Đại học Quốc gia TPHCM tuyển sinh trong cả nước với tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến 2016: bậc đào tạo ĐH 13.485 chỉ tiêu; bậc đào tạo CĐ 570 chỉ tiêu.
Phương án xét tuyển của trường trong năm 2016 dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh. Điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển là: Đối với bậc ĐH, thí sinh phải có điểm trung bình trung học tập lớp 10,11, 12 từ 6,5 trở lên; đối với bậc CĐ thí sinh phải có điểm trung bình trung học tập cấp 3 tù 6 trở lên.
Năm ngoái trường ĐH Quốc gia TPHCM ưu tiên tuyển thẳng học sinh của 5 trường THPT thì năm nay trường đã công bố 82 trường THPT sẽ được ưu tiên xét tuyển thẳng. Mỗi trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM đều có chỉ tiêu cụ thể và phương án xét tuyển riêng. Cụ thể như sau:
Đại học Bách Khoa
Chương trình đào tạo kéo dài 4 năm với 140 tín chỉ, được kiểm định chất lượng ABET và AUN-QA. Trường cấp bằng Kỹ sư cho ngành Kỹ thuật, Kiến trúc sư cho ngành Kiến trúc, Cử nhân cho ngành Quản lý, Cử nhân CĐ cho bậc CĐ.
Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp môn thi, không nhân hệ số.
Riêng ngành Kiến trúc: tính hệ số 2 cho môn Toán; môn Năng khiếu gồm 2 phần (Vẽ đầu tượng và Bố cục tạo hình) và phải đạt từ 5 trở lên. Môn Năng khiếu được tổ chức thi tại trường ĐH Bách Khoa khoảng một tuần sau kỳ thi THPT.
Điểm trúng tuyển và chỉ tiêu được xét theo nhóm ngành/ngành. Sinh viên được phân ngành trong nhóm ngành vào năm thứ hai theo nguyện vọng và theo kết quả học tập tại ĐH Bách khoa.
Chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam PFIEV: tuyển các thí sinh trúng tuyển với kết quả cao của tất cả các ngành. Sau 2 năm học, sinh viên được thi phân ngành vào 7 ngành PFIEV (Viễn thông, Hệ thống năng lượng, Cơ điện tử, Hàng không, Vật liệu tiên tiến, Polyme và composite, Công trình dân dụng và hiệu quả năng lượng).
Chương trình Kỹ sư tài năng tuyển các sinh viên giỏi từ năm thứ 2 thuộc 11 ngành của 5 Khoa (Máy tính, Điện – Điện tử, Hóa, Cơ khí, Xây dựng).
Đại học Công nghệ Thông tin
Các môn xét tuyển: Toán, Lý, Hóa (tất cả hệ số 1) hoặc Toán, Lý, Tiếng Anh (tất cả hệ số 1).
Chương trình Tài năng ngành Khoa học Máy tính và ngành An toàn Thông tin. Điều kiện dự xét tuyển: đã trúng tuyển vào hệ chính quy của Trường với điểm số cao, ưu tiên thí sinh có giải quốc gia, quốc tế về Tin học, Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh.
Chương trình Tiên tiến ngành Hệ thống Thông tin theo chương trình của Đại học Oklahoma State University, Hoa kỳ với chỉ tiêu dự kiến là 40.
Chương trình chất lượng cao ngành Kỹ thuật Phần mềm, Kỹ thuật Máy tính và Hệ thống Thông tin với chỉ tiêu dự kiến là 190.
Đại học Kinh tế – Luật
Các chương trình chất lượng cao: Kinh tế đối ngoại, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Kiểm toán, Luật thương mại quốc tế, Kinh tế và Quản lý Công (dự kiến), Kế toán (dự kiến), Hệ thống thông tin quản lý (dự kiến), Marketing (dự kiến) , Luật kinh doanh (dự kiến), Luật dân sự (dự kiến)
Các chương trình tài năng: Kinh tế học, Luật Tài chính – Ngân hàng.
Đại học Quốc tế
Yêu cầu về ngoại ngữ: Điểm TOEFL iBT >= 35 hoặc chứng chỉ tương đương để bắt đầu học một phần chương trình chuyên môn cho đến khi đạt được TOEFL iBT >= 61 thì học hoàn toàn chương trình chuyên môn. Thí sinh trúng tuyển chưa có chứng chỉ TOEFL hoặc tương đương sẽ dự kì kiểm tra tiếng Anh tại trường. Nếu chưa đạt yêu cầu về điểm TOEFL sẽ được học tiếng Anh tăng cường tại trường.
ĐH Quốc tế có hai chương trình đào tạo: chương trình trong nước cấp bằng và chương trình liên kết. Do đó, khi thí sinh đăng ký xét tuyển cần ghi rõ là chương trình trong nước cấp bằng hoặc chương trình liên kết.
