Cộng điểm ưu tiên không phải là chính sách bất di bất dịch, đến lúc không phản ánh đúng sự chênh lệch vùng miền thì sẽ phải thay đổi, các khách mời chia sẻ tại bàn tròn“Thấy gì từ biến động xét tuyển đại học năm 2017?”.
Tại sao 29 – 30 điểm vẫn trượt đại học?
Kỳ tuyển sinh đại học 2017 đã kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên với biến động điểm chuẩn kỷ lục cao chưa từng thấy. Nhiều băn khoăn về điểm chuẩn, điểm ưu tiên, cơ chế ra đề đã được mổ xẻ tại bàn tròn trực tuyến “Thấy gì từ kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học” vừa diễn ra tại VietNamNet ngày 4/8
Bàn tròn có sự tham gia của 3 khách mời:
-Ông Phạm Tất Thắng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
-Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT
-Bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa quý vị và các bạn, câu hỏi đầu tiên tôi xin được chia sẻ cùng bà Phụng, đại diện từ Bộ GD-ĐT. Thưa bà, bà lý giải thế nào về mức điểm trúng tuyển năm nay cao nhất trong nhiều năm, thí sinh gần 10 điểm mỗi môn vẫn trượt đại học?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trước khi nói về vấn đề đó, chúng ta phải thấy rằng kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đã được đánh giá thành công. Các trường ĐH, địa phương, thí sinh phụ huynh rất hài lòng với kết quả được công bố. Điều này được Thủ tướng Chính phủ đánh giá trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây.
Đi vào vấn đề chi tiết tại sao có hiện tượng điểm cao vẫn trượt? Ở đây, chính xác phải nói là điểm cao nhưng không trúng tuyển NV1. Năm nay, thí sinh được đăng ký không giới hạn và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi. Vì cơ chế đó, hầu hết thí sinh điểm cao có xu hướng đăng ký trường tốp cao, sau đó mới đăng ký NV vào các trường thấp hơn. Thí sinh điểm cao tập trung đăng ký số ít vào trường tốp cao dẫn đến các trường này điểm trúng tuyển cao vượt lên.
Lý do thứ 2 có thể thấy là năm nay thi môn trắc nghiệm. Thi trắc nghiệm, nói theo cách đại chúng, thì dễ gỡ điểm hơn bởi lẽ đáp án đúng nằm ngay trong câu trả lời rồi. Những câu trắc nghiệm rải trong suốt chương trình, thí sinh học đều thì có thể làm được bài thi, khác với tự luận thì câu hỏi khó chỉ rơi vào một vài phần và thí sinh phải học đúng phần đó mới làm được.
Năm nay, chỉ tiêu khối công an, quân đội giảm đáng kể so với năm trước. Mọi năm khối này thu hút khá nhiều thí sinh điểm cao. Năm nay, các trường công an không lấy hệ cao đẳng từ thí sinh phổ thông. Theo thống kê, chỉ tiêu khối công an giảm 54% chỉ tiêu, quân đội giảm 32% chỉ tiêu. Tất cả thí sính điểm cao chỉ còn đi vào cửa hẹp như công an, quân đội, ngoại thương, hay trường y danh tiếng nên ở các trường này điểm cao vượt lên.
Những trường hợp nói 30 điểm vẫn trượt thì chỉ ở một vài ngành công an, quân đội và đối tượng là nữ, vì những trường này lấy rất ít nữ.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Phạm Tất Thắng, ông nghĩ một kỳ thi thành công như vậy với những thông tin mà chúng ta tuyên truyền trong thời gian qua đã đủ làm cho các thí sinh, phụ huynh và xã hội an tâm hơn chưa?
Ông Phạm Tất Thắng: Phải nhìn nhận rằng rất khó để làm yên lòng xã hội, tất cả nhân dân và thí sinh. Chúng ta cơ bản tạo được sự đồng tình của phần lớn người dân, xã hội và tạo nên những hiệu ứng tốt như kỳ thi đã giúp thí sinh và phụ huynh và toàn xã hội tiết kiệm, giảm việc đi lại vất vả, hơn một nửa số trường đã tuyển đủ thí sinh trong NV1… đã là một sự thành công.
Những cái chúng ta cần rút kinh nghiệm thì chị Phụng cũng đã trao đổi.
