fbpx
Home Học đường Tranh luận về kiến nghị cho học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3

Tranh luận về kiến nghị cho học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3

0
Tranh luận về kiến nghị cho học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3

Trong khi một số phụ huynh cho rằng chưa hết dịch, học sinh nghỉ hết tháng 3 là hợp lý, nhiều người khác lại đánh giá kiến nghị của TP.HCM “không cần thiết”.

Chiều 20/2, sau khi đọc tin TP.HCM kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên đến hết tháng 3 và điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, cô Hồng Mai (giáo viên tiểu học ở Lâm Đồng) nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ phụ huynh. Họ lo sợ nếu kiến nghị này được chấp thuận, con họ không thể đi học lại vào đầu tháng 3.

“Cả tuần nay, phụ huynh nhắn tin, gọi điện hỏi tôi bao giờ cho con đi học lại. Chiều nay, họ càng lo lắng hơn, sợ nghỉ tiếp thì không biết gửi con cho ai. Tôi cũng hy vọng các em có thể đến trường vào tháng sau”, cô Mai nói.

Không cần thiết cho học sinh nghỉ hết tháng 3

Cô Hồng Mai khẳng định việc nghỉ học thời gian qua là cần thiết song hiện tại, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, các ca nhiễm được chữa khỏi và chưa xuất hiện ca mới. Do đó, nữ giáo viên cho rằng không cần thiết tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ.

Thời gian nghỉ dài khiến học sinh quên mất kiến thức. Đến khi đi học lại, trường không có đủ thời gian để ôn tập như sau kỳ nghỉ hè, trước năm học mới.

“Chúng tôi không dạy trực tuyến được vì học sinh còn nhỏ, sự tự giác, khả năng tập trung không tốt. Các em có thể lợi dụng thời gian học online để chơi nếu không có người lớn kèm cặp”, cô Mai giải thích.

Nữ giáo viên nói thêm mấy tuần qua, cô cũng như đồng nghiệp, chỉ có thể nhắn tin, đốc thúc phụ huynh cho con đọc sách, làm bài để các em không quên hết kiến thức.

Giám đốc một sở GD&ĐT tại miền Trung cũng cho rằng đề xuất của TP.HCM trong thời điểm này có phần vội vàng và không cần thiết. Đa số địa phương trên cả nước đang trong kỳ nghỉ hết tháng 2 theo đề nghị của Bộ GD&ĐT. Còn 10 ngày nữa mới hết thời gian trên, có thể đến lúc đó, TP.HCM đề xuất cũng chưa muộn. Với tình hình kiểm soát dịch bệnh như hiện nay của Việt Nam, không cần thiết phải cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3.

“Tôi nghĩ TP.HCM có lý do để kiến nghị như vậy nhưng nghỉ đến hết tháng 3 sẽ ảnh hưởng nhiều hoạt động của ngành giáo dục, nhất là kỳ thi chuyển cấp, THPT quốc gia của học sinh lớp 9 và lớp 12. Quyết định cho học sinh nghỉ thêm hay đi học lại nên dựa vào khuyến nghị của các cơ quan y tế. Thời điểm này, tôi nghĩ chưa cần thiết phải nghỉ hết tháng 3”, vị giám đốc sở nói.

Tương tự, bà Huỳnh Lệ Giang, công tác trong ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng mỗi địa phương có đặc thù. TP.HCM có lý do riêng để xin nghỉ hết tháng 3 nhưng đối với học sinh cả nước thì không cần thiết.

Theo bà, việc nghỉ hết tháng 3 sẽ ảnh hưởng kế hoạch năm học, lịch giảng dạy, thi cử của ngành giáo dục và cả thái độ của học sinh với học tập.

Cần hỗ trợ cơ sở giáo dục, giáo viên nếu nghỉ dài ngày

Thực tế, việc học sinh nghỉ dài ngày sau kỳ nghỉ Tết, dù cần thiết, vẫn ảnh hưởng cuộc sống nhiều người, đặc biệt là gia đình có con nhỏ và giáo viên hợp đồng của các trường tư thục.

Là giáo viên hợp đồng tại một cơ sở mầm non tư thục ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Nguyễn Duyên thấu hiểu những khó khăn mà đồng nghiệp và phụ huynh gặp phải vì thời gian nghỉ kéo dài.

Nhiều cha mẹ học sinh không biết gửi con ở đâu, lúng túng xoay xở để vừa đảm bảo công việc vừa chăm sóc con. Nhiều trường hợp, giáo viên trường tư không được trả lương trong thời gian nghỉ.

Thời gian qua, cô Duyên nghỉ việc không lương, cùng con nhỏ về quê để giảm bớt chi phí sinh hoạt. Đọc tin TP.HCM kiến nghị, nữ giáo viên thấy lo lắng.

“Nếu Hà Nội cũng tiếp tục cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3, một tháng tới, tôi không biết làm tạm công việc gì để có tiền trang trải cuộc sống”, cô giáo chia sẻ.

Thời gian nghỉ dài cũng gây khó khăn với các đơn vị xã hội hóa giáo dục và trung tâm tin học, ngoại ngữ. Theo bà Huỳnh Lệ Giang, các cơ sở này không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả kinh phí hoạt động.

“Nếu trường hợp tiếp tục nghỉ dài ngày do dịch bệnh, chúng ta phải tính đến phương án hỗ trợ các cơ sở này. Hiện tại, tôi thấy chúng ta đã kiểm soát dịch khá tốt, học sinh không cần thiết phải nghỉ đến hết tháng 3”, bà Giang nói.

Chưa hết dịch, nên cho học sinh nghỉ tiếp

Trái với lo nghĩ của nhiều giáo viên tỉnh, thành khác, một số thầy, cô giáo ở TP.HCM ủng hộ kiến nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trưởng THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), cho rằng lãnh đạo thành phố đã cân nhắc rất nhiều trước khi đề xuất việc này.

“Phụ huynh khoan nóng vội mà nên bình tĩnh xem xét tình hình và đặt mục tiêu an toàn sức khỏe của con em mình lên trên hết. Tôi tin rằng thành phố đề xuất như vậy cũng là căn cứ trên tình hình chung và muốn đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh”, ông Phú ý kiến.

Tương tự, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM), cũng đồng tình với đề xuất của UBND TP.HCM.

Theo thầy, hiện nay, nước ta đã chữa khỏi tất cả ca nhiễm và nhiều ngày qua chưa ghi nhận trường hợp mới, nhưng không thể vì thế mà chủ quan. Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và một số nước khác trên thế giới vẫn đang diễn biến khó lường.

“Kiến nghị của UBND TP.HCM lúc này vẫn có giá trị. Thời gian qua, chúng ta cứ cho nghỉ một tuần, hai tuần rồi lại chờ đợi thông báo mới khiến nhiều phụ huynh thấp thỏm, hoang mang, không chủ động sắp xếp được công việc”, thầy Du nói.

Về việc nhiều giáo viên trường tư thục gặp khó khăn khi không được nhận lương trong thời gian học sinh nghỉ, thầy Du cho rằng đôi khi, chúng ta phải nhận những thiệt hại nhỏ nhất vì lợi ích chung của cộng đồng.

Comments

comments