Bức tranh tuyển sinh năm nay cho thấy rõ nét điều này. Cho đến thời điểm chỉ còn một ngày nữa là khép lại đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng bổ sung, vẫn còn thiếu tới hàng chục nghìn chỉ tiêu đại học. Con số hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp có phải là nguyên nhân dẫn đến sự “ế” của đại học?
Tuyển sinh 2016, nhiều phụ huynh và thí sinh không còn mặn mà với con đường đại học
Áp lực chuyển về phía nhà trường
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính tới ngày 29/8 đã có 41.632 thí sinh ĐKXT bổ sung. Như vậy còn khoảng 90.000 chỉ tiêu ĐH cho đợt bổ sung này. Nhiều nhà trường đang tỏ ra lo lắng bởi thời gian không còn nhiều mà thí sinh tỏ ra thờ ơ với xét tuyển.
Thậm chí một số nguồn tin cho biết, hiện nay, nhiều nhà trường đang tổ chức gọi điện tới từng thí sinh đã đăng ký nguyện vọng trong đợt 1 xét tuyển nhưng không trúng tuyển hoặc không nộp hồ sơ xác nhận trúng tuyển để “lôi kéo” thí sinh. Một cuộc chạy đua nước rút đang âm thầm diễn ra nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan.
Nhìn nhận về những đổi mới trong công tác xét tuyển năm nay, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, so với năm 2015 áp lực tuyển sinh đã phần nào được chuyển từ phía thí sinh, phụ huynh sang cho các trường. Các thí sinh được quyền lựa chọn 2 trường mỗi trường 2 nguyện vọng thay vì 1 trường 4 nguyện vọng như trước. Điều này làm tăng khả năng trúng tuyển của thí sinh, đồng thời giúp thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn được ngành học phù hợp năng lực và sở thích của mình.
Vì áp lực được chuyển hướng mà hình ảnh xét tuyển năm nay trái ngược hoàn toàn năm ngoái, nếu năm ngoái thí sinh, phụ huynh là người chạy đôn chạy đáo thì năm nay họ thảnh thơi, giờ nhà trường mới đang phải đôn đáo để chạy cho đủ chỉ tiêu, nhất là với khối trường dân lập.
Chuyển hướng tích cực trong phân luồng THPT
Trả lời câu hỏi có hay không việc cử nhân ra trường thất nghiệp đã ảnh hưởng tới tâm lý không còn “sính” đại học của thí sinh, GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng: “Theo tôi, có lẽ đó cũng là một nguyên nhân, tuy nhiên để khẳng định đây có phải là nguyên nhân cơ bản không thì cần có những nghiên cứu, khảo sát một cách kỹ lưỡng và toàn diện, đầy đủ về diễn biến thị trường lao động gần đây mới có thể kết luận được.
Để nhìn nhận và đánh giá tác động của phía “cầu” tới “điểm cân bằng thị trường” phải nhìn trong mối quan hệ với phía “cung”. Nếu nhìn nhận theo yếu tố “co dãn” của thị trường thì xu thế tác động của “cầu” từ phía thị trường lao động thường sẽ diễn biến từ từ, không có phản ứng nhanh và mạnh như tác động từ phía “cung”.
Có một xu hướng hiện nay là nhiều thí sinh không lựa chọn đại học mà chuyển hướng sang học nghề, điều này thể hiện ngay trong số lượng thí sinh đăng ký thi THPT chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp tăng mạnh trong năm nay. Ngoài ra còn khá nhiều thí sinh có đăng ký để lấy kết quả đại học nhưng cũng chỉ dùng kết quả đó để học nghề.
Lí do là học nghề thời gian ngắn, ít tốn kém, ra trường dễ kiếm việc làm. Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, xu hướng học nghề đang ngày một gia tăng là xu hướng tích cực, một kết quả tốt trong phân luồng sau trung học phổ thông ở nước ta hiện nay.
“Cùng với sự phát triển ngày càng hoàn thiện hơn của thị trường lao động, tinh thần “khởi nghiệp” của lớp trẻ, các phụ huynh và thí sinh ngày càng có sự lựa chọn phù hợp hơn, không cố sức vào đại học nữa mà đã cân nhắc rất cẩn thận việc học cấp nào, trường nào, ngành gì…” – Ông Đạt khẳng định.
GS.TS Trần Thọ Đạt: Về học phí, rõ ràng đây cũng là nhân tố quan trọng tác động đến quyết định có nên học đại học hay không. Mặc dù xu thế tăng học phí, thậm chí tăng mạnh là khó tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay, nhưng qua các buổi thông tin tuyển sinh của Trường đại học Kinh tế Quốc dân, chúng tôi nhận được ít ý kiến thắc mắc về việc tăng học phí mạnh hay học phí quá cao. Dường như sự rõ ràng trong “lộ trình” học phí là yếu tố quan trọng hơn đối với thí sinh và phụ huynh |
Theo Dân trí