Ngày 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Ðại học. Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ÐH, Bộ GD&ÐT cho biết, từ 1/7/2019, Luật mới chính thức có hiệu lực sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống giáo dục ÐH của Việt Nam. Theo đó các trường ĐH được tự chủ lựa chọn phương thức tuyển sinh.
Theo bà Phụng, phương án tuyển sinh 2019 sẽ cơ bản giữ ổn định như 2 năm qua, những thay đổi nếu có sẽ không làm thay đổi quy trình tuyển sinh.
Bà Phụng cho biết, điều 34 của Luật mới ghi rõ: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh, quy định nguồn tuyển sinh trình độ ĐH từ học sinh tốt nghiệp THPT, người tốt nghiệp CĐ, TC; Quy định tiêu chí, nguyên tắc, quy trình xác định chỉ tiêu tuyển sinh; quy định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên và chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Bà Phụng cho rằng, các trường ĐH được tự chủ lựa chọn phương thức tuyển sinh. Điểm sàn với khối ngành sức khỏe trong luật ghi rõ chỉ với những ngành có cấp chứng chỉ hành nghề chứ không phải tất cả các ngành, cụ thể như bác sĩ đa khoa, răng – hàm – mặt, y học cổ truyền, dược sĩ… Các ngành như kỹ thuật y học, quản lý y tế… thì không nằm trong trường hợp này. Bộ GD&ĐT sẽ cùng Bộ Y tế và các trường đang đào tạo các ngành này, tính toán để có mức điểm tối thiểu được các vùng miền và cả hệ thống và xã hội chấp nhận.
Là trường có đào tạo ngành bác sĩ đa khoa, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết nếu đã cho các trường tự chủ thì Bộ GD&ĐT cũng nên để các trường tự quyết định điểm chuẩn. Hiện nay quy định này tuy đã được đưa vào Luật nhưng thời gian tới, cần phải xem xét.
Các trường ÐH được tự xác định mức học phí
Chia sẻ thêm về những điểm mới khi Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đi vào thực tế, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cho biết Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐH, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng GD ĐH, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội.
Luật đã mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH trong toàn hệ thống; trong đó, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH trong việc xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục ĐH. Chủ trương tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát hợp lý chất lượng đào tạo, chú trọng quản lý đối với các ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng.
Đặc biệt, Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy. Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường… phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở giáo dục ĐH để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ. Cơ sở giáo dục ĐH có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục ĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác; ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục ĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.
Dưới góc độ một trường ĐH đang được tự chủ, PGS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng bây giờ là lúc các trường ĐH phải cân nhắc rất kỹ về học phí chứ không phải tự chủ được tự xác định học phí thì tăng tùy tiện. “Các trường sẽ phải cân nhắc giữa người học và chất lượng. Bản thân các trường cũng phải có trách nhiệm với người học cả ở việc đưa ra mức học phí và chế độ học bổng” – PGS. Trần Văn Tớp nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm, ở Pháp, từ năm sau đào tạo ĐH không còn miễn phí với sinh viên nước ngoài. Như vậy, việc các trường ĐH phải tự xác định mức học phí đối với người học là xu hướng tất yếu, không thể tránh khỏi. Nhưng dù quyền trong tay, không có nghĩa là muốn tuyển sinh, muốn thu bằng nào cũng được.
Theo Tienphong