Ngày 21/3, Bộ GD&ĐT cùng với lãnh đạo các trường Đại học chủ trì cụm thi tại khu vực phía nam đã tổ chức cuộc họp liên quan đến công tác tổ chức thi THPT Quốc gia 2016. Nhiều lãnh đạo trường đã đóng góp ý kiến và đưa ra một số thay đổi mới, đáng chú ý là đề xuất bỏ phần thi tự luận trong bài thi môn Ngoại ngữ.
Theo chỉ đạo của Bộ GĐ&ĐT cấu trúc đề thi năm 2016 về cơ bản sẽ giống năm 2015 với độ phân hóa cao và tăng cường các câu hỏi mở, câu hỏi vận dụng. Bài thi môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận trong 180 phút. Bài thi môn Hóa học, Vật lý, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm trong 90 phút. Riêng môn Ngoại ngữ thi theo hình thức viết và trắc nghiệm trong 90 phút.
Đối với các thí sinh thì phần thi viết được xem là “khó nhằn”. Còn theo đánh giá của các đại diện trường đại học thì việc kết hợp 2 hình thức thi trong 1 bài thi sẽ khiến công tác chấm thi phức tạp, tốn kém. Lãnh đạo Đại học Tiền Giang thẳng thắn đề xuất, “Vì thế, chúng ta nên bỏ hình thức tự luận, chỉ sử dụng hình thức trắc nghiệm mà thôi.”
Đại diện trường Đại học Đà Nẵng thì đề xuất, nếu tổ chức theo 2 hình thức thi Ngoại ngữ thì nên thực hiện theo phương thức như thi tốt nghiệp trước đây,“Tức là làm trắc nghiệm trước, sau đó thu bài về rồi phát phiếu để các em làm tự luận sau, bởi với bài thi 80% trắc nghiệm, thí sinh thường có tâm lý tập trung làm phần trắc nghiệm, hết giờ nộp bài không đủ thời gian làm phần tự luận.”
Các lãnh đạo cho rằng tỷ lệ phần thi tự luận chỉ chiếm 20% bài thi, nên độ phân hóa không cao, có thể giúp các trường đánh giá được học sinh khá, giỏi, nhưng sẽ vô cùng phức tạp trong công tác chấm thi. Việc thi trắc nghiệm 100% với những câu hỏi khó vẫn hoàn toàn có thể giúp các trường đánh giá được chính xác năng lực của các em thí sinh.
Ngoài đề xuất về vấn đề trên, cuộc họp còn đề cập đến những bất cập trong công tác chấm thi tại tỉnh lẻ. Nhiều đại diện lo ngại giáo viên trong tỉnh sẽ chấm nương tay cho học sinh của tỉnh nhà hoặc chạy đua theo thành tích dẫn đến mất công bằng trong thi cử.