Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2017 so với 2016 tăng ở quy mô cả nước và ở nhiều địa phương, tỷ lệ này đã vượt mức 99%.
Với chủ trương nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007 có tỷ lệ tốt nghiệp thấp kỷ lục, chỉ đạt 67%.
Tuy nhiên, những năm sau đó, tỷ lệ tốt nghiệp được “phục hồi” dần. 2014 – năm cuối cùng còn kỳ thi tốt nghiệp riêng biệt và song hành cùng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ – tỷ lệ tốt nghiệp đã cán mức 99% (99,09%).
Từ năm 2015, 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH – CĐ và tốt nghiệp THPT được hợp nhất thành một kỳ thi THPT quốc gia, tỷ lệ tốt nghiệp THPT có giảm nhưng vẫn ở mức trên 90% và có vẻ đang trở lại xu hướng tăng dần như giai đoạn trước đó.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2017 so với 2016 tăng ở quy mô cả nước và tại nhiều địa phương, tỷ lệ này đã vượt mức 99%. Điều này đã được dự báo trước dựa trên nhiều yếu tố như: Đề thi THPT quốc gia 2017 chỉ tập trung chương trình lớp 12, công thức tính điểm xét tốt nghiệp dựa trên 50% điểm trung bình của năm lớp 12 và 2017 là năm đầu tiên có số môn thi trắc nghiệm chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối (8/9 môn thi).
Thực tế cho thấy tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2017 còn tăng cao hơn dự đoán khi đề thi không chỉ nằm gọn trong chương trình lớp 12 mà còn ở mức độ dễ hơn (điểm trung bình các môn thi đều tăng và số bài thi điểm 10 tăng vọt hơn 4.000, gấp 60 lần năm 2016).
Tình hình năm 2018 sẽ khác đôi chút khi đề thi sẽ bao gồm một phần chương trình lớp 11 và ở mức độ khó hơn. Các chuyên gia nhận định nếu đề thi thật tương tự như đề thi minh họa đã được Bộ GD&ĐT công bố thì phần chương trình lớp 11 chiếm khoảng 20%-30% và số câu khó có thể chiếm đến 25%-30% đề thi.
Tuy nhiên, 2 yếu tố quan trọng sẽ giữ tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn ở mức cao là công thức tính điểm xét tốt nghiệp và số môn thi trắc nghiệm chiếm gần như tuyệt đối (8/9 môn).
Thống kê của những năm trước cho thấy điểm trung bình lớp 12 của hầu hết trường THPT trên cả nước đều cao hơn điểm trung bình 4 bài thi THPT quốc gia của thí sinh khoảng 2 điểm, cá biệt một số trường THPT chênh lệch này lên đến 4 điểm, hoàn toàn có thể “kéo” được những thí sinh có điểm trung bình 4 bài thi thấp hơn 5 điểm.
Với kết quả điểm các bài thi THPT quốc gia năm 2017, nếu công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có thành phần điểm trung bình năm lớp 12 thì tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp của cả nước chỉ đạt hơn 58%.
Từ năm 2013, khi áp dụng công thức tính điểm xét tốt nghiệp như hiện nay, phần lớn thí sinh rớt tốt nghiệp THPT chủ yếu do “vướng” điểm liệt. Thống kê những năm trước cho thấy số bài thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) của các môn trắc nghiệm rất thấp; ngược lại, ở các môn tự luận thì tỉ lệ này khá cao.
Chẳng hạn, khi còn thi theo phương thức tự luận, môn toán có số thí sinh bị điểm liệt rất lớn (năm 2015 hơn 20.000 bài, năm 2016 hơn 14.000 bài) nhưng khi chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, số bài thi môn toán năm 2017 bị điểm liệt chỉ còn hơn 1.500.
Do vậy, việc tích lũy điểm trung bình năm lớp 12 cao là một điều kiện quan trọng bảo đảm cho tốt nghiệp THPT của học sinh, còn điểm các bài thi (các môn thi) của kỳ thi THPT quốc gia là yếu tố quan trọng khi xét tuyển ĐH vì hiện hầu như tất cả trường ĐH đều áp dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả điểm thi THPT quốc gia.
Theo Zing