Con số 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp được đưa ra mới đây của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã khiến không ít người “choáng váng”. Vậy xu hướng tăng giảm nhân lực trong các khối ngành như thế nào? Bài viết dưới đây xin đưa ra một số phân tích để các sĩ tử có cái nhìn thực tế hơn nhằm chọn đúng ngành học phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội.
Theo Bản tin cập nhật thị trường số 7 ngày 24/12/2015 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động đã giảm xuống còn 2,42%, tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) lại tăng lên mức 7,3%. Trong đó, báo động là con số 225.500 cử nhân và người có trình độ sau đại học đang trong tình trạng thất nghiệp.
Tỉ lệ thất nghiệp đáng quan ngại
Số liệu thống kê từ bản báo cáo trên cho thấy trong quý 3/2015, số lao động có trình độ đại học trở lên là 4,74 triệu người – vượt xa số lượng lao động có trình độ cao đẳng (1,73 triệu người) và trung cấp (2,85 triệu người).
Số lượng sinh viên tốt nghiệp và tham gia vào thị trường lao động tăng vọt đã dẫn đến một hệ quả: Tỉ lệ thất nghiệp cao nhất lại thuộc về nhóm người trình độ cao đẳng và đại học trở lên và đáng buồn hơn, tỉ lệ này đang ngày càng cao. Cụ thể: Nhóm trình độ cao đẳng nghề tăng từ 4,76% lên 7,95%; cao đẳng chuyên nghiệp tăng từ 6,79% lên 7,93%; đại học trở lên tăng từ 4,6% lên 4,88%. Những nhóm trình độ với bằng cấp, chứng chỉ khá đều có tỉ lệ thất nghiệp thấp và cho thấy chiều hướng giảm.
Biểu đồ: Số lượng thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo trình độ chuyên môn kĩ thuật, quý 2/2015 và quý 3/2015. (Đơn vị: Nghìn người)
Tỉ lệ thất nghiệp đáng lo ngại của nhóm trình độ cao đẳng, đại học trở lên đã vẽ ra bức tranh cung – cầu còn nhiều điểm tối hiện nay. Trong khi các doanh nghiệp đang ngày càng chú trọng những lao động có tay nghề thành thạo và khả năng “làm được việc” thì một số lượng lớn các cử nhân hiện nay lại không đáp ứng được điều đó. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều phụ huynh và học sinh còn nặng tâm lí trọng bằng cấp, coi bằng Đại học là sự bảo chứng hoàn hảo cho năng lực của mỗi cá nhân, mang lại địa vị cao trong xã hội, mà không nhận thức được rằng tấm bằng Đại học giờ đây chỉ như một hành trang “cần” có của mỗi cử nhân. Yếu tố then chốt quyết định việc một người có được tuyển hay không là nằm ở kĩ năng thực tiễn cho công việc – một điều gây khó khăn không nhỏ cho những sinh viên học ngành không phù hợp hoặc chỉ học thiên về lí thuyết khi ngồi trên ghế nhà trường.
Những ngành học có nguy cơ thất nghiệp cao
Kế toán – Kiểm toán, Tài chính – Ngân hàng
Cả nước hiện có hơn 1800 cơ sở giáo dục có mở ngành đào tạo về Kế toán – Kiểm toán, Tài chính – Ngân hàng. Tuy thống kê những năm qua đều cho kết quả dư thừa nhân lực ở những ngành nói trên, các trường vẫn tuyển sinh với chỉ tiêu ở mức cao (thường từ 200 – 500 chỉ tiêu), thậm chí năm 2016 một số trường còn có kế hoạch mở thêm các ngành này như Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (đều mở thêm ngành Kế toán).
Về phía ngành Kế toán – Kiểm toán, nhu cầu lao động của ngành trong quý 2/2015 đạt mức cao nhất (25,44%) và duy trì vị trí này trong quý 3 với tỉ lệ 22,1%.
Đối với ngành Tài chính – Ngân hàng, theo báo cáo quý 2/2015, Nhân viên ngân hàng nằm trong top đầu những nghề khó tìm việc làm nhất, cùng với Nhân viên hành chính – văn phòng, Kế toán, Hóa dầu, Sinh học… Nguyên nhân phần lớn nằm ở thực tế hiện nay khi mà nhiều doanh nghiệp và ngân hàng đã liên tục thực hiện cắt giảm nhân sự do tình hình kinh tế khó khăn, trong khi số sinh viên theo học và tốt nghiệp ngành Tài chính – Ngân hàng vẫn không hề giảm.
Giáo dục – Đào tạo
Với mức điểm tuyển sinh đầu vào không quá cao (thậm chí còn thấp ở nhiều cơ sở giáo dục địa phương), ngành Sư phạm luôn thu hút đông đảo thí sinh đăng kí dự thi. Tuy nhiên, con số 35.000 cử nhân sư phạm không tìm được việc làm sau khi ra trường của năm 2014 cộng với số lượng nhà giáo tương lai đã và sắp tốt nghiệp trong 2 năm 2015 và 2016 sẽ khiến những sĩ tử năm nay phải cân nhắc thật kĩ. Số người có việc làm trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo đã tăng 121,500 người vào quý 1/ 2015, nhưng điều này không có nghĩa là thị trường lao động sẽ mở rộng đón chào những tân cử nhân tiếp theo, bởi nhu cầu việc làm không tăng nhiều do chính sách tinh giản biên chế của ngành giáo dục.
Học ngành nào dễ xin được việc làm?
Trái ngược với cảnh khan hiếm việc làm cho cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp các khối ngành kinh tế, nhóm nghề kĩ thuật cần nguồn nhân lực thành thạo kĩ năng lại đang thiếu lao động trầm trọng, ví dụ như các nghề kỹ sư cơ khí, bảo trì, thợ hàn, vận hành dây truyền (11,2%); lao động quản lý chất lượng, thủ kho, nhân viên kỹ thuật (8%). Bên cạnh đó, những nghề không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao (mức cao đẳng, đại học) như nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng, giám sát bán hàng tại siêu thị, nhân viên tư vấn tài chính tín dụng cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển người bởi nhiều sinh viên khi ra trường có xu hướng nộp hồ sơ vào những vị trí cao để “tương xứng với bằng cấp” mà không màng đến những ngành kể trên.
Các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ và Kĩ thuật cũng đang đòi hỏi nguồn nhân lực lớn theo đà phát triển của nền kinh tế tri thức và nền tảng hạ tầng công nghệ tại Việt Nam. Kéo theo đó, những ngành mới như Kĩ thuật thương mại, Quản trị viên cho khối ngành kĩ thuật cũng được ra đời, hứa hẹn cơ hội việc làm rộng mở trong những năm tiếp theo.
Ngoài ra, Tâm lí học cũng là ngành cần bổ sung nhân lực trong thời gian tới. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành cán bộ chăm sóc tâm lí tại các trường học hoặc chuyên gia Tâm lí học tham vấn, Tâm lí học trị liệu. Thí sinh quan tâm có thể tìm hiểu về ngành này tại các cơ sở giáo dục có tiếng như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Tâm lí thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội.