Mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học có xu hướng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng nhằm gia tăng cơ hội cho thí sinh cũng như nâng cao chất lượng đầu vào.
Bảo đảm công bằng cho thí sinh giữa các phương thức xét tuyển
Ghi nhận việc năm nay các cơ sở giáo dục đại học sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, đó cũng là ưu điểm của tự chủ đại học. Tuy nhiên, các trường cũng phải tăng trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Đồng thời phải bảo đảm công bằng cho thí sinh giữa các phương thức xét tuyển khác nhau.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cũng nhấn mạnh, trong mùa tuyển sinh năm nay, các trường cần giữ đảm bảo ổn định. Đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm, ví dụ không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm, tránh gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh.
Tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi
Chia sẻ về phương án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) năm 2022, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN cho biết, các phương án tuyển sinh của ĐHQGHN cơ bản ổn định như năm 2021.
Điểm khác biệt duy nhất là chỉ tiêu phân bổ theo từng phương thức có thể thay đổi so với năm 2021. Các ngành/nhóm ngành đào tạo có điểm chuẩn cao sẽ dành nhiều chỉ tiêu hơn cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL học sinh trung học phổ thông (HSA).
Cách thức xét tuyển năm 2022 cũng sẽ linh động, chủ động hơn đối với các trường/khoa về thời gian. Các đơn vị sẽ có kế hoạch xét tuyển phù hợp để bảo đảm quyền lợi của học sinh từ các nguồn tuyển và tuyển chọn được các thí sinh chất lượng.
Trước băn khoăn của phụ huynh, học sinh về việc những thí sinh ở vùng khó khăn không thể ra các thành phố lớn để thi ĐGNL liệu có ảnh hưởng đến quyền lợi của các em hay không, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhận định:
Bài thi ĐGNL hướng tới nhiều mục đích, trong đó có phục vụ xét tuyển đại học. Chúng ta cần lưu ý rằng hầu hết các trường đại học đều sử dụng tối thiểu 3 phương thức tuyển sinh. Do đó thí sinh có nhiều con đường để vào đại học”.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, ĐHQGHN đã có chính sách hỗ trợ lệ phí cho thí sinh thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, thí sinh dân tộc, miền núi… để các bạn tham dự kỳ thi.
“Với các thí sinh bộ đội cũng không gặp khó khăn gì nếu bạn được phép tiếp cận internet để đăng ký ca thi trực tuyến. Thời gian đăng ký cũng chỉ mất tối đa 5-10 phút. Quyền lợi của thí sinh bộ đội hay thí sinh tự do là bình đẳng như nhau” – GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh.
Kỳ thi ĐGNL góp phần nâng cao chất lượng đầu vào đại học
Đến thời điểm hiện tại, có hơn 60 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả bài thi ĐGNL phục vụ tuyển sinh. Chia sẻ về lý do ngày càng nhiều đơn vị sử dụng kết quả thi ĐGNL làm phương án xét tuyển, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng: “Tính tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học ngày càng cao; thời gian và phương thức xét tuyển linh động, phù hợp bối cảnh hiện tại; chất lượng bài thi HSA được khẳng định; thêm cơ hội cho thí sinh xét tuyển vào các nhóm ngành/trường có điểm chuẩn cao; các trường tuyển chọn được thí sinh chất lượng; cách thức tuyển sinh từ kết quả bài thi ĐGNL phù hợp với thông lệ tuyển sinh quốc tế…”.
Thông tin thêm về kỳ thi ĐGNL, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN cho hay, một trong những điểm độc đáo, đặc sắc của các bài thi ĐGNL là câu hỏi ít, thời gian ngắn nhưng đánh giá được các nhóm năng lực chủ đạo của người dự thi. Do đó, câu hỏi tích hợp liên môn là một trong những yêu cầu bắt buộc của bài thi HSA.
“Hiện nay, thí sinh đang học song song chương trình giáo dục phổ thông 2006 và bắt đầu tiếp cận chương trình tổng thể 2018 nên bài thi HSA thiết kế theo lộ trình thay đổi bổ sung dần vào theo năm học 2023-2024. Do đó, năm 2024 chúng tôi sẽ bổ sung thêm một số câu hỏi tích hợp liên môn” – GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.