fbpx
Home Tin tuyển sinh Chuyên gia tâm lý chia sẻ cách vượt qua lo sợ trong phòng thi

Chuyên gia tâm lý chia sẻ cách vượt qua lo sợ trong phòng thi

0
Chuyên gia tâm lý chia sẻ cách vượt qua lo sợ trong phòng thi

Nỗi sợ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý, khả năng phát huy của thí sinh. Vì thế, chuyên gia chia sẻ các bí quyết giúp các em vượt qua nó để có kỳ thi tốt nghiệp THPT thuận lợi.

Ngày 8/8, thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Trong khi đó, những sĩ tử ở Đà Nẵng cùng 6 thành phố, thị xã, huyện thuộc Quảng Nam và những em thuộc diện F1, F2 sẽ phải thi vào đợt 2.

Khi kỳ thi quan trọng cận kề, không ít sĩ tử cảm thấy lo lắng, bồn chồn, thậm chí căng thẳng quá độ. Để đạt kết quả tốt, các em cần học cách chiến thắng nỗi lo sợ khi vào phòng thi.

Nỗi sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, năng lực làm bài

Theo Thạc sĩ Giáo dục học Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn Kỹ năng, thí sinh thường cảm thấy lo sợ vì hiểu được tầm quan trọng của kỳ thi đối với bản thân và tương lai. Càng hiểu, các em lại càng lo sợ thất bại.

Áp lực và sự so sánh từ gia đình quá lớn cũng khiến sĩ tử mất bình tĩnh. Bên cạnh đó, nỗi lo sợ còn xuất phát từ việc bản thân học sinh chưa tự tin vào kiến thức mình có, nhất là những môn không phải sở trường.

“Rõ ràng, rất nhiều học sinh có thể rơi vào các lý do trên. Vì thế, lo lắng trước khi vào phòng thi là tâm lý chung của học sinh dù kết quả học tập tốt hay không”, cô Chế Dạ Thảo chia sẻ.

Tuy nhiên, Trưởng bộ môn Kỹ năng cho hay một số thí sinh lo lắng thái quá, kéo dài dẫn đến các biểu hiện căng thẳng tột độ làm rối loạn giấc ngủ (mất ngủ liên tục hoặc ngủ li bì), sức khỏe suy kiệt, nôn mửa, thường xuyên mất tập trung và đau đầu, khóc lóc bất an, thậm chí là choáng hay ngất xỉu trước, trong phòng thi.

Theo cô Dạ Thảo, nỗi lo sợ khi vào phòng thi quá lớn tác động trực tiếp đến 3 yếu tố sức khỏe, tâm lý và năng lực làm bài.

Về sức khoẻ, lo sợ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, hệ thần kinh, nhịp tim… khi bước vào phòng thi. Vì thế, nhiều sĩ tử cảm thấy đau bao tử, choáng váng, tim đập nhanh, vã mồ hôi và khó thở…

Về tâm lý, học sinh có thể mất bình tĩnh, bất an, không tập trung tư duy giải quyết đề thi và không tin tưởng vào khả năng vượt qua vấn đề của mình.

Cuối cùng, tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực làm bài của thí sinh. Các em không thể phát huy được kỹ năng làm bài và truy xuất kiến thức từ chuỗi ghi nhớ trước đây, quá trình suy nghĩ bị gián đoạn, có thể sai lệch kết quả. Nhiều trường hợp học tốt nhưng vì quá lo sợ khiến thí sinh mất đi phong độ làm bài thi của mình.

Bí quyết vượt qua nỗi sợ

Cô Chế Dạ Thảo tư vấn một số bí quyết nhằm giúp thí sinh giảm thiểu nỗi sợ hãi khi vào phòng thi.

Theo cô, sĩ tử nên chuẩn bị phương án thay thế, trả lời câu hỏi “nếu thất bại, điểm thấp, còn cách thức hay con đường nào khác để đạt ước mơ của mình không?”, chấp nhận đó có thể là con đường vòng dài hơn, chông gai hơn.

