fbpx
Home Tin tuyển sinh Xin dừng tranh luận chuyện vụn vặt sau mỗi kì thi

Xin dừng tranh luận chuyện vụn vặt sau mỗi kì thi

0

Hầu như năm nào cũng vậy, mỗi lần thi xong môn ngữ văn của kì thi THPT quốc gia, các trang mạng xã hội lại rần rần dậy sóng bàn tán xôn xao về đề thi. Năm ngoái là từ “bùn” còn năm nay là “thấu cảm”.


Việc tranh luận gay gắt kịch liệt về một chi tiết nhỏ của đề. Có lẽ diễn đàn văn chương đang sa vào những điều vụn vặt tỉ mỉ “bới lông tìm vết” hơn là những vấn đề vĩ mô.

Thực tế trong phòng thi, thí sinh đọc đề là hiểu ngay. Kết thúc giờ thi cũng chẳng có em nào thắc mắc hỏi bạn mình hay gọi điện cho thầy cô để hỏi về từ “thấu cảm”. Chỉ có người lớn chúng ta làm cho sự việc bình thường trở nên rối rắm. Các bác tra hết tất cả mọi từ điển : Anh, Pháp, Việt để giải thích, để qui kết.

Nhưng có một từ điển khác hay hơn và chuẩn xác hơn rất nhiều, đó là từ điển thực tế cuộc sống. Từ ngữ trong đời sống phong phú hơn rất nhiều so với từ ngữ trong sách vở. Khi trong đời sống từ đó đã được sử dụng, được chấp nhận thì không cần phải bàn cãi .

Từ ” thấu cảm” cũng là trường hợp như thế đã được dùng nhiều, có lẽ cả chục năm, nhưng không thấy ai phân tích mổ xẻ.

Giờ đây nó xuất hiện trong đề thi bất ngờ lại được quan tâm lớn như thế. Đời sống sẽ làm cho ngôn ngữ thay đổi có thêm từ mới, cách dùng mới đó cũng là lẽ thường. Các nhà văn cũng sáng tạo ra từ mới cho kho từ vựng đấy thôi sao không thấy ai bắt lỗi mà còn được ca ngợi?

Nếu quả thực chúng ta quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt thì có rất nhiều điều lớn hơn, nổi cộm hơn cần phải đề cập.

Còn nếu đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối về mặt khoa học của từ ngữ thì với đặc trưng riêng của ngôn ngữ trong lĩnh vực văn chương lại là điều rất khó.

Nhiều lúc buộc độc giả phải suy nghĩ sau những lời chỉ trích về đề thi thực ra người viết đang muốn nhằm vào ai đây, Bộ GD-ĐT, người ra đề hay là tác giả đoạn văn? Dù là ai đi nữa những cái để bắt lỗi đều không đáng, bởi trong lĩnh vực giáo dục hiện nay có nhiều vấn đề nổi cộm đáng để nói hơn cần mọi người tập trung sức lực và tâm huyết nhiều hơn.

Còn đối với một đề thi thì vấn đề quan trọng cốt lõi là: Đề thi như vậy đã đáp ứng được sự phân hoá của một kì thi lớn? Có bao quát được chương trình học? Cách ra đề như vậy có thúc đẩy sự cải tiến về cách dạy, cách học mà chúng ta đang cho đã là quá cũ? Đề thi có xứng tầm với trình độ học sinh?

Tâm lí người đọc khi nghe những lời tranh luận ban đầu cũng thấy vui vui, nhưng càng về sau càng thấy khó chịu rồi thấy ngán. Sự tranh luận như vậy năm nào cũng diễn ra làm cho người ta dễ liên tưởng đến những câu chuyện tiếu lâm trong văn chương và dường như có tác dụng ngược, nó không làm tăng sự trong sáng của tiếng Việt mà làm cho người đọc cảm thấy thêm rắc rối khó hiểu .

Mong lắm chấm dứt sự ồn ào trên diễn đàn sau mỗi kì thi môn văn vì những chuyện không đáng mà lại phải tranh cãi rầm rộ như thế.

Xin đừng tạo ấn tượng xấu trong lòng độc giả sau mỗi kì thi lớn có môn văn. Mọi người lại xầm xì với nhau: “lại sắp có trò hay để xem đây! Năm nay làng văn lập bàn tròn, bàn vuông diễn trò gì đây bà con nhỉ?”.

Theo tuoitre

Comments

comments