Cộng điểm ưu tiên để đảm bảo công bằng trong giáo dục
Nhà báo Phạm Huyền:Một vấn đề đáng quan tâm hơn không chỉ là điểm chuẩn cao mà cơ chế cộng điểm khu vực cộng điểm ưu tiên, khu vực, điều này cũng gắn liền với chính sách công bằng trong giáo dục. Năm 2015 Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp với các bên liên quan thảo luận về vấn đề này, đến nay kết quả ra sao? Xin hỏi Bộ GD-ĐT đã có nghiên cứu gì để minh chứng cho việc cần tiếp tục giữ/hoặc nên sửa đổi chính sách cộng điểm ưu tiên?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Chúng ta phải thấy rằng chính sách ưu tiên là cần thiết trong điều kiện vùng miền khác nhau về điều kiện học tập, điều kiện sống, đối tượng khác nhau có điều kiện khác nhau khi phát triển con đường học tập. Chính sách ưu tiên đảm bảo những đối tượng khác nhau ở các nhau địa bàn khác nhau bình đẳng với nhau về cơ hội vào trường mình yêu thích.
Vấn đề ưu tiên thực chất được nói đến từ các năm trước. Chúng tôi đã có những cuộc họp với các bên liên quan, bởi chúng ta hiểu rằng, chính sách ưu tiên là chính sách của Nhà nước chứ không phải của ngành giáo dục. Để xác định chính sách ưu tiên chúng tôi bàn nhiều với UB Dân tộc, Bộ LĐTB-XH, cũng như với các địa phương khó khăn để xác định đối tượng, khu vực nào được ưu tiên.
Trên cơ sở đó, đến nay phân thành 4 khu vực được ưu tiên, và 7 đối tượng ưu tiên và nội dung đó phân các đối tượng này thành các thứ bậc khác nhau với các mức điểm cho phù hợp.
Chúng tôi cũng thấy rằng, điều kiện chênh lệch giữa các vùng miền sẽ thay đổi theo thời gian. Đến lúc nào đó chính sách ưu tiên có khảo sát, nghiên cứu lại để phải điều chỉnh. Tuy nhiên để quyết định chính sách phải có nhiều căn cứ, chúng ta không thể chỉ nghe mà quyết định.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, với chính sách cộng điểm ưu tiên như hiện nay, có những ttường có tỉ lệ trúng tuyển hơn 70% ưu tiên, chỉ 30% đỗ mà không có cộng điểm ưu tiên. Bà nghĩ thế nào về hiện tượng tạm gọi là hơi bất công cho các em học sinh ở thành phố, khi các em không được cộng điểm nào, phải học thật, thi thật, còn các em khu vực khác điểm cộng chiếm tỉ trọng rất lớn, đóng vai trò gần như quyết định đến kết quả xét tuyển?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Con số đó nghe có vẻ lớn,nhiều người quan niệm rằng chỉ nên có số ít được ưu tiên đỗ vào trường sẽ không chấp nhận được. Thực ra, đối tượng không ưu tiên chỉ là thí sinh ở các quận nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.
Còn đối với các tỉnh, có 2 khu vực ưu tiên là nông thôn và khu vực 2 nông thôn, khu vực miền núi. Tổng cộng chúng ta có 4 khu vực ưu tiên. Ba khu vực còn lại tỉ lệ lớn hơn nhiều so với khu vực 3. Cho nên chúng ta thấy 60-70% vào trường có điểm ưu tiên thì cũng tương quan với tỉ lệ số thí sinh được ưu tiên và không được ưu tiên.
Ông Phạm Tất Thắng: Về mặt quốc gia là chúng ta phải thực hiện việc bố trí và quy hoạch nguồn nhân lực. Thế nên khi ưu tiên theo 4 nhóm như vậy, có thể dẫn đến một kết quả là chúng ta đào tạo được những cán bộ có trình độ cao mà xuất phát từ địa phương đó, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương đó. Vậy nên tôi cho rằng ngoài điều kiện học tập, đào tạo của các em ở các địa phương và khu vực là khác nhau, thì rõ ràng chúng ta áp dụng việc cộng điểm ưu tiên là cần thiết và cần duy trì.
Tuy nhiên, ở mỗi một thời điểm thì đối tượng, khu vực và tỷ lệ cộng điểm có lẽ cần cân nhắc. Ví dụ, thời gian trước đây khi mà điều kiện giữa nông thôn và thành thị rất chênh lệch thì có thể khoảng cộng đó lớn hơn, còn bây giờ điều kiện học tập và thông tingần lại thì khoảng cộng đó có thể thu hẹp.
Nhà báo Phạm Huyền: Bà Hương nghĩ thế nào nếu trường bà có nhiều thí sinh đỗ nhờ việc cộng điểm chứ không phải nhờ kết quả thi thực. Theo nghiên cứu của bà, các trường trên thế giới có cộng điểm như vậy không?
