Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, thí sinh chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi một khi điểm thi cao hoặc thấp hơn nhiều so với dự kiến. Nếu kết quả không lệch xa dự kiến thì không phải điều chỉnh.
Cẩn trọng đăng ký thứ tự nguyện vọng xét tuyển
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trước hết thí sinh phải hiểu rõ nguyên tắc xét tuyển năm nay. Quy chế tuyển sinh ĐH – CĐ 2017 quy định: Đối với các ngành/trường thì việc xét tuyển được thực hiện bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên giữa các NV. Nhưng đối với thí sinh thì ưu tiên trúng tuyển nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đưa ra lời khuyên cho thí sinh trường hợp nào nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
“Ví dụ thí sinh X đăng ký NV4 có kết quả thi 19,5 điểm, thí sinh Y đăng ký NV1 có kết quả 18 điểm vào ngành A. Nếu điểm chuẩn vào ngành A là 19 điểm thì thí sinh X trúng tuyển (dù đã đăng ký NV4) còn thí sinh Y trượt (dù đã đăng ký NV1). Nếu thí sinh X ngoài trúng tuyển NV4 vào ngành A còn trúng tuyển các NV2, NV5 vào các ngành/trường khác thì thí sinh này chỉ được gọi trúng tuyển duy nhất vào NV2 (NV cao nhất trong 3 NV đã trúng tuyển)”, Thứ trưởng nói.
Như vậy, điều quan trọng nhất với thí sinh là cẩn trọng sắp xếp các nguyện vọng xét tuyển theo thứ tự ưu tiên. Tức là sắp xếp các ngành/trường mà em thích học, muốn học được sắp xếp thứ tự từ cao xuống thấp.
Khi đã đăng ký vào ngành/trường nào đó rồi thì kết quả thi là yếu tố quyết định đậu vào ngành/trường đó hay không chứ không phải thứ tự ưu tiên của NV trong mối tương quan với những thí sinh khác.
Vì thế, Thứ trưởng nhấn mạnh, nếu thí sinh đã có định hướng sẵn về việc chọn ngành/trường theo thứ tự ưu tiên thì chỉ cần đăng ký NV một lần khi làm thủ tục dự thi là được mà không cần phải điều chỉnh gì sau khi có kết quả thi.
Trường hợp nào nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển
Theo Thứ trưởng Ga, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi có thể xảy ra ba trường hợp.
Thứ nhất, thí sinh có kết quả thi cao hơn nhiều so với kết quả dự kiến. “Chẳng hạn thí sinh dự kiến thi chỉ đạt được khoảng 20 điểm nên đăng ký NV vào ngành/trường có điểm chuẩn xung quanh mức điểm này, nhưng sau khi có kết quả thi, thí sinh này đạt 26 điểm nên thí sinh cần điều chỉnh các NV vào ngành/trường có mức điểm chuẩn cao hơn mà thí sinh chưa nghĩ tới trước khi thi”, Thứ trưởng nêu ví dụ.
Thứ hai, thí sinh có kết quả thi thấp hơn nhiều so với kết quả dự kiến. Nếu thí sinh nhận thấy điểm thi của mình thấp hơn dự kiến, khó có khả năng đỗ vào các nguyện vọng đã đăng ký ban đầu thì cần điều chỉnh lại nguyện vọng những trường/ngành thấp hơn để có khả năng đỗ
Thứ ba, thí sinh thay đổi ngành nghề đã chọn. “Ví dụ trước khi thi thí sinh đăng ký các ngành thuộc khối kinh tế quản lý, nay thấy khối ngành kỹ thuật phù hợp với sở trường hơn nên cần thực hiện điều chỉnh lại nguyện vọng đăng ký xét tuyển”, Thứ trưởng chia sẻ.