Đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử năm 2016 – Đề số 7, có đáp án và lời giải chi tiết, các em tham khảo dưới đây:
Xem thêm: Đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN SỬ NĂM 2016 – ĐỀ SỐ 7
Câu I (3,0 điểm)
Sau cách mạng tháng Tám 1945, Đảng và chính phủ ta đã thực hiện những chủ trương, biện pháp gì để giải quyết khó khăn về thù trong giặc ngoài?
Câu II (2,0 điểm)
Tại sao phong trào “Đồng Khởi” (1959 – 1960) được coi là mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam?
Câu III ( 2,0 điểm)
Phong trào “Đồng khởi” (1959-1960): Nguyên nhân, diễn biến chính, kết quả và ý nghĩa?
Câu IV (3,0 điểm)
Những mặt tích cực và tiêu cực của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật đối với nhân loại từ những năm 40 đến những năm 90 của thế kỷ XX?
ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN SỬ NĂM 2016 – ĐỀ SỐ 7
Câu I (3,0 điểm)
a. Đối với quân Trung Hoa Quốc dân đảng.
– Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch chủ trương tạm thời hòa hoãn, tránh xung đột với quân Trung Hoa Quốc dân đảng:
+ Cho tay sai Tưởng 70 ghế trong Quốc hội cùng 4 ghế Bộ trưởng trong Chính phủ liên hiệp, cho Nguyễn Hải Thần (lãnh tụ Việt Cách) giữ chức Phó Chủ tịch nước.
+ Kinh tế: cung cấp một phần lương thực thực phẩm, phương tiện giao thông vận tải, nhận tiêu tiền Trung Quốc.
b. Đối với các tổ chức phản cách mạng, tay sai: ta kiên quyết vạch trần âm mưu và hành động chia rẽ, phá hoại của chúng, ban hành một số sắc lệnh trấn áp bọn phản cách mạng.
c. Hòa hoãn với Pháp :
* Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946:
– Ngày 3/3/1946, Ban Thường vụ TƯ Đảng họp do Hồ Chí Minh chủ trì đã chọn giải pháp “hòa để tiến”.
– Ngày 6/3/1946, ký với Pháp hiệp định sơ bộ, với nội dung :
+ Pháp công nhận nước Việt Nam là quốc gia tự do, có Chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng và là thành viên của Liên bang Đông Dương trong khối Liên hiệp Pháp.
+ Chính phủ Việt Nam thỏa thuận cho 15.000 quân Pháp giải giáp quân Nhật ở miền Bắc
+ Hai bên ngừng xung đột ở miền Nam, tạo thuận lợi đi đến đàm phán chính thức .
– Ký hiệp định Sơ bộ hòa hoãn với Pháp, ta tránh được việc phải đương đầu cùng lúc với nhiều kẻ thù, đẩy được 20 vạn quân Trung Hoa Quốc dân đảng và tay sai ra khỏi nước ta. Có thêm thời gian hòa bình để củng cố, chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài chống Pháp.
*. Tạm ước Việt – Pháp ngày 14 /9/1946
– Sau hiệp định Sơ bộ, Pháp tăng cường các hoạt động khiêu khích, chống phá ta, quan hệ Việt – Pháp căng thẳng, có nguy cơ xảy ra chiến tranh.
– Hồ Chủ tịch ký với Pháp Tạm ước 14.09.1946, nhân nhượng cho Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hóa, tạo điều kiện cho ta có thêm thời gian xây dựng, củng cố lực lượng, chuẩn bị vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp lâu dài.
=> nước ta thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Câu II (2,0 điểm)
– Trong những năm 1954 – 1958, nhân dân miền Nam thực hiện cuộc đấu tranh chính trị chống chế độ Mỹ – Diệm, để giữ gìn và bảo vệ lực lượng cách mạng. Đây là thời kỳ vừa đấu tranh vừa tìm kiếm con đường phát triển cách mạng cho phù hợp với đặc điểm của miền Nam.
– Sau khi có Nghị Quyết 15 của Đảng (1/1959), xác định phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu kết hợp với đấu tranh vũ trang để đánh đổ ách thống trị của Mĩ – Diệm. Từ đó, cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh hòa bình sang phong trào “Đồng Khởi”.
– Từ cuộc khởi nghĩa từng phần ở từng địa phương như Vĩnh Thạnh, Bắc Ái (2/1959), Trà Bồng (8/1959)…, phát triển thành phong trào đồng loạt khởi nghĩa của đồng bào miền Nam, đến những năm 1959 – 1960 trở thành phong trào “Đồng Khởi”. Tiêu biểu nhất là phong trào “Đồng Khởi” ở Bến Tre vào ngày 17/1/1960.
– Qua phong trào “Đồng Khởi” đã tạo nên tiền đề hết sức quan trọng cho sự phát triển của cách mạng miền Nam. Từ đây cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
– Thắng lợi của phong trào “Đồng Khởi” thể hiện sức mạnh quật khởi của đồng bào miền Nam, làm cho Mỹ không thực hiện được âm mưu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.
