Chia sẻ tại ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức, ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: “Thực hiện nguyên tắc 3 nhóm, thí sinh khó trượt đại học!”
Xét tuyển nguyện vọng bình đẳng
2017 là năm công tác tuyển sinh Đại học có nhiều điểm mới. Bên cạnh sự thay đổi về hình thức thi, các em học sinh cũng cần lưu ý đến những vấn đề nổi bật trong nguyện vọng xét tuyển, để từ đó có cho mình những hướng đi phù hợp.
Năm nay, cơ hội vào đại học cho các em học sinh rộng mở hơn khi thí sinh được đăng ký không hạn chế nguyện vọng, số trường và số ngành. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Trần Văn Nghĩa, trong quy chế có quy định một điểm cần lưu ý: “Xét nguyện vọng tại các trường, các ngành bình đẳng”.
Xét nguyện vọng bình đẳng, tức là khi cùng xét vào một ngành, cả 3 nguyện vọng được đánh giá ngang nhau, thí sinh có điểm cao sẽ lợi thế hơn. Tuy nhiên, trong một ngành mà có nhiều thí sinh đăng ký, sau khi xem xét các tiêu chí bổ sung vẫn còn thừa thí sinh, em nào ở nguyện vọng cao hơn sẽ được lợi.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, để không mất cơ hội vào được trường/ngành ưng ý, các em học sinh cần cân nhắc kỹ càng và chỉ nên đăng ký vào trường mình thích, “Không nên coi đăng ký cho vui, đăng ký thử, trúng thì trúng, không trúng thì thôi.” càng không nên “đăng ký theo kiểu à ơi, cho xong.”
Trượt đợt một coi như trượt đại học
Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cùng lúc đăng ký dự thi. Phiếu đăng ký có hai mặt, mặt trước đăng ký dự thi, mặt sau đăng ký xét tuyển.
Bộ cho phép đăng ký xét tuyển cùng dự thi. Nhưng sau khi có kết quả thi, từ ngày 15/7 đến 23/7 thí sinh được điều chỉnh lại nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, về cơ bản, thí sinh nên xác định đăng ký chính xác ngay từ đầu, không phải điều chỉnh lại nguyện vọng là tốt nhất.
Năm nay, với nhiều điểm “mở” trong công tác xét tuyển như vậy, “Đợt 1 xét tuyển gần như các trường sẽ tuyển sinh xong. Nếu mất cơ hội trúng tuyển đợt 1, coi như thí sinh trượt đại học”, ông Trần Văn Nghĩa cho biết thêm.
Bởi vậy, việc đăng ký xét tuyển vô cùng quan trọng đối với mỗi học sinh, là nhân tố ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng sau này.
Nguyên tắc ba nhóm là gì?
Để đăng ký một lần “ăn ngay”, ngoài việc lựa chọn trường/ngành một cách nghiêm túc, ông Trần Văn Nghĩa còn khuyên các em học sinh nên tham khảo điểm chuẩn các trường những năm trước để lượng sức.
Ngoài ra, “thí sinh nên chia NV của mình thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là trên tầm khả năng của mình một chút, nếu trượt cũng không tiếc. Ví dụ, khả năng đạt 24, 25 điểm thì vẫn có thể “mơ” được vào trường năm trước lấy 26 điểm. Nhóm thứ hai là nhóm vừa sức mình nhất. Nhóm thứ ba là thấp hơn khả năng của mình để phòng trường hợp trượt cả hai nhóm trên. Thực hiện theo nguyên tắc 3 nhóm này thí sinh sẽ không bao giờ trượt.”
Đặc biệt,học sinh nên đưa ngành nào, trường nào thích nhất lên trên. Vì năm nay xét tuyển theo nguyện vọng ưu tiên và chỉ trúng tuyển duy nhất 1 nguyện vọng.
Tại buổi chia sẻ, đại diện Bộ GD&ĐT cũng có thêm lời khuyên: “Đối với bài thi tổ hợp: gồm 3 bài thi riêng rẽ của từng môn. Mỗi môn 40 câu thí sinh làm mỗi bài thi trong 50 phút. Điều lưu ý là ba bài thi đó, thí sinh cùng làm trên một phiếu trả lời trắc nghiệm tương ứng với 120 câu. Đặc biệt khi vào phòng thi, thí sinh phải chú ý mã đề thi của 3 môn trong bài thi tổ hợp. Mã đề thi của 3 môn thi trong một bài thi tổ hợp phải trùng nhau. Nếu nhận được đề thi có mã khác thì phải báo lại cho giám thị để điều chỉnh. Không báo, bài thi của các em sẽ bị máy tính mặc định mã đề thi kia và sẽ tính điểm zero, tức là các em sẽ bị trượt tốt nghiệp. Do đó, thí sinh phải đặc biệt lưu ý vấn đề này.”