Sáng 8/9, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết dự kiến trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên năm 2017, thí sinh sẽ được lựa chọn nhiều hơn 4 nguyện vọng so với kỳ tuyển sinh năm 2016. Tỷ lệ ảo trong tuyển sinh vì thế sẽ tăng cao.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến phương án tuyển sinh 2017 sáng 8/9 ở Hà Nội, Thứ trưởng Ga thông báo đầu tháng 10, Bộ sẽ công bố đề minh họa thi THPT quốc gia 2017. Có 5 bài thi tổng hợp gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Ngoài Ngữ văn thi tự luận trên giấy, các môn còn lại sẽ thi trắc nghiệm và chấm trên máy. Trường nào muốn tổ chức thi đánh giá năng lực riêng thì phải sớm công bố kế hoạch, đề minh họa để thí sinh biết.
Năm tới, các em sẽ được đăng ký nhiều trường, nhiều nguyện vọng hơn so với 4 nguyện vọng, 2 trường như đợt xét tuyển đầu tiên 2016. Tỷ lệ ảo sẽ tăng cao hơn năm trước. Bộ dự kiến dùng phần mềm lọc ảo hỗ trợ các trường trong tuyển sinh. Phần mềm này, theo ông Ga, được chuẩn bị từ năm 2014 song các trường còn ngần ngại nên chưa áp dụng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, phương thức thi năm 2017 đã được bộ chuẩn bị có lộ trình. Ảnh: H.P. |
TS Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tỷ lệ ảo là tất yếu trong các kỳ tuyển sinh. Nhiều đại học Mỹ gọi đến 300% nhưng chỉ đạt được 60% chỉ tiêu. Phương án lọc ảo duy nhất là tuyển sinh theo phần mềm chung, sẽ đụng chạm đến quyền tự chủ của các trường, nhưng không còn cách nào khác. Nhiều nước tiên tiến châu Âu, Á, đặc biệt là Hàn Quốc cũng đã quay về đánh giá bằng 5 bài thi trọn trong một ngày. Nhưng nếu ứng dụng rộng rãi trong cả nước thì phải có lộ trình cụ thể bởi cần lượng máy tính khá lớn và chênh lệch giữa thành thị, nông thôn.
PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nhận định tăng nguyện vọng cho thí sinh sẽ tạo ra cạnh tranh giữa các trường. Lãnh đạo trường buộc thay đổi tư duy, không thể ngồi “chờ sung rụng” như trước đây mà phải “chăm sóc” thí sinh như khách hàng, tìm cách thu hút, tiếp cận và nâng chất lượng đào tạo để sinh viên dễ có việc làm sau khi ra trường, bởi đó là mối quan tâm lớn nhất của các em và gia đình hiện nay.
‘Thi đánh giá năng lực tốt cũng đạt kết quả cao khi thi THPT quốc gia’
Nhiều ý kiến băn khoăn phương án thi đề xuất cho năm 2017 căn bản dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng Bộ Giáo dục đã đánh giá về ngân hàng đề thi cũng như kết quả kỳ thi này chưa? Thứ trưởng Ga cho biết, việc thay đổi phương thức thi trước hết dựa vào kết quả kỳ tuyển sinh năm 2016. Đề thi theo hướng đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội qua 3 năm triển khai cho thấy hiệu quả, thành công, có thể áp dụng đại trà trên cả nước.
“Bộ đã có những so sánh và nhận thấy những em đạt kết quả cao trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội thì cũng đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT do Bộ tổ chức”, ông Ga nói.
Từ ngân hàng câu hỏi lớn của Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục sẽ tham khảo, lựa chọn những đề thi phù hợp với việc thi theo hai mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học. Từ nay đến trước lúc thi (khoảng tháng 6/2017), Ban đề thi sẽ tiếp tục bổ sung để hoàn thiện. Đề các môn trắc nghiệm sau buổi thi sẽ được thu hồi, thí sinh không mang ra ngoài. Các quy định này sẽ được Bộ hướng dẫn cụ thể khi ban hành quy chế thi THPT quốc gia 2017.
Các khách mời trong cuộc tọa đàm. Ảnh: H.P. |
Học sinh phải học như thế nào?
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến, nhiều học sinh đã gửi câu hỏi, bày tỏ băn khoăn thay đổi khiến các em không có thời gian chuẩn bị. Ông Ga cho biết, nội dung thi chủ yếu ở lớp 12 nên chương trình ôn tập vẫn vậy. Các trường dành khoảng 25% tổ hợp môn truyền thống cho xét tuyển. Với các bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội năm nay, các em càng có nhiều lựa chọn hơn.
Việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh là từ nhà trường, kỳ thi chỉ là giải pháp kỹ thuật giúp đánh giá năng lực các em mà thôi. Nhiều học sinh học trong nước có kiến thức, kỹ năng tốt vẫn thi đậu trường quốc tế bình thường. Học sinh nông thôn cũng không cần lo lắng vì vẫn thi và có kết quả tốt không kém học sinh thành phố.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, phương thức thi mới sẽ khiến học sinh vất vả hơn nhưng thu được kiến thức nhiều hơn. Song việc thay đổi cũng cần có thời gian cho các em thích ứng. Trường đang chờ phương án chính thức từ Bộ để hướng dẫn học sinh chủ động trong ôn tập.
Dự thảo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo lên phương án tổng hợp một số môn thi riêng rẽ làm thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tổng cộng còn 5 bài thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Ngoài môn Ngữ Văn thi tự luận, thời gian làm bài 120 phút, thi trên giấy do giáo viên chấm, bốn bài thi còn lại sẽ tổ chức theo dạng bài trắc nghiệm khách quan, thi trên giấy và chấm trên máy tính. Đề thi môn Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 60 phút. Các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 50 câu trắc nghiệm làm trong 90 phút. Trong phòng, mỗi thí sinh sẽ được cấp một mã đề thi riêng không giống nhau để tránh quay cóp. Kỳ thi sẽ do Sở Giáo dục các tỉnh chủ trì. |
Theo VnExpress