fbpx
Friday, April 26, 2024
HomeGiải bài tập Lớp 11Giải bài tập Sinh học 11Chương I - Bài 17: Hô hấp ở động vật

Chương I – Bài 17: Hô hấp ở động vật

Bài 1 (trang 75 SGK Sinh 11): Hãy liệt kê các hình thức hô hấp của động vật ở nước và ở cạn.

Lời giải:

* Các hình thức hô hấp của động vật ở nước:

– Hô hấp qua bề mặt cơ thể (giun ở nước,…)

– Hô hấp bằng mang (cá, tôm, cua,…)

– Một số hô hấp bằng phổi: cá heo, cá voi,… sau khi ở dưới nước một thời gian chúng sẽ ngoi lên mặt nước để thở.

* Các hình thức hô hấp của động vật ở cạn:

– Hô hấp bằng hệ thống ống khí (côn trùng,…)

– Hô hấp bằng phổi (chim, thú,…)

– Hô hấp qua bề mặt cơ thể (giun đất,…)

Bài 2 (trang 75 SGK Sinh 11): Sự trao đổi khí với môi trường xung quanh ở động vật đơn bào và động vật đa bào có tổ chức thấp (ví dụ thủy tức) được thực hiện như thế nào?

Lời giải:

– Động vật đơn bào trao đổi khí qua màng tế bào.

– Động vật đa bào bậc thấp trao đổi khí qua bề mặt cơ thể.

Nguyên tắc: Khí CO2 khuếch tán từ trong cơ thể ra ngoài môi trường và khí O2 khuếch tán từ môi trường vào cơ thể là do sự chênh lệch về nồng độ khí giữa tế bào (cơ thể) và môi trường.

Bài 3 (trang 75 SGK Sinh 11): Nếu bắt giun đất để lên mặt đất khô ráo, giun sẽ nhanh bị chết. Tại sao?

Lời giải:

Nếu bắt giun đất để lên mặt đất khô ráo giun sẽ chóng chết vì: trong điều kiện khô ráo, da giun bị khô, không còn ẩm ướt. Khi đó O2 và CO2 không khuếch tán qua da, giun không thể hô hấp nên bị chết.

Bài 4 (trang 75 SGK Sinh 11): Sự trao đổi khí với môi trường xung quanh ở côn trùng, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú được thực hiện như thế nào?

Lời giải:

Trao đổi khí ở côn trùng nhờ hệ thống ống khí. Hệ thống này được cấu tạo bởi các ống dẫn chứa không khí, một đầu thông với bên ngoài nhờ các lỗ thở, một đầu phân thành các ống nhỏ hơn tiếp xúc với tế bào cơ thể.

Trao đổi khí ở cá nhờ mang . Mang cá gồm các phiến mang, trên các phiến mang có hệ thống mao mạch. Máu chảy trong mao mạch theo hướng song song và ngược chiều với dòng nước, giúp cho cá lấy được khoảng 80% O2 trong nước. Mang được bảo vệ nhờ khoang mang và nắp mang.

Lưỡng cư trao đổi khí qua da và phổi. Chúng chủ yếu hô hấp qua da. Da trần, mềm, ẩm, dưới da có hệ thống mao mạch giúp cho lưỡng cư trao đổi khí hiệu quả. Phổi có cấu tạo đơn giản gồm các phế nang với hệ mao mạch dày đặc giúp trao đổi khí. Sự thông khí ở phổi nhờ vào sự nâng lên và hạ xuống của thềm miệng

Bò sát, thú trao đổi khí bằng phổi. Phổi gồm nhiều phế nang. Các phế nang có thành rất mỏng, nhiều mao mạch nên khí O2 và CO2 dễ dàng khuếch tán qua. Không khí đi vào và đi ra khỏi phổi nhờ hệ thống đường dẫn khí (mũi, khí quản, phế quản).

Chim trao đổi khí bằng phổi và hệ thống túi khí. Túi khí là các khoang rỗng chưa khí. Phổi cấu tạo bởi ống khí có mao mạch bao quanh, hệ thống ống khí thông với hệ thống túi khí. Chim hít vào và thở ra đều lấy được O2 nên có hiệu suất hô hấp cao.

Chim, thú, bò sát hô hấp chủ yếu nhờ các cơ hô hấp co dãn làm thay đổi thể tích của khoang bụng và lồng ngực.

Bài 5 (trang 75 SGK Sinh 11): Cơ quan hô hấp của nhóm động vật nào dưới đây trao đổi khí hiệu quả nhất? Trả lời bằng cách đánh dấu x vào ô ▭ cho câu trả lời đúng:

▭ A – phổi của động vật có vú.

▭ B – phổi và da của ếch nhái.

▭ C – phổi của bò sát.

▭ D – da của giun đất.

Lời giải:

Đáp án : A.

Bài 6 (trang 75 SGK Sinh 11): Tại sao bề mặt trao đổi khí của chim, thú phát triển hơn của lưỡng cư và bò sát?

Lời giải:

Bề mặt trao đổi khí của chim, thú phát triển hơn của lưỡng cư và bò sát là vì: chim và thú có nhu cầu trao đổi khí cao hơn. Chúng cần năng lượng nhiều cho việc giữ ổn định nhiệt độ cơ thể , hoạt động. Vì vậy chúng có bề mặt trao đổi khí phát triển hơn để đáp ứng được nhu cầu O2 cho cơ thể.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular