fbpx
Home Giải bài tập lớp 12 Giải bài tập Sinh học 12 Phần Sáu – Chương 2 – Bài 33: Sự phát triển của sinh giới qua các đại địa chất

Phần Sáu – Chương 2 – Bài 33: Sự phát triển của sinh giới qua các đại địa chất

0

Bài 1 (trang 143 SGK Sinh học 12): Hoá thạch là gì? Nêu vai trò của hoá thạch trong nghiên cứu lịch sử tiến hoá của sinh giới.

Lời giải:

Hoá thạch là di tích của các sinh vật để lại trong các lớp đất đá của vỏ Trái Đất dưới dạng bộ xương, dấu vết để lại trên đá (vết chân, hình dáng…), xác sinh vật…

Vai trò của hóa thạch:

– Cung cấp những bằng chứng trực tiếp về lịch sử phát triển của sinh giới.

– Các nhà khoa học có thể xác định được tuổi của các hóa thạch, từ đó biết được loài nào có trước, loài nào có sau cũng như mối quan hệ họ hang giữa các loài.

Bài 2 (trang 143 SGK Sinh học 12): Dựa vào đâu người ta phân chia lịch sử Trái Đất thành các niên đại?

Lời giải:

Để phân chia lịch sử Trái Đất thành các niên đại, người ta dựa vào:

– Những biến đổi lớn về địa chất của Trái Đất làm cho sinh vật bị tuyệt chủng hàng loạt: sự kiến tạo của vỏ Trái Đất như quá trình tạo núi, trôi dạt lục địa và sinh vật trong các đại địa chất (sự xuất hiện và diệt vong của sinh vật).

– Các hoá thạch (di tích của sinh vật): Cung cấp bằng chứng trực tiếp về những đặc điểm riêng của sự phát triển sinh giới.

Bài 3 (trang 143 SGK Sinh học 12): Hiện tượng trôi dạt lục địa ảnh hưởng như thế nào đến sự tiến hoá của sinh giới?

Lời giải:

Hiện tượng trôi dạt lục địa ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện khí hậu Trái Đất. Ví dụ, khi các lục địa liên kết lại với nhau thành siêu lục địa thì vùng trung tâm của siêu lục địa sẽ trở nên khô cạn hơn rất nhiều và ngược lại. Sự trôi dạt lục địa có thể dẫn đến những đợt đại tuyệt chủng hàng loạt các loài và sau đó là thời điểm bùng nổ sự phát sinh các loài.

 

Comments

comments