fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Địa Thi THPT Quốc gia: 30 phút “nằm lòng” tất cả các dạng biểu đồ môn Địa lý

Thi THPT Quốc gia: 30 phút “nằm lòng” tất cả các dạng biểu đồ môn Địa lý

0
Thi THPT Quốc gia: 30 phút “nằm lòng” tất cả các dạng biểu đồ môn Địa lý

Trong đề thi THPT Quốc gia môn Địa lý, bài vẽ biểu đồ luôn là câu cho thí sinh dễ “ăn” điểm nhất. Tuy nhiên khá nhiều học sinh bị “hóc” bởi bài này, các bạn hay bị lúng túng trong việc nhận biết các dạng biểu đồ.

Để chọn dạng biểu đồ, trước tiên bạn phải căn cứ vào câu hỏi. Nói cách khác bạn cần phải đọc kĩ câu hỏi. Yêu cầu của câu hỏi chính là căn cứ quan trọng hàng đầu để lựa chọn dạng biểu đồ. Thường trong đề bài vẽ biểu đồ có 4 dạng yêu cầu tương ứng với dạng biểu đồ, cụ thể:

Dạng biểu đồ thể hiện sự phát triển

Đây là dạng biểu đồ cơ bản để phản ánh sự phát triển của các hiện tượng, sự vật địa lý kinh tế – xã hội. Để thể hiện sự phát triển, ta có thể sử dụng biểu đồ cột hoặc biểu đồ đường. Thông thường khi bảng số liệu có ít năm thì người ta vẽ biểu đồ cột. Còn nếu nhiều năm thì người ta vẽ biểu đồ đường.

Hơn nữa một trong những trường hợp hay gặp là yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng và cho các số liệu trong đó có các chỉ tiêu và các đơn vị đo rất khác nhau. Với trường hợp này, ta cần phải xử lý số liệu bằng cách lấy năm đầu tiên của bảng số liệu làm mốc (tính bằng 100), từ đó lần lượt tính ra tỉ lệ các năm so với năm đầu tiên.

bieu-do-duong
Biểu đồ đường thể hiện sự tăng trưởng của nhiều đối tượng khác nhau
Dạng biểu đồ thể hiện cơ cấu

Dạng biểu đồ thể hiện cơ cấu nhìn chung không hề phức tạp. Đối với yêu cầu thể hiện cơ cấu, dạng thông dụng nhất là biểu đồ hình tròn.

Khi vẽ biểu đồ hình tròn cần phải xem xét kĩ số liệu (số liệu thường cho ở dạng tuyệt đối ta cần phải xử lý đưa về dạng tương đối – %) và chú ý đến bán kính của đường tròn. Đề bài thường cho 2 năm trở lên, nếu cho số liệu tuyệt đối, nghĩa là cần phải xử lý ra % thì bán kính đường tròn cần phải khác nhau và ngược lại nếu cho số liệu tương đối (%) thì bán kính của đường tròn có thể vẽ bằng nhau.

Bieu-do-tron
Biểu đồ tròn thể hiện rõ ràng sự khác biệt của cơ cấu trong 2 năm
Dạng biểu đồ thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu

Dạng biểu đồ này thực chất là sự biến dạng của các biểu đồ thể hiện cơ cấu. Khi chọn dạng biểu đồ vẽ cơ cấu, cần lưu ý: biểu đồ hình tròn thường nghiêng về thể hiện cơ cấu trong 1 hay 2 hoặc 3 năm; còn biểu đồ miền thực chất thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu trong một thời gian dài với nhiều năm.

Tuy nhiên, thay vì vẽ biểu đồ miền một số học sinh lại chọn biểu đồ hình tròn hay hình cột. Cách vẽ này không sai nhưng rõ ràng không phải là dạng thích hợp nhất để thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu. Ngay cả hình thức, trên trang giấy học sinh vẽ chi chít những hình tròn đã là một sự vô lí rồi. Vì thế nếu thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu qua nhiều năm mà vẽ biểu đồ tròn hay biểu đồ cột thì sẽ không được tính điểm.

Bieu-do-mien
Biểu đồ miền thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu trong nhiều năm
Dạng biểu đồ kết hợp

Dạng biểu đồ kết hợp đúng như tên gọi của nó, là dạng biểu đồ có khả năng thể hiện cả sự phát triển lẫn cơ cấu với lượng thông tin tương đối phong phú. Trong chương trình Địa lý lớp 12, phổ biến nhất là biểu đồ kết hợp giữa đường và cột.

BIỂU ĐỒ KẾT HỢP

Để vẽ đúng dạng biểu đồ kết hợp, phải dựa vào 2 căn cứ:

Trước nhất là yêu cầu của câu hỏi. Thông thường câu hỏi yêu cầu cụ thể: vẽ biểu đồ kết hợp (hoặc cụ thể hơn là vẽ biểu đồ kết hợp giữa đường và cột) và vì thế không thể lựa chọn dạng biểu đồ khác.

Sau khi chọn được dạng biểu đồ, vấn đề còn lại là xác định xem chỉ tiêu nào sử dụng biểu đồ đường và chỉ tiêu nào sử dụng biểu đồ cột. Để xác định đúng nhất chỉ có cách duy nhất là xem kĩ bảng số liệu. Về phát triển, có thể sử dụng biểu đồ đường hay biểu đồ cột, trong khi đó về các thành phần chỉ được dùng biểu đồ cột.

Với những kiến thức về vẽ biểu đồ, chúc các bạn “ẵm” được điểm 9 Địa lý trong kỳ thi sắp tới!

Theo Hoc.vtc.vn

Comments

comments