fbpx
Friday, April 26, 2024
HomeTin tuyển sinhChọn nguyện vọng để trúng tuyển ngay đợt 1

Chọn nguyện vọng để trúng tuyển ngay đợt 1

Để có cơ hội trúng tuyển ngay đợt đầu tiên, đúng ngành nghề yêu thích, thí sinh cần tham khảo nhiều yếu tố như chỉ tiêu, điểm chuẩn những năm trước, cách sắp xếp nguyện vọng, và quan trọng nhất là biết lựa sức mình.

Chỉ nên đăng ký từ 1 – 5 nguyện vọng

Chia sẻ về việc chọn nguyện vọng (NV) thông minh là như thế nào, thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Trước hết, các em cần nắm rõ các NV được xét tuyển bình đẳng như nhau. Vì vậy, thí sinh (TS) cần phải sắp xếp NV thật thông minh. Trước hết, đó phải là ngành học mình thực sự mong muốn và yêu thích. TS tìm hiểu ngành đó có các trường nào đào tạo với điểm chuẩn, học phí ra sao…”.

Nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên TS chỉ nên chọn từ 3 – 5 NV. “Chọn nhiều NV chỉ chứng tỏ bạn đang còn hoang mang, mơ hồ về mong muốn và sở thích thực sự của bản thân”, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn nhìn nhận.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng nhấn mạnh, nếu đăng ký quá nhiều ngành mà sắp xếp không hợp lý, thì rất có thể sẽ trúng tuyển vào ngành học mình ít thích nhất. “Các em sẽ có cơ hội điều chỉnh NV sau khi biết điểm thi. Việc điều chỉnh này cũng cần phải hết sức thông minh. Hãy so sánh mức điểm của mình với điểm chuẩn những năm trước, rồi sắp xếp lại cho hợp lý. Lúc này, TS cần chọn tổ hợp môn nào có tổng điểm cao nhất để điều chỉnh lại vào phiếu”, ông Hải cho hay.

Thạc sĩ Dương Duy Khải, Phó giám đốc Tuyển sinh khu vực Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lưu ý: “Các em cố gắng để tránh phải xét NV bổ sung vì ở đợt bổ sung chỉ tiêu còn rất ít, điểm chuẩn dự đoán thường sẽ cao hơn đợt đầu tiên”.

Có thể xét tuyển nhiều phương thức để tăng cơ hội

Hiện nay, hầu hết các trường ĐH đều có ít nhất 2 phương thức xét tuyển, đó là xét theo kết quả thi THPT quốc gia và xét theo học bạ. Các chuyên gia cho biết, TS có thể cùng lúc nộp hồ sơ theo cả 2 phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển và chương trình đào tạo là như nhau, không phân biệt xét theo cách nào.

Thạc sĩ Dương Duy Khải thông tin, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo 32 ngành thì chỉ có 2 ngành không xét học bạ là y khoa và y học dự phòng. Trong đó, phổ điểm xét tuyển với ngành y khoa là 22,5 và y học dự phòng là 18 điểm. Các ngành còn lại TS có thể sử dụng cách 2 phương thức.

Đại học Greenwich (Việt Nam) tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ. Theo đấy, tuyển thẳng đối với thí sinh có điểm tổng kết lớp 11 hoặc lớp 12 từ 6.5 trở lên hoặc điểm tổng kết lớp 11 hoặc lớp 12 của một trong ba môn: Toán, Tiếng Anh, Tin học từ 7.0 trở lên. Đăng xét tuyển TẠI ĐÂY. 

Trong khi đó, Trường ĐH Hoa Sen tuyển theo 3 phương thức, xét kết quả thi THPT quốc gia, học bạ với điểm trung bình 5 học kỳ đạt từ 6,0 trở lên. Phương thức 3 xét tuyển theo yêu cầu của trường, sẽ có những quy định riêng như chứng chỉ quốc tế…

Đối với Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, ở phương thức xét học bạ yêu cầu kết quả học tập năm lớp 12 với điểm tối thiểu 6,0 và 3 môn theo tổ hợp đạt từ 18 trở lên.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho biết: “Tại trường, nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ thu hút TS nhiều nhất, sau đó là ngành quản trị kinh doanh, dịch vụ… Bên cạnh phương thức xét điểm thi THPT quốc gia thì TS có thể nộp hồ sơ xét điểm học bạ trong đợt đầu tiên vào đầu tháng 5”.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia và học bạ lớp 12 với tổng điểm 3 môn đạt 18 điểm trở lên, riêng ngành dược là 20 điểm. Hoặc điểm trung bình chung cả năm lớp 12 đạt từ 6,0 điểm trở lên (không áp dụng với ngành dược). Bắt đầu từ ngày 2.5 trường nhận hồ sơ theo phương thức học bạ.

Đặc biệt ở bậc CĐ, thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết: “TS có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến tại trang web của trường, hoặc in phiếu xét tuyển, điền thông tin gửi qua bưu điện, hoặc tới đăng ký trực tiếp tại trường”.

Theo Thanhnien

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular