Theo các chuyên gia tuyển sinh, khi nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ THPT, thí sinh cần lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển phù hợp với năng lực bản thân.
Điểm học bạ đánh giá quá trình
Có nhiều trường đại học đã đưa ra phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT (học bạ) của thí sinh để tuyển sinh năm 2021.
Chia sẻ với PV Dân trí, TS Trần Mạnh Hà, Trưởng Phòng Đào tạo – Học viện Ngân hàng cho hay, năm 2021 trường dự kiến dành tối đa 25% chỉ tiêu ở tất cả các ngành cho phương thức xét tuyển học bạ THPT.
Những năm gần đây, phương thức xét tuyển học bạ THPT đã được áp dụng, lượng chỉ tiêu cũng tăng dần theo từng năm. Học viện sẽ tư vấn cụ thể cho thí sinh về các ngành, hồ sơ và phương thức xét tuyển để định hướng.
Qua theo dõi số liệu, những em xét tuyển vào trường bằng học bạ THPT có điểm trung bình không lệch nhiều so với điểm thi tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào ngành đó.
Sau một năm học, các em có kết quả học tập khá tốt so với mặt bằng chung, không có độ lệch giữa các phương thức xét tuyển.
Cũng theo TS Trần Mạnh Hà, năm 2021 thí sinh có thể đăng ký nhiều ngành, nhiều phương thức để vào trường. Ví dụ, các em có thể vừa xét tuyển bằng học bạ THPT, vừa xét cả chứng chỉ tiếng Anh IELTS.
Với mỗi nhóm đối tượng thí sinh sẽ có những điều kiện cần riêng. Học viện cũng đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng.
Dù thí sinh có điểm học bạ rất cao nhưng để chắc suất vào trường, phải có điểm thi THPT 2021 của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải theo ngưỡng đảm bảo chất lượng của học viện.
Học bạ THPT phản ánh quá trình học tập trong 3 năm của học sinh. Tuy nhiên, trường cũng đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để tránh tình trạng “làm đẹp hồ sơ”, tức điểm học bạ rất cao mà điểm thi THPT lại quá thấp.
Còn theo TS Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, xét tuyển bằng học bạ THPT phù hợp với chủ trương của Bộ GD&ĐT, nhằm đa dạng hóa các phương thức xét tuyển để lựa chọn thí sinh chứ không chỉ căn cứ vào kết quả thi THPT.
Phương thức xét học bạ giúp thí sinh có định hướng trước sẽ đăng ký ở ngành nào để phấn đấu ôn thi chứ không phải đợi tới khi có kết quả thi THPT mới “nháo nhào” đi đăng ký vào các trường.
Hơn nữa, học bạ sẽ đánh giá quá trình học tập của thí sinh. Thí sinh có khả năng ở môn nào sẽ thể hiện luôn ở bảng điểm để phụ huynh, giáo viên có căn cứ để tư vấn cho phù hợp.
Do đó, ông Thắng cho rằng, thí sinh nên chọn tổ hợp mình có tổng điểm cao nhất để nộp hồ sơ. Tuy nhiên, các em cần chọn được ngành yêu thích rồi tính toán tổ hợp có điểm thi tốt nhất trong số các tổ hợp trường sử dụng để xét tuyển.
Xét điểm học bạ chỉ là “điều kiện cần”
Theo một cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của Học viện Ngoại giao, không phải chỉ căn cứ vào điểm học bạ THPT mà các em sẽ trúng tuyển. Điểm học bạ chỉ là “điều kiện cần”, trường sẽ có những tiêu chí phụ kèm theo.
Năm 2021, học viện dự kiến dành 8% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành để xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT (học bạ).
Để xét học bạ, thí sinh phải là học sinh trường THPT chuyên/trường THPT trọng điểm quốc gia; có điểm trung bình cộng kết quả học tập của 3/5 kỳ học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đạt từ 8.0 trở lên…
Ngoài ra, học viện cũng xét học bạ THPT với Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS academic (hoặc tương đương) đạt từ 6.0 trở lên hoặc từ DELF-B1 trở lên; xét từ trên xuống dưới cho tới khi đủ chỉ tiêu.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng Ban Quản lý đào tạo – Học viện Tài chính cho hay, năm 2021, dù không mang tên xét học bạ THPT nhưng trường dành 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT.
Tức, nếu không có giải quốc gia, quốc tế thí sinh phải có kết quả xếp loại học lực giỏi ở cả 3 năm bậc THPT. Tiếp đó, điểm tổng kết năm lớp 12 của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải từ 7.0 trở lên.