fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Địa Thi THPT quốc gia 2016: Phương pháp ôn tập hiệu quả môn Địa lý

Thi THPT quốc gia 2016: Phương pháp ôn tập hiệu quả môn Địa lý

0

Theo thống kê ban đầu tại các trường, địa lý là một trong các môn tự chọn có lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay lựa chọn nhiều nhất. Dưới đây là những phương pháp ôn tập hiệu quả giúp bạn đạt điểm cao trong môn này.

Phương pháp ôn tập

Mục đích của việc ôn tập là hệ thống, củng cố và hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, giúp thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi. Theo kinh nghiệm để ôn thi hiệu quả thì trước hết bạn phải có phương pháp ôn tập khoa học:

_ Việc đầu tiên bạn nên làm là dành thời gian để đọc đi đọc lại các nội dung tài liệu, đánh dấu các nội dung cơ bản, số liệu cần chú ý. Sau đó thử trình bày, viết lại các vấn đề đó ra giấy rồi so sánh với tài liệu để xem mình nhớ được bao nhiêu phần kiến thức, cái gì chưa nhớ. Đánh dấu lại những phần chưa nhớ để một lần nữa khắc sâu kiến thức.

_ Nên trình bày các nội dung ôn tập dưới dạng bản đồ tư duy (mindmap) cô đọng nhưng chứa đựng đủ các kiến thức cốt lõi cần để ôn tập. Dán bản đồ tư duy ở chỗ dễ quan sát nhất trong góc học tập của bạn, mỗi lần nhìn nó là bạn lại có thể “chụp ảnh” và lưu nó trong trí nhớ của mình.

_ Cần có sự trao đổi nhóm, hỏi – đáp lẫn nhau để kiểm tra độ nhớ và bổ sung cho nhau kiến thức cần thiết. Khi ôn tập, nên hệ thống kiến thức, hệ thống những vấn đề trọng tâm quan trọng, những câu hỏi liên quan đến vấn đề đó.

_ Khi học nên tập trung học dứt điểm một vấn đề, một giai đoạn, không nên học theo kiểu nhảy cóc tùy tiện.

_ Chú trọng ôn tập các dạng biểu đồ, vì bài tập vẽ biểu đồ chắc chắn sẽ có trong đề thi địa lý.

Chú ý đến các phần kiến thức “giảm tải” mà bộ đã công bố

Môn địa lý được giảng dạy ở các trường phổ thông hiện nay đồng thời thực hiện cả 2 chương trình cơ bản và nâng cao. Nội dung của 2 chương trình này có sự khác biệt ít nhiều. Trong đó có một số nội dung giảm tải được thực hiện ở chương trình cơ bản mà không được thực hiện đối với chương trình nâng cao. Nội dung ôn tập phục vụ cho kỳ thi THPT năm nay là những vấn đề chung của cả hai chương trình, thí sinh theo học chương trình nâng cao cần chú ý đến các vấn đề được giảm tải mà Bộ GD&ĐT đã công bố.

Khai thác lợi thế của việc được sử dụng Atlat trong phòng thi

Những năm trước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thí sinh được phép sử dụng Atlat, còn đối với kỳ thi ĐH thì không được sử dụng. Từ khi thực hiện kỳ thi “2 trong 1” tất cả các thí sinh đều được sử dụng Atlat. Đây là một lợi thế rất lớn đối với các thí sinh thi lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ. Chính vì vậy cần biết cách sử dụng Atlat địa lý như một công cụ hữu hiệu trong quá trình học – ôn tập – làm bài, giảm ghi nhớ máy móc. Các địa danh, cách thể hiện biểu đồ, số liệu… đều có thể bám sát theo Atlat. Điều quan trọng là thí sinh phải biết phân tích số liệu để tìm ra kiến thức, lý giải vấn đề.

Comments

comments