Ngày 12/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn để các trường xét tuyển đại học. Lãnh đạo một số trường đại học top đầu nhận định điểm chuẩn năm nay sẽ tăng nhưng không đột biến.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng quản lý đào tạo, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết điểm chuẩn vào trường năm nay chắc chắn sẽ tăng, nhưng cụ thể thế nào còn phải chờ qua đợt điều chỉnh nguyện vọng sắp tới.
“Năm nay, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển sinh cả nước nên sự cạnh tranh giữa các thí sinh sẽ gắt gao hơn. Thêm vào đó, mặt bằng điểm thi cũng cao, qua đó đẩy điểm chuẩn lên”, ông Hà phân tích.
Cũng theo ông Hà, Bộ GD&ĐT đã đồng ý cho ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo ngành Dược, chỉ tiêu trong năm đầu tiên là 50 thí sinh. Như vậy, năm 2017 ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tuyển sinh 1.250 chỉ tiêu.
TS Lê Nguyễn Đức Chính, Phó trưởng khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết phải xem xét thận trọng trước khi đưa ra mức điểm chuẩn dự kiến.
Theo ông Chính, năm nay, điểm thi của thí sinh cao nên dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng. Nhưng việc ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển sinh toàn quốc có tác động nguồn tuyển của ngành Y nên hiện tại chưa đoán trước được.
Thạc sĩ Trần Đình Huyên, Trưởng ban Quản lý Đào tạo ĐH Ngoại Thương (cơ sở 2 TP.HCM) cho hay: “Căn cứ phổ điểm năm nay, điểm chuẩn của ĐH Ngoại thương (cả cơ sở Hà Nội và TP.HCM) sẽ tăng, nhưng không biến động nhiều”.
Ông Huyên cho biết dù hiện tại chưa có thống kê cụ thể thí sinh đăng ký vào trường có điểm thi như thế nào nhưng qua các năm, điểm chuẩn của ĐH Ngoại thương cũng khá cao.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng một số ngành “hot” luôn có điểm chuẩn cao như Báo chí, Quan hệ quốc tế, Ngữ văn Anh, Nhật Bản học… Năm nay, khả năng điểm chuẩn sẽ tăng nhưng không nhiều.
Ông Hạ cho biết ngành Báo chí – Truyền thông đang nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Vài năm gần đây, điểm chuẩn ngành học này cao nhất trường.
Ông Hạ cho rằng thí sinh yêu thích nghề báo nhưng có điểm thi không khả quan hoàn toàn có thể chọn học một ngành khác trong trường, đồng thời đăng ký học song song ngành Báo chí – Truyền thông.
Tại khu vực phía bắc, GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội – cho biết đạt từ 20 điểm trở lên, các em có thể tự tin đăng ký vào trường.
Theo ông Đạt, số liệu thống kê đăng ký tuyển sinh đợt một cho thấy ĐH Kinh tế Quốc dân đứng top 5 trong số các trường xét nguyện vọng một và tất cả nguyện vọng.
GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết: “Năm nay, điểm chuẩn của nhà trường sẽ tăng nhẹ và tăng không đồng đều giữa các ngành, dự kiến tăng từ một đến hai điểm. Để quyết định đăng ký vào ngành nào đó của trường, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của 1-2 năm trước”.
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, ĐH Bách khoa Hà Nội quan tâm những thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên. Số thí sinh đạt điểm này ở mỗi môn thi tương đối lớn. Nhìn theo phổ điểm có thể thấy số lượng thí sinh đạt điểm này tương đối lớn.
Đặc biệt, các cột điểm đặt liền kề nhau, ví dụ từ 7 điểm đến 7,2 điểm đều có số lượng thí sinh nhiều gần bằng nhau (môn Toán có hơn 20.000 em). Điều này thể hiện sự phân hóa không rõ nét ở thí sinh có điểm cao.
Ông Tớp nhận định mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái có thể dẫn đến điểm chuẩn sẽ tăng, đặc biệt là ở các ngành “hot”.
Theo Zing