fbpx
Home Tin tuyển sinh Tuyển sinh 2017: Các địa phương tự nguyện “gánh” kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tuyển sinh 2017: Các địa phương tự nguyện “gánh” kỳ thi tốt nghiệp THPT

0

Rất nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương muốn được có quyền tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT chứ không gộp kỳ thi với tuyển sinh đại học, cao đẳng như 2 năm vừa rồi.

Sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2016 kết thúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến của các địa phương và trường đại học, cao đẳng về phương án thi cử năm sau. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đa số các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương thích được tự tổ chức thi và xét tốt nghiệp (có thể theo đề chung của Bộ) còn phần lớn trường cũng mong muốn được tự chủ trong tuyển sinh.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho rằng việc quay lại thời “2 kỳ thi” phù hợp với Luật Giáo dục Đại học và sự phân cấp của địa phương: “Đề thi, hướng dẫn chấm thi là do Bộ ban hành để đảm bảo sự thống nhất. Để giám sát kỳ thi này, Bộ có thể cử một đoàn thanh tra từ các trường ĐH tới giám sát, nhưng với số lượng vừa phải, không quá cồng kềnh như mọi năm.

Như năm vừa qua, mặc dù kỳ thi đã được đảm bảo tiết kiệm, gọn nhẹ, nhưng việc nhiều tỉnh có tới hai cụm thi vẫn chưa hợp lý. Hãy tin địa phương có năng lực tổ chức cũng như đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.”

Liệu năm sau phương án thi tốt nghiệp và đại học, cao đẳng có trở lại thời 2 đợt thi như những năm trước? (Ảnh: Minh họa)

Có cùng quan điểm muốn địa phương tự “gánh” việc tốt nghiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Huy Vinh chia sẻ: “Trong bản góp ý gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở cũng đề xuất nên để kỳ thi tốt nghiệp THPT cho Sở tổ chức, kỳ thi xét tuyển đại học, cao đẳng giao cho các trường tự thực hiện”.

Ông Vinh nhận định dù đã có tinh thần giản tiện trong tổ chức thi nhưng các trường khá vất vả để chọn thí sinh trong 2 năm qua. Hai kỳ thi lại có tính chất hoàn toàn khác nhau, một để công nhận tốt nghiệp, một để lựa chọn ngành nghề đào tạo.

Trong khi đó thì ông Lương Văn Việt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đánh giá việc ra đề với 2 mục đích như 2 năm qua là “làm khó” thí sinh chỉ thi để tốt nghiệp.

“Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia qua hai năm tổ chức đã có những kết quả nhất định; nhưng nếu bỏ kỳ thi này thì Chính phủ, địa phương, các trường đại học, phụ huynh học sinh… tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Bỏ kỳ thi THPT quốc gia sẽ góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm phong trào dạy thêm, học thêm, luyện thi… đang tràn lan như hiện nay”, Hiệu trưởng Đại học Thương Mại – GS Đinh Văn Sơn nói.

Dưới góc nhìn của một cựu lãnh đạo nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – GS TSKH Bành Tiến Long cũng chia sẻ ý kiến của mình về việc đổi mới phương án thi trong năm 2017. Theo ông, việc đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương là đúng chức năng nhiệm vụ của các Sở Giáo dục và Đào tạo,  là làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông thống nhất từ năm đầu cấp đến năm cuối cấp. Bằng tốt nghiệp của học sinh là kết thúc giai đoạn giáo dục phổ thông, đồng thời làm giấy thông hành cho các em trước khi thi đại học, đi học nghề, đi lao động hoặc làm các công việc khác trong xã hội. Do đó, phương án thi này sẽ vừa khiến áp lực của kỳ thi giảm bớt, vừa phù hợp với thực trạng giáo dục nước nhà hiện nay.

Dù vậy, GS Long vẫn tỏ ra băn khoăn trong việc nên nên thống nhất đề thi toàn quốc hay được phân loại khác nhau theo từng địa phương, từng vùng kinh tế và công tác ra đề nên như thế nào, giao cho ai làm.

Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng vào đầu năm học sắp tới.

Xem thêm:

Comments

comments