Nhiều trường THPT đã xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh từ định dạng đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 do Bộ GD-ĐT công bố.
Học đến sát ngày thi
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường có thể kết thúc chương trình dạy học lớp 12 sớm nhất vào khoảng tháng 3 và muộn nhất vào cuối tháng 4.2018. Sau đó, giáo viên có thể tổ chức ôn tập cho học sinh (HS). Trong đó, trường dạy học 2 buổi/ngày có thể dùng hoạt động buổi thứ 2 để tổ chức ôn tập. Riêng các trường dạy học 1 buổi/ngày thì tổ chức ôn tập theo hình thức ngoại khóa, dạy thêm, học thêm trên tinh thần HS tự nguyện đăng ký tham gia.
Ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ, ông Nguyễn Bảo Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết: “Kết thúc thời gian nghỉ tết, khi HS đi học trở lại, vào buổi chính khóa, trường tập trung vào việc học và ôn kiến thức lớp 12 theo hình thức học đến đâu chắc đến đó. Sở dĩ phải thực hiện như vậy vì các em còn phải tập trung cho kiểm tra học kỳ 2 sau đó khoảng một tháng. Còn lại vào buổi học thứ 2 trong ngày, tùy vào định hướng môn thi xét tuyển ĐH, nhà trường xếp thời khóa biểu 2 tiết/môn/tuần để nhắc lại kiến thức lớp 11, ôn nâng cao”.
Giáo viên các bộ môn của Trường THPT Thủ Đức (Q.Thủ Đức) cho HS làm thử các đề tham khảo. Đồng thời nhà trường tổ chức tăng thêm tiết ở buổi thứ 2 để củng cố kiến thức và luyện các dạng bài tập. Tuy nhiên để đạt hiệu quả tối đa, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Nhà trường không tổ chức học đại trà mà tách theo nhóm năng lực để áp dụng hình thức ôn tập phù hợp. Đối với HS trung bình khá thì tập trung củng cố kiến thức, còn những em khá giỏi khuyến khích tự nghiên cứu, có thắc mắc thì hỏi giáo viên. Và thời khóa biểu ôn tập sẽ kết thúc trước thời điểm thi khoảng 4 đến 5 ngày”.
Lãnh đạo Trường THPT Thủ Đức nói thêm: “Giữa tháng 4 sẽ cho HS đăng ký các môn cần phụ đạo căn cứ vào nguyện vọng của HS. HS tự chọn môn học, tự chọn giáo viên sao cho việc ôn tập được tiến hành một cách thoải mái nhất”.
Còn lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) cho hay các tổ bộ môn đã xây dựng kế hoạch ôn tập để đầu tháng 3 thực hiện. Các nội dung kiến thức sẽ được giáo viên xây dựng thành chuyên đề để học trò vừa ôn lại lý thuyết và luyện các dạng bài tập.
Không nên quá phụ thuộc vào đề tham khảo
Nhận định chung về đề thi tham khảo các môn của Bộ GD-ĐT, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tỷ lệ kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 20 – 25%, nội dung dàn trải suốt chương trình với mức độ vừa và đơn giản, yêu cầu vận dụng thấp. HS chỉ cần nắm bắt và hiểu biết kiến thức là có điểm ở các câu hỏi này. Sở khuyến nghị các trường THPT tổ chức ôn tập kiến thức lớp 11 cho HS ở mức độ cơ bản, vừa phải, không đi vào các nội dung quá khó, yêu cầu cao.
Việc ôn tập phải dựa trên mặt bằng trình độ chung của HS, trong đó tập trung các nội dung ôn tập trọng điểm, không nên mất thời gian đi sâu các câu hỏi vận dụng khó. HS sẽ dựa trên kiến thức ôn tập chung đó, kết hợp thêm mục tiêu, nguyện vọng cá nhân để có kế hoạch ôn tập phù hợp. Sở cũng lưu ý, các trường không nên quá phụ thuộc vào bộ đề tham khảo, vì đó chỉ là gợi ý ban đầu cho các trường tổ chức ôn tập vì đề thi thực tế có thể có “điểm rơi” kiến thức khác nhau, mức độ khó của các câu hỏi vận dụng sẽ chênh lệch dù với biên độ không quá lớn.
Theo Thanhnien