– “Đồng Khởi” thắng lợi đánh dấu bước ngoặt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Chấm dứt thời kỳ ổn định tạm thời của chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, mở rộng thời kỳ khủng hoảng của chế độ Sài Gòn.
– Thắng lợi của phong trào “Đồng Khởi” làm phá sản chiến lược chiến tranh một phía của Mĩ, đưa cách mạng miền Nam tiến lên một bước phát triển nhảy vọt.
Câu III. ( 2,0 điểm)
Phong trào “Đồng khởi” (1959-1960): Nguyên nhân, diễn biến chính, kết quả và ý nghĩa?
a. Nguyên nhân:
– 1957-1959, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp, khủng bố => làm lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng => đòi hỏi phải có biện pháp quyết liệt để đưa cách mạng vượt qua khó khăn.
– Tháng 1/1959, hội nghị trung ương Đảng lần thứ 15 xác định: Cách mạng Miền Nam phải sử dụng bạo lực cách mạng đánh đổ chính quyền Mỹ-Diệm. Phương hướng cơ bản là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.
b. Diễn biến:
– Mở đầu là những cuộc khỏi nghĩa lẻ tẻ ở: Vĩnh Thạnh, Bắc Ái ( 2/1959), Trà Bồng (8-1959)…, sau đó lan ra khắp miền Nam thành cao trào cách mạng, tiêu biểu là cuộc “ Đồng Khởi” ở Bến Tre.
– Ngày 17/1/1960, Nhân dân 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh ( huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) nổi dậy => lan ra toàn huyện Mỏ Cày => toàn tỉnh Bến Tre => lan ra các tỉnh Nam Bộ, Tây nguyên và Trung Trung Bộ.
– Quần chúng giải tán chính quyền địch, lập ủy ban nhân dân tự quản, lập lực lượng vũ trang, thu ruộng đất của địa chủ, cường hào chia lại cho dân nghèo.
c.Kết quả – Ý nghĩa:
Kết quả: Thành lập được chính quyền cách mạng, phá vỡ khoảng 1 nửa hệ thống chính quyền địch ở cấp thôn, xã trên toàn Miền Nam.
Ý nghĩa:
* Đối với Mỹ-Diệm:
– Giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ.
– Làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm
* Về phía ta:
– Đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam: Từ giữ gìn lực lượng sang tiến công.
– Từ khí thế đó, 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đoàn kết toàn dân đấu tranh chống Mỹ-Diệm.
Câu IV.(3,0 điểm)
– Cuộc cách mạng KH – KT bắt đầu ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XX, là cuộc cách mạng có sự kết hợp chặt chẽ giữa cách mạng khoa học và cách mạng kĩ thuật, mà nội dung và phạm vị của nó rất phong phú, rộng lơn.
– Trong hơn nửa thế kỷ, kể từ những năm 40 đến đầu những năm 90, những thành tựu to lơn và kì diệu của cuộc cách mạng này vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực đối với sự phát triển của nhân loại.
* Mặt tích cực:
– Làm thay đổi một cách cơ bản các nhân tố sản xuất như: công cụ, công nghệ, nguyên liệu, thông tin … Trong đó, sự thay đổi về công cụ và công nghệ có ý nghĩa then chốt. Nhờ đó, con người đã sáng tạo ra một lực lượng sản xuất nhiều hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước cộng lại.
– Cách mạng KH – KT lần thứ hai đã đưa lịch sử loài người sang một nền văn minh mới: văn minh hậu công nghiệp, văn minh truyền tin, văn minh trí tuệ. Trong đó, con người có khả năng phát triển hơn nữa sự sáng tạo của mình.
– Cách mạng KH – KT lần thứ hai làm cho nền kinh tế thế giới ngày càng được quốc tế hóa cao, hình thành một thị trường toàn thế giới, làm cho tất cả các vấn đề đều có tính chất quốc tế như văn hóa, du lịch, giáo dục, KH – KT … Sự hợp tác giữa các quốc gia trên hành tinh ngày càng cao.
* Mặt hạn chế:
– Bên cạnh những ý nghĩa tích cực thì cuộc cách mạng KH – KT lần thứ hai cũng gây ra những hậu qủa cho nhân loại như sản xuất vũ khí giết người hàng loạt, ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp … ngày càng tăng.
– Những tác động tiêu cực của cách mạng KH – KT đang đặt ra trước lương tri loài người nhiều vấn đề cấp bách, đòi hỏi cần nghiên cứu thấu đáo thiên nhiên quanh ta, đặt vấn đề khai thác hợp lí và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hướng tới mục đích hòa bình, nhân đạo trong việc sử dụng những thành tựu của cách mạng KH – KT.
Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết tại đây:Download