Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 vừa mới kết thúc nhưng Bộ GD&ĐT đã nhận được nhiều ý kiến góp ý về phương án đổi mới Kỳ thi THPT Quốc gia cho những năm tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đến thời điểm này, Bộ đã nhận được văn bản của các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo.
Lưu ý: Đây chỉ là những đề xuất từ phía các Sở cũng như các chuyên gia, thông tin chính thức về đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được Bộ sớm công bố trong thời gian tới
Tách biệt Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH
Theo thống kê sơ bộ, nhiều Sở GD-ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trong khi đó các trường Đại học muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình. Trước tình hình đó, Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới.
Trước khi có kỳ thi THPT Quốc gia thì hàng năm, học sinh lớp 12 phải trải qua 2 kỳ thi là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Hai kỳ thi này hoàn toàn khác biệt và có mục đích khác nhau. Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT ghép hai kỳ thi trên vào làm một gọi là kỳ thi THPT Quốc gia với mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa lấy kết quả kỳ thi làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ thực hiện công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, qua 2 năm tổ chức kỳ thi, hầu hết các địa phương đều có cụm thi do Sở GD-ĐT tổ chức và cụm thi do các trường ĐH, CĐ chủ trì nên có sự lẫn lộn trong khi tổ chức thi.
Theo ý kiến đóng góp của đại diện Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, việc tổ chức thi THPT Quốc gia là do Sở GD-ĐT các địa phương đảm nhiệm, theo dõi, quản lý nhưng phải được giám sát chặt chẽ, nghiêm túc. Còn việc xét tuyển ĐH nên giao cho các trường thực hiện dựa trên kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia hoặc tự chủ tuyển sinh riêng, tổ chức thi thêm tiêu chí phụ, xét tuyển bằng học bạ…
Đề thi gồm 2 bài thi kiến thức tự nhiên và xã hội
Theo ý kiến của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, kỳ thi THPT Quốc gia không thể theo hình thức cho thí sinh thi 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn như hiện nay vì sẽ khiến thí sinh “học tủ, học lệch”. Kỳ thi này nên được tổ chức theo hình thức kiểm tra kiến thức toàn diện của thí sinh. Theo đó, việc tổ chức thi sẽ chia làm 2 bài gồm các môn Khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh) và các môn Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).
Các môn học khác như: Giáo dục công dân, Tin học, Kỹ thuật thì thí sinh không phải thi nhưng bắt buộc các em phải đạt điểm trung bình theo quy định thì mới được dự thi THPT Quốc gia. Việc xét tốt nghiệp THPT không nên chỉ xét kết quả học tập riêng lớp 12 mà phải xét cả quá trình học tập của thí sinh ở cả 3 năm lớp 10, 11, 12. Có như vậy, học sinh mới phấn đấu học tập một cách liên tục.
Để thí sinh chọn trường học phù hợp trong tương lai, các trường học nên thường xuyên tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi mới bước chân vào cấp THPT.
Thay đổi cấu trúc câu hỏi trắc nghiệm và tự luận trong đề thi
Đối với việc ra đề thi, có ý kiến góp ý, Ban soạn thảo đề thi cần nghiên cứu lại cách ra đề đối với những môn thi có 100% câu hỏi trắc nghiệm, tránh trường hợp thí sinh tích bừa nhưng vẫn đúng mà lại không hiểu gì. Điều này như là sự may rủi đối với thí sinh.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ lại cho rằng đề thi theo hình thức trắc nghiệm có ưu điểm là có thể kiểm tra kiến thức một cách sâu rộng của học sinh trong sách giáo khoa. Còn câu hỏi tự luận chỉ hỏi được một phần kiến thức trong sách.
Tuy nhiên, có những môn học cần phải ra theo hình thức tự luận như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Vì vậy, đề thi THPT Quốc gia nên ra theo hướng tích hợp cả hình thức tự luận và trắc nghiệm để đánh giá toàn diện, đầy đủ kiến thức của học sinh. Số lượng các câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi nên theo tỷ lệ 4/6 hoặc 5/5 sẽ phù hợp hơn là đề thi toàn câu hỏi trắc nghiệm.
Xem thêm: