Thầy Nguyễn Văn Thuật, giảng viên bộ môn Địa lý, ĐH Đồng Nai, cho rằng người ra đề thi Ngữ văn đã nhầm lẫn giữa yếu tố tự nhiên và thành phần tự nhiên trong câu số 2.
Ngày 25/6, gần một triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành ngày thi THPT quốc gia đầu tiên với hai môn Ngữ văn (120 phút), Toán (trắc nghiệm 90 phút).
Trong đó, đề thi môn Ngữ văn nhận được nhiều ý kiến tranh luận xung quanh hai câu nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
Đề thi có sai sót?
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, câu 2 phần đọc hiểu yêu cầu: “Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến các yếu tố nào thuộc tiềm lực tự nhiên của đất nước?”.
Giảng viên này cho rằng người ra đề đã nhầm lẫn khái niệm thành phần tự nhiên và yếu tố tự nhiên.
“Ai học địa lý cũng đều biết đất, khí hậu, địa hình, khoáng sản, biển, sông ngòi, rừng là các thành phần tự nhiên. Mỗi thành phần tự nhiên lại có các yếu tố tự nhiên. Ví dụ, nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa… là các yếu tố trong thành phần khí hậu. Như vậy, đề thi yêu cầu kể ra các yếu tố tự nhiên của đất nước trong đoạn trích nhưng đoạn trích không hề có yếu tố tự nhiên nào ngoài từ phù sa“, ông Thuật nêu ý kiến.Ông cho rằng đây là nhầm lẫn đáng tiếc, vì đề thi THPT quốc gia cho gần một triệu sĩ tử phải chính xác về khái niệm khoa học.
Theo thầy Thuật, vì đề nhầm lẫn nên dù thí sinh không kể được yếu tố tự nhiên nào, người chấm cũng phải cho một nửa số điểm của câu này. Trường hợp thí sinh kể được từ phù sa thì phải cho số điểm tối đa của câu đó, vì các em quá giỏi.
Ngoài ra, giảng viên này còn lưu ý hai cụm từ tiềm lực tự nhiên và nguồn lực tự nhiên. Theo ông, từ điển và môn Địa lý không dùng tiềm lực tự nhiên mà chỉ dùng nguồn lực tự nhiên.
“Đề thi cấp quốc gia không nên dùng những từ lạ, đánh đố thí sinh như thế”, ông Thuật nói.
Thí sinh vẫn có thể hiểu đề
Trái với ý kiến của ông Thuật, một giáo viên Địa lý ở trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (đề nghị giấu tên) khẳng định đề thi không sai sót.
Cô giáo này lý giải hai khái niệm yếu tố tự nhiên và thành phần tự nhiên giống nhau, đều là bộ phận lớp vỏ cảnh quan, địa lý. Như vậy, với câu hỏi “Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?”, khoáng sản, châu báu, rừng, phù sa, … đều phù hợp yêu cầu.
Cùng ý kiến với giáo viên trên, cô Trần Thị Thái, từng là giáo viên môn Địa lý trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho rằng lâu nay, học sinh vẫn hiểu yếu tố tự nhiên và thành phần tự nhiên là như nhau và khoáng sản, sông ngòi, rừng, biển… vẫn được hiểu là yếu tố tự nhiên.
“Riêng nguồn lực tự nhiên hay tiềm lực tự nhiên, thầy cô và học sinh vẫn quen dùng nguồn lực tự nhiên hơn. Tuy nhiên nếu dùng tiềm lực tự nhiên vẫn chính xác, chỉ là ít dùng hơn mà thôi”, cô Thái nói.
Đề thi còn hạn chế
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Văn học, ý kiến dưới góc độ khái niệm địa lý của ông Thuật có thể đúng, có thể sai nhưng trong trường hợp một đề thi Ngữ văn thì không phải điều gì quá quan trọng, không ảnh hưởng cách hiểu đoạn thơ. Vì thế, không nên xét nét quá chi tiết về kiến thức khoa học địa lý trong đề thi Ngữ văn.
Tuy nhiên, người này cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay có hạn chế lớn ở phần đọc hiểu.
“Người ra đề dường như không phân biệt được đề đọc hiểu văn bản văn học khác yêu cầu đọc hiểu các kiểu loại văn bản khác như thế nào. Điều không ổn nhất là các câu hỏi trong phần đọc hiểu không bám vào đặc trưng của thể loại thơ”, ông nêu quan điểm.
