Thí sinh như lạc vào “ma trận” trong các ngành đào tạo về kinh tế. Vậy, chọn ngành học nào thuộc top “hot” hiện nay để phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo chuyên gia tuyển sinh trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Thương Mại, có những ngành mà nhu cầu xã hội đang cần là Thương mại điện tử, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế, Marketing, Logistis và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị khách sạn, Quản trị kinh doanh…
Các ngành này luôn có lượng thí sinh đăng ký đông nên điểm chuẩn luôn cao nhất trong các ngành. Vậy, các ngành học này đào tạo như thế nào, ra trường sinh viên làm việc ở đâu?
Dân trí xin giới thiệu các ngành học này như sau:
Ngành Thương Mại điện tử:
Theo chuyên gia trường ĐH Thương Mại, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá về mức độ hấp dẫn đứng thứ 6 trên thế giới, trong khu vực chỉ sau Trung Quốc và Malaysia.
Các chuyên gia dự đoán rằng trong vòng 5-7 năm tới, tốc độ tăng trưởng ngành này sẽ từ 10 đến 20 lần. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử Việt Nam như hiện nay và trong thời gian tới, nhu cầu về nhân lực đang trở nên vô cùng cấp bách.
Sinh viên tốt nghiệp Ngành Thương mại điện tử – Trường Đại học Thương mại có kiến thức cơ sở ngành, bao gồm các kiến thức về về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh: Kiến thức căn bản về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, quản trị học, hệ thống thông tin quản lý và marketing căn bản, thương mại điện tử căn bản;
Kiến thức căn bản về công nghệ thông tin và truyền thông như kiến thức về lập trình, mạng máy tính và truyền thông, thiết kế và triển khai website và quản trị cơ sở dữ liệu;
Nắm vững kiến thức chuyên sâu và thực tiễn của chuyên ngành về hoạt động của doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử và các phương pháp, các công cụ thực hiện các hoạt động thương mại điện tử;
Có kiến thức bổ trợ nhằm mở rộng kiến thức kinh doanh và quản lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sang các ngành đào tạo gần khác và hệ đào tạo cao hơn như cao học, nghiên cứu sinh…
Sinh viên tốt nghiệp Ngành Thương mại điện tử có khả năng tự nghiên cứu chuyển đổi nhanh để làm việc được ở các bộ phận khác như quản trị nhân lực, quản trị tác nghiệp, quản trị tài chính…ở các doanh nghiệp; làm việc ở các loại hình doanh nghiệp dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ ứng dụng Thương mại điện tử;
Các bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) Thương mại điện tử ở các tổ chức kinh tế, tổ chức phi lợi nhuận; các viện nghiên cứu, các trường trung học nghề, cao đẳng, đại học; các bộ phận có liên quan đến quản lý nhà nước về Thương mại điện tử ở các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Ngành kinh doanh quốc tế
Kinh doanh quốc tế là toàn bộ các hoạt động giao dịch kinh doanh được thực hiện giữa các quốc gia, nhằm thỏa mãn các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức kinh tế. Đây là công việc giao dịch giữa quốc gia này với quốc gia khác, là một lĩnh vực năng động và mang tính toàn cầu thuộc nhóm ngành kinh doanh,.
Bên cạnh những kiến thức chuyên ngành khi theo học ngành kinh doanh quốc tế, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng cụ thể về các vấn đề thanh toán quốc tế, bảo hiểm ngoại thương, tranh chấp trong thương mại quốc tế, cách thức xâm nhập thị trường nước ngoài…
Đồng thời, kỹ năng đàm phán, thương lượng, giải quyết tình huống kinh doanh, đặc biệt các kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng cụ thể về các vấn đề thanh toán quốc tế, bảo hiểm ngoại thương, tranh chấp trong thương mại quốc tế,… chính là những hành trang cần thiết mang tính chiến lược của các cử nhân kinh doanh quốc tế.
Cùng với sự phát triển của hoạt động kinh doanh và đầu tư quốc tế, các chuyên gia về tuyển dụng cơ bản thống nhất nhân sự ngành kinh tế quốc tế và kinh doanh quốc tế có rất nhiều lựa chọn về việc làm trong các ngành như Ngoại giao, Hậu cần, Vận tải quốc tế, hàng không; Xuất nhập khẩu; Nghiên cứu thị trường/marketing quốc tế; Quản trị chuỗi cung ứng; Tư vấn đầu tư quốc tế/xúc tiến thương mại; Thanh toán quốc tế ở các ngân hàng; Hải quan…
Người học ra trường có thể đảm nhận rất nhiều vị trí khác nhau ở các công ty và tập đoàn kinh tế, kinh doanh trong và ngoài nước. Cụ thể, người tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế có thể làm các công việc như: chuyên viên kinh doanh, xuất nhập khẩu của các đơn vị sản xuất kinh doanh, các công ty thương mại, công ty xuất nhập khẩu, văn phòng đại diện, đại lý vận tải tàu biển, hàng không, bảo hiểm, ngân hàng…
Người học ngành này cũng luôn có cơ hội thăng tiến trở thành nhà quản lý xuất nhập khẩu hay lãnh đạo tại các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế; giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về quản trị kinh doanh và kinh doanh quốc tế.