Bà Phạm Thu Hương: Như chị Phụng hay anh Thắng đã đề cập, chế độ ưu tiên là cần thiết để đảm bảo cho các bạn có khả năng tiếp cận đại học ở các điều kiện khác nhau về mặt kinh tế xã hội. Về phía Trường ĐH Ngoại thương, qua phân tích, tỷ lệ vào trường theo các khu vực tương đối đồng đều, phù hợp với việc phân bổ điều kiện học tập.
Các đại học trên thế giới cũng có những đối tượng mà họ sẽ ưu tiên để hướng tới phát triển các vùng kinh tế khác nhau của một đất nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong vấn đề này, nếu chúng ta có định kiến Trường ĐH Y Hà Nội hay Trường ĐH Ngoại thương chỉ dành cho học sinh Hà Nội là không đúng. Cơ hội đó phải mở ra đồng đều cho học sinh tất cả vùng miền.
Còn việc các trường trên thế giới có cộng điểm hay không, theo tôi biết, mỗi trường có quan niệm và nguyên lý tuyển sinh khác nhau. Nhiều nước đánh giá thí sinh là đánh giá 360 độ chứ không chỉ đánh giá bằng điểm của một kỳ thi. Ví dụ ở Mỹ hướng tới đa vùng, đa sắc tộc, công dân toàn cầu thì cũng chú ý yếu tố vùng miền, nhưng không phải bằng điểm ưu tiên mà đánh giá toàn diện. Học viên xét tuyển vào trường không bao giờ khiếu nại tôi điểm cao mà không được vào trường, người kia điểm thấp lại vào trường. Họ chấp nhận nguyên tắc tuyển sinh của nhà trường.
Ông Phạm Tất Thắng: Theo tôi, khi tuyển sinh, phải lưu ý đến hai yếu tố. Thứ nhất, phải tuyển những học sinh giỏi và yêu ngành, yêu nghề của trường đó. Thứ hai, thực hiện được những chính sách chung của Nhà nước cũng như các định hướng tuyển sinh của trường.
Vấn đề là cân bằng hai nguyên lý đó như thế nào để đảm bảo một kỳ tuyển sinh tốt, tránh hiện tượng như học sinh điểm thấp hơn lại vào trúng tuyển nhiều hơn các học sinh điểm cao. Tôi cho rằng chúng ta cần những giải pháp kỹ thuật.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà Phụng, có bạn đọc hỏi thẳng thắn rằng trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT có giảm điểm ưu tiên khu vực hay không?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Như ban đầu tôi đã nói, chính sách ưu tiên không bất di bất dịch. Đến lúc nào thấy rằng không phù hợp, không phản ánh đúng sự chênh lệch thì sẽ tính lại.
Nhà báo Phạm Huyền:Tôi hiểu nguyên tắc là đến một lúc nào đó, nhưng “một lúc nào đó” là bao giờ, năm tới hay là 5 năm nữa?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi đã nói hàng năm đều phải đánh giá chính sách đang thực hiện. Ví dụ điểm từng môn, điểm các vùng miền. Ví dụ vấn đề này năm 2015 cũng có phản ánh gần như năm nay, chúng tôi có khảo sát đánh giá qua sự phân loại các khu vực. Nhưng đến năm 2016, dư luận không có ý kiến. Đến năm nay, trong bối cảnh điểm trúng tuyển một số trường ngành cao thì vấn đề chính sách ưu tiên quay trở lại.
Trên cơ sở các ý kiến, làm việc các cơ quan có thẩm quyền, cùng với khảo sát, chúng tôi sẽ có các kết luận.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Thắng, ông nghĩ thế nào về câu chuyện các cơ chế điểm cộng cho khu vực ưu tiên đã đặt ra không chỉ năm nay mà 3 năm rồi. Với tất cả diễn biến, phản ánh từ dư luận vừa qua như vậy, liệu đã đủ để Bộ GD-ĐT cần phải sửa đổi nghiên cứu ngay trong thời gian sớm nhất, có thể là năm sau?
Ông Phạm Tất Thắng: Quan điểm về mặt xây dựng chính sách như chị Phụng vừa nói, một chính sách không phải là bất di bất dịch, trong thời gian dài mà được ban hành đề phục vụ cho mục tiêu ở một giai đoạn nào đó. Khi mục tiêu đó thay đổi hoặc điều kiện thực tế thay đổi thì chúng ta phải thay đổi chính sách.
Theo Vietnamnet