Ý nghĩa của cao trào kháng Nhật cứu nước.

   – Qua cao trào kháng Nhật cứu nước lực lượng chính trị, vũ trang được củng cố, phát triển vượt bậc, kẻ thù hoang mang, suy yếu.

   – Cao trào kháng Nhật cứu nước đã tập dượt cho quần chúng đấu tranh, sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

   2.

   a)  Hoàn cảnh:

   – Cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hâu (trừ Tiệp Khắc, CHDC Đức).

   – Các nước đế quốc tiến hành bao vây kinh tế và can thiệp, phá hoại về chính trị.

   – Trong các thế lực chống CNXH vẫn tồn tại và ra sức chống phá (Tư sản, địa chủ, lực lượng tôn giáo). Tuy vậy với sự hậu thuẫn của Liên Xô, công cuộc xây dựng CNXH của nhân dân Đông Âu đạt được thành tựu đáng kể.

   b) Thành tựu:

    – Anbani: Trước chiến tranh nghèo, chậm phát triển nhất Châu Âu. Đến giữa những năm 1970 đã xây dựng được nền công nghiệp với hàng trăm xí nghiệp ngành điện cơ khí, luyện kim, hoàn thành điện khí hoá trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp  thoả mãn nhu cầu lương thực của nhân dân.

    – Ba Lan: Năm 1983 sản xuất công nghiệp tăng 20 lần so năm 1970. Nông nghiệp tăng gấp đôi.Gần nửa nhân dân Ba Lan sống trong những ngôi nhà mới xây dựng dưới chính quyền của nhân dân.

    – Bungari:Tổng sản phẩm công nghiệp năm 1975 tăng 55 lần so năm 1939. Nông thôn hoàn toàn điện khí hoá.

   – Hungari, CHDC Đức, Tiệp Khắc.

   c)  Ý nghĩa:

   – Làm biến đổi căn bản đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi nước.

   – Góp phần tăng cường tiềm lực và vị thế của hệ thống XHCN trên thế giới.

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết tại đây:Download

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular