fbpx
Home Học đường Trường ĐH cấm sinh viên “nói xấu” nhà trường, giảng viên trên mạng xã hội

Trường ĐH cấm sinh viên “nói xấu” nhà trường, giảng viên trên mạng xã hội

0
Trường ĐH cấm sinh viên “nói xấu” nhà trường, giảng viên trên mạng xã hội
Mới đây, Trường ĐH Tài chính – Marketing (TPHCM) vừa ban hành Quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường, trong đó có quy định việc nghiêm cấm sinh viên (SV) “nói xấu” nhà trường trên mạng. Nhiều SV than rằng với quy định này, SV không khác gì đi học tiểu học.

Trường ĐH ban hành quy tắc giống tiểu học?

Trường ĐH Tài chính – Marketing cho biết bộ quy tắc này là cơ sở để giám sát người học trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và các quy chế, quy định của Bộ GD-ĐT và nhà trường.

Quy tắc này quy định các chuẩn mực ứng xử phù hợp với văn hóa, đạo đức, quy định của pháp luật, những thái độ, ứng xử nên và không nên, áp dụng cho tất cả người học đang học tập tại trường này.

Trong bộ quy tắc này, đáng chú ý ở điều 6 với nội dung “Ứng xử với cán bộ, giảng viên, nhân viên trong nhà trường” nêu rõ: “Kính trọng, lễ phép, đúng mực với cán bộ, giảng viên, nhân viên trong trường. Thái độ chào hỏi, ngôn ngữ trong xưng hô thể hiện sự “tôn sư – trọng đạo”. Nghiêm cấm sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng về nhà trường; phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường…

Đồng thời mạnh dạn báo cáo và đề nghị nhà trường làm sáng tỏ mọi hành vi trù dập, đe dọa, gợi ý tiêu cực của cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường với người học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng quy định trong quy tắc này về trang phục, diện mạo của người học phải phù hợp với quy định của nhà trường, không trang điểm, ăn mặc phản cảm làm xấu đi hình ảnh của bản thân và nhà trường.

Quy tắc vừa đưa ra đã nhận được nhiều tranh luận của SV. Bạn D, một SV năm 3 ngành Du lịch kêu rằng quy định của trường cổ hủ: “Thật sự không hiểu đã là trường đại học nằm trong khối ngành Kinh tế thế mà tư tưởng sao lại cổ hủ đến vậy, tác phong không khác gì học sinh cấp 1, cấp 2”.

Tương tự, bạn M.T., SV ngành Quản trị kinh doanh cũng lên tiếng: “Chưa bao giờ thấy một trường đại học nào lại có nội quy kì cục đến như vậy. Học đại học là để lấy kiến thức, để ứng dụng cho công việc trong tương lai chứ đâu phải đến để chấm tác phong, ứng xử”.

Ngoài ra, cũng nhiều SV cho rằng việc nhà trường cấm nói xấu giáo viên, nhà trường trên mạng xã hội là điều không khả thi. “Nhà trường có đủ sức kiểm soát hết thông tin trên mạng và loại trừ khả năng tạo tài khoản giả để chơi xấu nhau giữa các SV hay không”, Tín – SV năm 2 chia sẻ. Cũng có ý kiến SV cho rằng quy định của trường quá hà khắc khiến SV không dám bày tỏ chính kiến của mình.

Chỉ là định hướng cho SV chứ không đánh giá điểm rèn luyện

TS Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng trường ĐH Tài chính – Marketing khẳng định, quy tắc ứng xử vừa ban hành, bao gồm cả việc nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội đăng tin và bình luận theo hướng tiêu cực về trường và giảng viên, là mang tính định hướng, động viên người học có ứng xử đúng đắn. Đây không phải là những quy định để nhà trường căn cứ vào đó đánh giá điểm rèn luyện hay phạt người học.

Theo ông Đạo, mục đích của quy tắc là xây dựng văn hóa của trường, giúp người học nâng cao ý thức bản thân, trách nhiệm với cộng đồng, xây dựng kỷ cương, nề nếp. Trường muốn SV chín chắn, cẩn trọng trong phát ngôn, tìm hiểu rõ ngọn ngành của mỗi sự việc khi đưa lên mạng xã hội bởi thời đại hiện nay một thông tin xấu, không đúng sự thật sẽ lan truyền rất nhanh và gây hậu quả lớn.

Trường không ủng hộ việc nói xấu giảng viên trên mạng xã hội bởi muốn góp ý, SV còn nhiều kênh khác như hòm thư trường học, các tổ chức đoàn thể, các hội nghị giữa trường và SV.

Ông Đạo cũng thừa nhận, nội quy đưa ra như vậy nhưng việc kiểm soát SV lên mạng nói xấu nhà trường, giảng viên rất khó. Do đó, những điều quy định này chỉ là để nhắc nhở SV nâng cao ý thức tự chấp hành ứng xử chuẩn mực trong trường học và trên các trang mạng.

Bên cạnh đó, theo ông nếu người học góp ý những mặt chưa được của trường hoặc cán bộ, giảng viên trên mạng với thái độ tích cực, lịch sự thì trường sẽ ghi nhận.

Theo Dantri

Comments

comments