Ngoài ra sinh viên ngành Kinh tế quốc tế ra trường còn có khả năng làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; Các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi lợi nhuận; Các học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành kinh tế quốc tế.
Chuyên ngành Kinh tế quốc tế khác gì chuyên ngành kinh doanh quốc tế?
Ngành Kinh tế quốc tế | Ngành Kinh doanh quốc tế | |
Nhóm ngành | Kinh tế | Kinh doanh |
Nội dung đào tạo | Cung cấp cho học viên một nền tảng kiến thức cơ bản và có hệ thống về hệ thống kinh tế quốc tế, tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng là thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế (tài chính quốc tế).Cử nhân Kinh tế quốc tế được trang bị kiến thức và lý luận về quan hệ kinh tế quốc tế, cơ sở phân tích và hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại, đặc điểm phát triển kinh tế thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa;những vấn đề về hội nhập kinh tế, đầu tư quốc tế tại Việt Nam; đồng thời SV được trang bị các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết trong lĩnh vực thương mại, logistic và đầu tư, tài chính | Cung cấp người học kiến thức chung về quản trị kinh doanh và kiến thức chuyên môn thuộc lĩnh vực kinh doanh doanh quốc tế như đầu tư quốc tế, logistic và vận tải quốc tế, thanh toán quốc tế, marketing quốc tế, hoạch định chiến lược kinh doanh quốc tế |
Cơ hội nghề nghiệp | Sinh viên tốt nghiệp ngành này có cơ hội làm việc trong các ngành Ngoại giao, Vận tải quốc tế, hàng không; Xuất nhập khẩu; Tư vấn đầu tư quốc tế/xúc tiến thương mại.Người học ngành này cũng luôn có cơ hội thăng tiến trở thành nhà quản trị cấp cao, các nhà hoạch định chiến lược, chính sách tại các doanh nghiệp lớn, các công ty đa quốc gia. Ngoài ra sinh viên ngành Kinh tế quốc tế ra trường còn có khả năng làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; Các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi lợi nhuận; Các học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành kinh tế quốc tế. | Sinh viên tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế, có thể làm việc tại các phòng kinh doanh, phòng nghiệp vụ xuất nhập khẩu các đơn vị sản xuất kinh doanh, công ty thương mại, công ty xuất nhập khẩu, văn phòng đại diện, đơn vị dịch vụ, đại lý vận tải tàu biển, hàng không, bảo hiểm, ngân hàng ngoại thương, tập đoàn đa quốc gia, công ty kiểm toán quốc tế, công ty phân phối, hiệp hội ngành nghề cũng như các tổ chức nghiên cứu, trường ĐH trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế. |
Ngành Logictics và quản lý chuỗi cung ứng
Xét trên góc độ thị trường, Logictics là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế, là một lĩnh vực kinh doanh có đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia.
Hoạt động logistics giúp hàng hóa đến được tay người tiêu dùng và đảm bảo kịp thời nguồn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Khi nền kinh tế quốc gia hội nhập càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Logistics sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, đồng nghĩa với việc vô vàn cơ hội việc làm sẽ mở ra với các bạn sinh viên.
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển logistics Việt Nam, cho đến năm 2019, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.
Sinh viên học ngành này được trang bị các kỹ năng chung căn bản của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, gồm:
– Tham gia lập và triển khai kế hoạch nghiên cứu, phát triển và kế hoạch giải quyết, thực hiện và kiểm tra các vấn đề của logistics và quản lý chuỗi cung ứng, hoạt động mua hàng, quản lý nguồn cung, quản lý các đơn hàng, kho bãi, giao nhận, vận tải, tồn kho, logistics điện tử, các luồng vận động trong chuỗi của doanh nghiệp/tổ chức;
– Tham gia hoạch định chiến lược, chính sách về logistics và quản lý chuỗi cung ứng của doanh nghiệp/tổ chức, ngành, địa phương;
– Tham gia phân tích, lập chương trình và kế hoạch và các tác nghiệp logistics và quản lý chuỗi cung ứng, hoạt động mua hàng, quản lý nguồn cung, quản lý các đơn hàng, kho bãi, giao nhận, vận tải, tồn kho, logistics điện tử, các luồng vận động trong chuỗi của sản phẩm/nhóm sản phẩm, của doanh nghiệp/tổ chức;
– Tham gia triển khai, tổ chức, phát triển, quản trị hoạt động logistics và chuỗi cung ứng, hoạt động mua hàng, quản lý nguồn cung, quản lý các đơn hàng, kho bãi, giao nhận, vận tải, tồn kho, logistics điện tử, các luồng vận động trong chuỗi của doanh nghiệp/tổ chức.
Sinh viên tốt nghiệp ngành và chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có khả năng làm việc tốt ở các bộ phận có liên quan đến hoạt động logistics và chuỗi cung ứng của các loại hình doanh nghiệp thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, của ngành và địa phương;
Các bộ phận của ngành hải quan có liên quan về giao nhận vận tải; làm việc ở các doanh nghiệp/ tổ chức cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp/ tổ chức có sử dụng dịch vụ/ có hoạt động logistics trong nước và quốc tế.
Theo Dantri