Dù cử nhân thất nghiệp không còn là câu chuyện hiếm gặp, tại các quốc gia phát triển, tấm bằng đại học vẫn khẳng định được giá trị nhiều mặt của nó.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây, thu nhập trong suốt một đời của những người có bằng đại học ngày càng cao hơn so với người không học đại học.
Khảo sát được tiến hành trên phạm vi các nước thành viên của OECD, vốn là những quốc gia giàu có nhất thế giới như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và nhiều nước châu Âu khác.
Bằng đại học không chỉ đem lại kiến thức mà còn mang tới lợi ích kinh tế cho sinh viên tại các quốc gia phát triển.
Theo 1843 magazine, tại những nước này, khoảng cách thu nhập giữa người có và không học đại học ngày càng lớn và đáng kể nhất là Ireland. Quốc gia này đang chứng kiến sự bất bình đẳng trong thu nhập và độ ổn định công việc giữa 2 nhóm.
Tình từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ thất nghiệp ở người dưới 35 tuổi tăng 8% ở nhóm có bằng đại học, 20% ở nhóm không có bằng đại học và đến 40% ở nhóm tốt nghiệp trung học. Chính sách thuế thu nhập của chính phủ Ireland thấp khiến vấn đề bất bình đẳng về thu nhập càng trầm trọng hơn.
Đây cũng là câu chuyện đang xảy ra ở Mỹ, Phần Lan, Anh, Pháp và Hàn Quốc. Tuy nhiên, riêng ở Mỹ, bằng đại học cũng giúp sinh viên nước này có thu nhập đáng kể. Nền kinh tế tri thức tại Mỹ đang đòi hỏi lượng lớn lao động có trình độ cùng với nhiều công việc ở Mỹ cần kỹ năng về toán học đã mang lại lợi thế cho cử nhân tốt nghiệp.
Thị trường thiếu lao động có trình độ cũng tạo ra cơ hội cho cử nhân tại các nước Đông Âu. Trong khi tỷ lệ lao động dưới 55 tuổi có bằng đại học ở các nước OECD là 25%, con số này ở nước nước Đông Âu như Ba Lan, Slovakia, Slovenia và Cộng hòa Czech chỉ khoảng 14%.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2012, Ba Lan với những nỗ lực khuyến khích người dân học đại học đã giúp tỷ lệ có bằng đại học ở độ tuổi từ 25 đến 34 tăng gấp 3 lần.