fbpx
Home Tin tuyển sinh Tư vấn tuyển sinh ĐH Ngoại thương 2019: Học ngành nào để có cơ hội làm giám đốc?

Tư vấn tuyển sinh ĐH Ngoại thương 2019: Học ngành nào để có cơ hội làm giám đốc?

0
Tư vấn tuyển sinh ĐH Ngoại thương 2019: Học ngành nào để có cơ hội làm giám đốc?

Tại chương trình “Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2019 – Con đường ra biển lớn” tại ĐH Ngoại thương, nhiều thí sinh đặt ra câu hỏi, muốn làm giám đốc thì nên học ngành nào?

Chiều 7/4, ĐH Ngoại thương đã tổ chức chương trình “Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2019 – Con đường ra biển lớn” để trao đổi, cung cấp những thông tin cần thiết cho thí sinh trước khi nộp hồ sơ đăng kí dự thi vào trường. Sự kiện thu hút khoảng 1.500 thí sinh và phụ huynh cùng tới tham dự để nghe tư vấn. 

Học ngành gì của ĐH Ngoại thương để có cơ hội làm giám đốc?

– Cơ chế ưu tiên xét tuyển của ĐH Ngoại thương trong năm 2019 đối với những thí sinh đạt giải các cuộc thi Học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi Khoa học kĩ thuật quốc gia như thế nào?

TS Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo (ĐH Ngoại thương): Trong năm 2019 nhà trường vẫn áp dụng chế độ ưu tiên xét tuyển tương tự như năm trước. Cụ thể, đối với các thí sinh đạt giải quốc gia mà không áp dụng chế độ tuyển thẳng vào ngành liên quan (VD: Thí sinh không tuyển thẳng vào ngành Ngôn ngữ Anh khi đạt giải quốc gia môn Tiếng Anh), thí sinh có thể lựa chọn chế độ ưu tiên xét tuyển. 

Những em đạt giải Nhất sẽ được cộng 4 điểm, giải Nhì được cộng 3 điểm, giải Ba được cộng 2 điểm và giải Khuyến khích được cộng 1 điểm. Đấy là chế độ dành cho các thí sinh đạt giải trong cuộc thi Học sinh giỏi quốc gia hoặc Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia. 

– Em xem các chương trình truyền hình như “CEO – Chìa khóa thành công” hay “Thương vụ bạc tỉ” em rất thích hoạt động về kinh doanh. Em thích như vậy thì học ngành Quản trị kinh doanh có phù hợp không, cơ hội làm giám đốc của em có cao hay không?

PGS.TS Lê Thái Phong, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh (ĐH Ngoại thương): Ước mơ đó của các em cũng đáng khuyến khích vì chúng ta đang trở thành quốc gia khởi nghiệp. 

Để khởi nghiệp được, trở thành giám đốc thì ta phải học. Chương trình học phù hợp nhất có lẽ là Quản trị kinh doanh. Ngành này nhà trường đang đào tạo 3 cấp độ chương trình tiêu chuẩn chất lượng cao và chương trình tiên tiến. 

Trong đó, chương trình tiêu chuẩn được tiệm cận với chương trình tiên tiến. Tức là như các chương trình hiện đại nhất được giảng dạy tại ĐH Havard hay các trường nổi tiếng khác trên thế giới. 

Học khoa Quản trị kinh doanh của ĐH Ngoại thương, các em sẽ được học kiến thức, kĩ năng để làm kinh doanh, các thầy cô sẽ rèn các em có thái độ để trở thành nhà kinh doanh. Trong năm nay, các em sẽ được học 4 chuyên sâu trong đó có khởi sự, đổi mới sáng tạo, đổi mới quản trị và khởi sự kinh doanh. 

Các kiến thức liên quan đến khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp từ đầu các em sẽ được trang bị đầy đủ. 

Tuy nhiên, tôi chia sẻ một cách chân thành là khó có thể trở thành giám đốc ngay lập tức mà cần phải có quá trình dài lâu. Các bạn phải có đam mê, có trải nghiệm giúp các em có được bản lĩnh để có thể khởi nghiệp và có thể trở thành một CEO (giám đốc) giỏi trong tương lai. 

– Thí sinh đạt mức điểm từ 19 – 22 điểm tổ hợp khối A (Toán, Vật lí, Hóa học) thì có cơ hội đỗ vào ĐH Ngoại thương năm 2019 hay không, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là bao nhiêu?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: Mức điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phụ thuộc vào phổ điểm thi của từng năm. Điểm chuẩn năm nay sẽ phụ thuộc vào đề thi và nhiều yếu tố khác. 

Mức điểm chuẩn của ĐH Ngoại thương thường đứng ở những tốp trường có điểm chuẩn cao. Điểm chuẩn của hai cơ sở Hà Nội và TP HCM của ĐH Ngoại thương thì cũng tương đương. Duy nhất có cơ sở Quảng Ninh của nhà trường có mức điểm chuẩn thấp hơn. Tuy nhiên, cơ sở Quảng Ninh năm nay chỉ có 150 chỉ tiêu, chủ yếu là hai cơ sở còn lại. 

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm thông thường đạt khoảng 97%. Đa số sinh viên có cơ hội kiếm được việc làm ngay từ khi còn đang học trong trường chứ chưa tốt nghiệp. Điểm mạnh của ĐH Ngoại thương chính là sự gắn kết giữa đào tạo trong nhà trường với nhu cầu của doanh nghiệp. 

Học ngành nào cũng có thể có thu nhập tốt, miễn sao các em phải trở thành những chuyên gia trong từng lĩnh vực nhất định. Trường luôn quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp ngay từ khi các em còn đang học. 

ĐH Ngoại thương đã thành lập một trung tâm khởi nghiệp có nhiệm vụ hỗ trợ cho các em sinh viên trong quá trình khởi nghiệp. Các em được hỗ trợ cả về mặt chuyên môn, tài chính, mời chuyên gia tư vấn ở các nơi về hỗ trợ. Trung tâm khởi nghiệp còn thu hút sự tham gia của sinh viên trong nước và quốc tế. 


Comments

comments