Ngoài ra, các em nên ăn no vừa phải, ngủ sớm, ngủ thật sâu, thật ngon và dậy sớm. Cận ngày thi, thí sinh không nên nhồi nhét thêm kiến thức, nếu có, nên dành ít thời gian giải vài đề thi để rèn kỹ năng làm bài.

“Trước hôm thi, các em phải ngủ sớm, tắt các thiết bị công nghệ trong suốt thời gian thi và tránh đọc các tin tức tiêu cực”, cô Dạ Thảo khuyên.

Bên cạnh đó, thí sinh cần chuẩn bị kỹ các loại giấy tờ, dụng cụ làm bài được phép đem vào, ăn sáng no vừa phải và uống nước thường xuyên (mỗi lần uống một ít).

Trước khi vào phòng thi, các em nên đi vệ sinh, kiểm tra dụng cụ, giấy tờ, mặc trang phục rộng rãi lịch sự. Thí sinh trò chuyện làm quen với các bạn cùng phòng để giảm căng thẳng và tạo không gian thân quen khi vào làm bài.

“Các em nên cố gắng lắng nghe hướng dẫn của cán bộ coi thi. Họ không phải là người giám sát mà là người hỗ trợ tốt nhất, cho các em trạng thái làm bài thuận lợi”, cô Thảo dặn dò.

Cô nói thêm khi nhận giấy thi, thí sinh phải nhanh chóng điền đầy đủ thông tin. Nhận được đề thi, các em có thể hít thở sâu vài lần, nhấp 1-2 ngụm nước lọc, đọc đề thật kỹ một lượt.

Với môn trắc nghiệm, sĩ tử chọn câu dễ làm trước, câu khó bỏ qua rồi quay lại sau. Với tự luận, các em phân tích, lựa chọn câu quen thuộc, dễ hơn làm trước, viết dàn ý trên giấy nháp.

Khi nào căng thẳng, thí sinh nên dừng lại, hít thở sâu trong vài phút và uống nước, thời gian vẫn đủ cho các em làm bài. Quan trọng hơn, sau mỗi môn thi, thí sinh hạn chế kiểm tra hoặc so sánh kết quả làm bài với bạn khác.

Theo cô Chế Dạ Thảo, việc này không hề giúp ích gì, chỉ làm mất thời gian nghỉ ngơi, ảnh hưởng tinh thần cho bài thi sắp tới.

Ngoài ra, cô cho rằng không ít phụ huynh đặt kỳ vọng lớn lên con hoặc thể hiện sự quan tâm không đúng cách, vô tình gây áp lực, sợ hãi lên thí sinh.

Cô khẳng định phụ huynh đóng vai trò rất lớn trong việc động viên, tạo môi trường an toàn, thoải mái cho các em trước, trong kỳ thi.

Cô nhắn nhủ cha mẹ hãy truyền đi thông điệp con chỉ cần nỗ lực hết mình, không cần chiến thắng người khác. Phụ huynh cũng cần kiểm tra, chuẩn bị bữa ăn hợp vệ sinh đầy đủ dinh dưỡng, nhắc nhở giờ ngủ, lưu ý thời gian, giấy tờ quan trọng tránh trường hợp con đi thi trễ hay quên giấy tờ, dụng cụ.

Thạc sĩ thừa nhận 2020 là năm đầy biến động và khó khăn với cả thế giới. Nó thay đổi và làm chậm lại nhiều kế hoạch.

“Thế nhưng, tương lai vẫn phải đến, khó khăn nào cũng qua, chúng ta không thể ngừng cố gắng. Những gì chúng ta mong muốn đang nằm ở bên kia của nỗi sợ hãi, tương lai tốt đẹp, công việc đam mê và những cuộc phiêu lưu thú vị của tuổi trẻ đang chờ đón”, cô nhắn nhủ.

Vì thế, cô Chế Dạ Thảo mong sĩ tử thắt chặt niềm tin, sẵn sàng kiến thức, bình tĩnh, tự tin chiến thắng nỗi lo sợ để phát huy tốt nhất năng lực của mình trong kỳ thi tới.

Theo Zing

Comments

comments