Bài 1 (trang 107 SGK Sinh học 12): Tại sao để xác định mối quan hệ họ hàng giữa các loài về các đặc điểm hình thái thì người ta lại hay sử dụng các cơ quan thoái hoá?
Lời giải:
Sở dĩ cơ quan thoái hoá hay được sử dụng như bằng chứng nói lên mối quan hệ họ hàng giữa các loài vì cơ quan thoái hoá không có chức năng hoặc chức năng bị tiêu giảm nên không được CLTN giữ lại. Chúng được giữ lại ở các loài (như dấu vết hay các cơ quan không có chức năng), đơn giản là được thừa hưởng các gen từ loài tổ tiên.
Bài 2 (trang 107 SGK Sinh học 12): Hãy tìm một số bằng chứng Sinh học phân tử để chứng minh mọi sinh vật trên Trái Đất đều có chung một nguồn gốc.
Lời giải:
Có rất nhiều bằng chứng sinh học phân tử chứng minh mọi sinh vật trên Trái Đất đều có chung tổ tiên. Ví dụ, mọi loài sinh vật đều có vật chất di truyền là ADN, đều có chung mã di truyền, có chung cơ chế phiên mã và dịch mã, có chung các giai đoạn của quá trình chuyển hoá vật chất như đường phân,…
Bài 3 (trang 107 SGK Sinh học 12): Hai loài sinh vật sống ở các khu vực địa lí khác xa nhau (2 châu lục khác nhau) có nhiều đặc điểm giống nhau. Cách giải thích nào dưới đây về sự giống nhau giữa hai loài là hợp lí hơn cả?
a) Hai châu lục này trong quá khứ đã có lúc gắn liền với nhau.
b) Điều kiện môi trường ở hai khu vực giống nhau nên phát sinh đột biến giống nhau.
c) Điều kiện môi trường ở hai khu vực giống nhau nên CLTN chọn lọc các đặc điểm thích nghi giống nhau.
d) Cả b và c.
Lời giải:
Đáp án: c.
Bài 4 (trang 107 SGK Sinh học 12): Tại sao những cơ quan thoái hoá không còn giữ chức năng gì lại vẫn được di truyền từ đời này sang đời khác mà không bị CLTN loại bỏ?
Lời giải:
Các gen quy định cơ quan thoái hoá không bị CLTN đào thải vì những cơ quan này thường không gây hại tới cơ thể sinh vật. Những gen này chỉ có thể bị loại khỏi quần thể bởi các yếu tố ngẫu nhiên, có thể là vì thời gian tiến hoá còn chưa đủ dài để các yếu tố ngẫu nhiên loại bỏ các gen này.