Đại học Khoa học tự nhiên
Nhóm ngành Công nghệ thông tin: tuyển cùng một điểm chuẩn. Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ chọn 1 ngành thuộc nhóm ngành CNTT, bao gồm CNTT, Khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin.
Chương trình tài năng: tuyển sinh các chương trình CNTT, Hóa học, Vật lý học, Toán học.
Chương trình tiên tiến: Tuyển 50 sinh viên vào chương trình tiên tiến ngành CNTT theo chương trình của trường đại học Portland, bang Oregon, Hoa kỳ. Giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh.
Chương trình chất lượng cao với học phí tương ứng: tuyển sinh vào ngành Công nghệ thông tin.
Chương trình đào tạo CNTT bằng tiếng Pháp: tuyển 50 sinh viên hệ chính quy. Sinh viên theo học chương trình này có cơ hội nhận hai bằng Cử nhân do đại học Claude Bernard Lyon 1 (Pháp) và ĐH Khoa học tự nhiên cấp.
Chương trình đào tạo bằng đôi nhận hai bằng cử nhân ngành Hoá học do đại học Maine (Pháp) và ĐH Khoa học tự nhiên cấp.
Chương trình liên kết nước ngoài: đào tạo cử nhân quốc tế, tuyển sinh 2 ngành: công nghệ thông tin (hợp tác với ĐH AUT, New Zealand); Kinh doanh quốc tế (hợp tác với ĐH Keuka, Mỹ).
Đại Học Khoa học xã hội và nhân văn
Nhà trường áp dụng nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ vào các ngành Ngôn ngữ (cụ thể là vào các ngành: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Đức, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Tây Ban Nha và Ngôn ngữ Italia; môn Ngữ văn vào ngành Văn học và Ngôn ngữ học; môn Lịch sử vào ngành Lịch sử; môn Địa lý vào ngành Địa lý học; tiếng Nhật vào ngành Nhật Bản học.
Nhà trường ưu tiên xét tuyển thí sinh thi đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Các chứng chỉ này phải do các Trung tâm khảo thí hoặc đào tạo có thẩm quyền hoặc được uỷ quyền cấp. Tất cả các chứng chỉ ngoại ngữ phải còn thời hạn hai năm tính từ ngày cấp chứng chỉ.
Chương trình cử nhân tài năng: tuyển sinh vào ngành Văn học, Ngôn ngữ học và Lịch sử.
Chương trình chất lượng cao: tuyển sinh vào ngành Báo chí – Truyền thông và Quan hệ quốc tế.
Chương trình 2+2:tuyển sinh vào ngành Báo chí, Truyền thông liên kết với Trường Đại học Deakin (Úc).
Khoa Y
Khoa thực hiện sơ tuyển: phỏng vấn hoặc trắc nghiệm sự phù hợp với ngành y của thí sinh. Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 với tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh không nhân hệ số. Với các trường hợp bằng điểm nhau, việc xét tuyển được căn cứ trên tiêu chí phụ theo thứ tự ưu tiên như sau: điểm môn Sinh, điểm môn Toán, điểm tổng trung bình cộng của 3 năm học lớp 10, lớp 11, lớp 12.
Viện Đào tạo Quốc tế (IEI)
Điều kiện xét tuyển: tốt nghiệp THPT (điểm trung bình 3 năm THPT ≥ 6.5); điểm TOEFL iBT ≥ 61 (TOEFL PBT ≥ 500) hoặc IELTS ≥ 5.5.
Thời hạn nhận hồ sơ và nhập học: học kỳ mùa Hè nhận hồ sơ tháng 3, nhập học tháng 5; học kỳ mùa Thu nhận hồ sơ tháng 7, nhập học tháng 9; học kỳ mùa Xuân: nhận hồ sơ tháng 10, nhập học tháng 12.
Trung tâm đại học Pháp (PUF-HCM)
Thời gian đào tạo: 3 năm. Ngôn ngữ giảng dạy tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Hình thức tuyển sinh: xét tuyển thông qua hồ sơ và phỏng vấn
Đối tượng dự tuyển: học sinh tốt nghiệp THPT của Việt Nam hoặc nước ngoài; sinh viên đã từng học tại các trường ĐH, CĐ của Việt Nam hoặc nước ngoài. Sinh viên đã hoàn thành năm 1 hoặc năm 2 đại học có thể ứng tuyển trực tiếp vào năm 2 hoặc năm 3 tại PUF-HCM.
Điều kiện tuyển sinh: xét điểm tốt nghiệp THPT/điểm thi ĐH đạt từ điểm sàn của Bộ GD&ĐT; xét Học bạ THPT. Trình độ ngoại ngữ: tương đương cấp độ B2 khung châu Âu (CEFR): DELF B2; TCF niveau 4; IELTS 5.5; TOEFL iBT 61; TOEIC 600.