Theo chuyên gia này, thay vì yêu cầu thí sinh đọc hiểu một đoạn thơ, người ra đề lại sa vào việc yêu cầu thí sinh đọc hiểu như một văn bản thông tin. Đề sa vào việc hỏi về nhiều nội dung, kiến thức xã hội một cách không cần thiết hoặc ít giá trị.
Chẳng hạn: Câu 1 hỏi đây là thể thơ nào chẳng có ích gì. Học sinh biết điều này để làm gì? Trong khi đó, đặc trưng quan trọng nhất trong thơ phải hiểu là cái tôi trữ tình, chủ thể trữ tình của đoạn thơ, tức là học sinh cần hiểu ai là người phát ngôn trong đoạn thơ này? Mạch cảm xúc và cảm hứng chủ đạo ở đây là gì? Người ấy muốn nhắn gửi điều gì ẩn kín trong đoạn thơ?
Thứ hai là sự độc đáo trong cách thức biểu đạt, cần hiểu nhà thơ đã dùng hình thức nào (câu chữ, biện pháp tu từ…) để nói lên tâm tư và gửi gắm thông điệp cần nói. Cách biểu đạt đó có gì đặc biệt, độc đáo thì lại không được chú ý đúng mức trong yêu cầu đọc hiểu văn bản văn học. Không phải là hỏi tất cả nội dung vừa nêu mà phải lựa chọn trong đó để nêu câu hỏi thì mới đúng yêu cầu của đọc hiểu văn bản văn học.
Mặt khác, TS Trịnh Thu Tuyết – cựu giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, cho hay đề thi có phần một đưa ra ngữ liệu đọc hiểu là đoạn trích trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy – một đoạn thơ từ thập kỷ 80, không chỉ giữ được tính thời sự mà còn có thể chạm tới những trăn trở, suy ngẫm của con người thời hiện đại với tiềm lực/thực tế tiềm lực/thực tế khả năng phát triển tiềm lực của đất nước.
Ngoài 3 câu hỏi đầu khá đơn giản với học trò ở mức độ nhận biết và thông hiểu, câu hỏi 4 có lẽ đặt ra vài suy ngẫm. Cụm từ lệnh trong câu 4 “có còn phù hợp với…” là câu lệnh có tính định hướng khiến học sinh có thể nhận ra ý nghĩa phủ định/phản biện với quan điểm của tác giả trong đoạn thơ “ta ca hát…/tiềm lực còn ngủ yên”.
Vì vậy, tính định hướng sẽ làm giảm phần nào tính tích cực, chủ động của học sinh trong tư duy. Điều đó sẽ thay đổi nếu câu hỏi xóa bỏ từ “còn” trong câu lệnh. Khi đó, học sinh sẽ được phép trình bày những suy nghĩ của mình một cách chủ động nhất mà không phải băn khoăn đến yếu tố “định hướng”.
Nội dung giải thích “vì sao” ở vế sau của câu hỏi sẽ có thể đưa tới những ý kiến trái chiều của học trò về tiềm lực và thực trạng “đánh thức tiềm lực” của đất nước.
Đáp án có chấp nhận những ý kiến tâm huyết đó không khi học sinh có thể đề cập tình trạng chảy máu chất xám (tiềm lực con người)/tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng, biển, sông, đồng… của quê hương đất nước? Đáp án có cho điểm không nếu trò nói câu thơ của Nguyễn Duy không còn phù hợp vì không còn tiềm lực gì để đánh thức?
Theo TS Tuyết, câu nghị luận văn học đã đề cập những vấn đề cơ bản của 2 tác phẩm. Tuy nhiên, cách diễn đạt vấn đề nghị luận lại vi phạm tiêu chí logic khi các hình ảnh đối lập trong cả 2 tác phẩm đều không đặt cùng trên một hệ quy chiếu so sánh. Đó là yêu cầu so sánh sự đối lập giữa chiếc thuyền và gia đình hàng chài; giữa phố huyện và đoàn tàu. Sự thiếu logic đó sẽ làm giảm tính mạch lạc, hệ thống trong việc triển khai các luận điểm trong bài làm của học trò.
Đề thi hoàn toàn có thể thay bằng cách diễn đạt logic khi yêu cầu học trò phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của ngoại cảnh khi chiếc thuyền ở ngoài xa và bức tranh hiện thực cuộc sống khi chiếc thuyền tới gần. Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa thế giới của phố huyện lúc đêm khuya và “thế giới khác” mà đoàn tàu đem đến để nhận xét về cách nhìn hiện thưc của hai tác giả.
Theo Zing