Trước thông tin một số đại học chọn tổ hợp xét tuyển ngược với ngành đào tạo, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng các trường đang cố tăng cơ hội để tuyển đủ sinh viên.
Đầu năm 2018, kế hoạch tuyển sinh của nhiều trường đại học xuất hiện những tổ hợp môn thi mới. Thí sinh xét tuyển ngành Công nghệ Thực phẩm có thể đăng ký với tổ hợp Văn, Hóa, Sử. Ngành Công nghệ Thông tin có thể xét tuyển với tổ hợp Văn, Địa, Giáo dục Công dân.
Trao đổi với Zing.vn, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT – cho rằng việc bổ sung nhiều tổ hợp mới trước mắt sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Nhưng liệu thí sinh trúng tuyển có học được và có phù hợp chương trình hay không là điều đáng suy nghĩ.
TS Vinh khẳng định việc đưa môn Sử, Địa vào tổ hợp xét tuyển của những ngành trên là thiếu căn cứ khoa học. Nhà trường nên chọn tổ hợp xét tuyển theo hướng phù hợp chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, tránh để thí sinh nhập học rồi sau 2-3 năm lại bỏ học thì hậu quả nặng nề.
Câu chuyện tuyển sinh dựa vào tổ hợp môn từng gây nhiều tranh cãi. “Hai môn Vật lý và Hóa học không liên quan ngành Kế toán nhưng rất nhiều năm chúng ta sử dụng tổ hợp Toán, Lý, Hóa để tuyển sinh ngành này”, ông Vinh cho biết.
Ở Việt Nam, nhiều đại học top đầu nhận thấy sự lỗi thời của việc tuyển sinh bằng tổ hợp đã chuyển qua sử dụng bài thi đánh giá năng lực toàn diện. Tuy nhiên, với những trường phía dưới lo thiếu chỉ tiêu, họ thường tận dụng triệt để những tổ hợp lạ để “quét” hết thị phần tuyển sinh và hy vọng tuyển được nhiều sinh viên hơn. Ở đây phải xét đến động cơ tài chính của những trường này.
Đồng quan điểm với TS Vinh, PGS.TS Phạm Mạnh Hà – chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam – cho rằng việc nhóm các tổ hợp môn để làm thước đo tuyển sinh là cách làm cũ.
Trước đây, có các tổ hợp truyền thống như Toán, Lý, Hóa hay Văn, Sử, Địa; nay có nhiều tổ hợp mới như Văn, Địa, Giáo dục Công dân.
“Về cơ bản, cách phân chia tổ hợp này chỉ mang tính tương đối và chủ quan. Rất khó dựa vào đó để phản ánh mức độ phù hợp của thí sinh với ngành học”, ông Hà chia sẻ.
Những nước có nền giáo dục tiên tiến thường không lấy kết quả của vài môn học gộp lại để xét tuyển vào trường. Việc xét tuyển sẽ thông qua một bài thi đánh giá năng lực toàn diện như SAT, ACT…
Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn hướng nghiệp, ông Hà nhận định học sinh học khối A có thể học những ngành liên quan khoa học xã hội, vì các em có vốn tư duy logic tốt. Tuy nhiên sẽ rất khó khăn cho học sinh khối C thiên về ngôn ngữ, khoa học xã hội khi chọn những ngành cần kiến thức tự nhiên.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Điền Minh Phương – trưởng khoa Công nghệ thông tin, Học Viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – cho hay sinh viên học ngành Công nghệ Thông tin cần có kiến thức khoa học tự nhiên và tố chất về tư duy logic.
Trước thông tin có trường tuyển sinh ngành này với tổ hợp Văn, Sử, Địa và Văn, Địa, Giáo dục Công dân, ông Phương cho rằng sẽ khó khăn cho cả người học và người dạy trong quá trình đào tạo.
“Những kỹ năng công cụ như ngoại ngữ các em có thể được đào tạo khi vào trường đại học. Còn kỹ năng tư duy thuộc về tố chất, học sinh phải tích lũy từ trước”, ông Phương chia sẻ.
Việc tự chủ tuyển sinh là tất yếu nhưng sau khi tuyển sinh và đào tạo, nhà trường phải có trách nhiệm giải trình trước xã hội về kết quả đào tạo. Hiện nay, việc để cho một số trường đại học đào tạo ngành giống nhau nhưng tổ hợp các môn xét tuyển rất khác nhau đang cho thấy sự lộn xộn mất kiểm soát.
Theo Zing