Ôn tập các kiến thức đã học
Câu 1: Các kiểu loại văn bản đã được học ở THPT
a) Tự sự: Trình bày các sự việc (sự kiện) có quan hệ nhân quả dẫn đến kết cục nhằm biểu hiện con người, đời sống, tư tưởng, thái độ …
b) Thuyết minh: Trình bày thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả của sự vật, hiện tượng, vấn đề … nhằm giúp người đọc có tri thức và tháiđộ đúng đắn đối với đối tượng được thuyết minh.
c) Nghị luận: trình bày tư tưởng, quan điểm,nhận xét, đánh giá, … đối với các vấn đề xã hội hoặc văn học qua các luận diểm, luận cứ,lập luận có tính thuyết phục …
Ngoài ra còn có các loại văn bản khác: Văn bản báo chí, văn bản hành chính, kế hoạch cánhân, quảng cáo, bản tin,văn bản tổng kết, …
Câu 2: Các bước viết văn bản:
– Tìm hiểu đề, xác định yêu cầu bài viết
– Tìm và chọn ý cho bài văn
– Lập dàn ý
– Viết văn bản theo dàn ý đã xác định
– Đọc lại và hoàn chỉnh bài viết
Câu 3: Văn nghị luận
a. Đề tài cơ bản của văn nghị luận trong nhà trường
– Nghị luận xã hội:
+ Về một hiện tượng trong đời sống
+ Về một vấn đề tư tưởng, đạo lí
– Nghị luận văn học:
+ Về một ý kiến bàn về văn học.
+ Về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.
Khi viết về những đề tài đó ta thấy có những điểm chung và những điểm khác biệt:
– Điểm chung:
+ Đều trình bày tư tưởng, quan điểm, nhận xét đánh giá, … đối với các vấn đề nghị luận.
+ Đều sử dụng các yếu tố lập luận có tính thuyết phục.
– Điểm khác biệt:
+ Đối với đề bài nghị luận xã hội, người viết cần có vốn sống, vốn hiểu biết thực tế, hiểu biết xã hội phong phú, sâu sắc, …
+ Đối với đề bài nghị luận văn học, người viết cần phải có kiến thức văn học, khả năng lí giải các vấn đề văn học, cảm thụ các tác phẩm, hình tượng văn học.
b. Lập luận trong văn nghị luận
– Lập luận gồm: Luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận.
– Luận điểm là tư tưởng cơ bản của bài văn nghị luận; luận cứ bao gồm cả lí lẽ và dẫn chứng để giải thích và chứng minh cho luận điểm; phương pháp lập luận là cách xây dựng, sắp xếp luận cứ theo một hệ thống khoa học, chặt chẽ để làm sáng tỏ luận điểm.
– Các yêu cầu cơ bản cách xác định luận cứ cho luận điểm:
+ Lí lẽ phải có cơ sở, phải dựa trên những chân lí, lí lẽ đã được thừa nhận.
+ Dẫn chứng phải chính xác, phù hợp với lí lẽ đã đượcthừa nhận.
– Các lỗi thường gặp khi lập luận và cách khắc phục (tự nêu).
– Kể tên các thao tác lập luận cơ bản:
+ Thao tác lập luận giải thích
+ Thao tác lập luận chứng minh
+ Thao tác lập luận phân tích
+ Thao tác lập luận so sánh
+ Thao tác lập luận bác bỏ
+ Thao tác lập luận bình luận
– Các lí lẽ và dẫn chứng phải phù hợp và tập trung làm sáng tỏ luận điểm.
– Các lỗi thường gặp khi lập luận và cách khắc phục:
+ Nêu luận điểm không rõ ràng, trùng lặp, không phù hợp với bản chất của vấn đề cần giải quyết.
+ Nêu luận cứ không đầy đủ, thiếu chính xác, thiếu chân thực, trùng lặp hoặc quá rườm rà, không liên quan đến luận điểm cần trình bày.
+ Lập luận mâu thuẩn, luận cứ không phù hợp với luận điểm.
c. Bố cục của bài văn nghị luận
Một bài văn nghị luận phải có ba phần: mở bài, thân bài, kết bài. Ba phần trên phải thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau.
– Phần mở bài nhằm thông báo chính xác, ngắn gọn vấn đề cần nghị luận, hướng người đọc, người nghe vào nội dung cần bàn luận một cách tự nhiên, gợi sự hứng thú đối với người đọc đối với vấn đề cần bàn luận.
– Thân bài là phần chính của bài viết. Nội dung cơ bản của phần thân bài là triển khai vấn đè thành các luận điểm, luận cứ bằng các cách lập luận thích hợp.
+ Giữa các đoạn trong bài phải có sự chuyển ý, phải cách nhau bằng một dấu chấm xuống dòng và một chỗ thụt đầu dòng.
– Kết bài thông báo về sự kết thúc của việc trình bày vấn đề, nêu đánh giá khái quát của người viết về những khía cạnh nổi bật nhất của vấn đề; gợi liên tưởng sâu sắc hơn, rộng hơn.
d. Diễn đạt trong văn nghị luận
Diễn dạt cần chặt chẽ, thuyết phục cả về lí trí và tình cảm. Muốn vậy, cần dùng từ, viết câu chính xác, linh hoạt; giọng văn chủ yếu là trang trọng, nghiêm túc nhưng cần chú ý thay đổi giọng văn sao cho sinh động thích hợp với nội dung biểu đạt; sử dụng các phép tu từ về từ và về câu một cách hợp lí.
II. Luyện tập
Đề 1: Về câu chuyện Ba câu hỏi của nhà triết học Xô-cơ-rát (Hi Lạp) đối với người khách.
a. Tìm hiểu đề:
– Kiểu bài:
+ Nghị luận xã hội (Nghị luận về một hiện tượng trong cuộc sống – đề 1)
+ Nghị luận văn học (Phân tích một đoạn thơ – đề 2)
– Đề 1 chủ yếu vận dụng thao tác phân tích, bình luận, đề 2 chủ yếu vận dụng thao tác phân tích.
Những luận điểm cơ bản:
– Với đề 1:
+ Mục đích của ba câu hỏi mà Xô-cơ-rát đưa ra là gì? (Tìm hiểu tính chất câu chuyện sắp phải nghe: Có đúng không?; có tốt không; Và có ích không?).
+ Rút ra kết luận về câu nói cuối truyện của nhà triết học Xô-cơ-rát: Ông có thể đã nói gì? (“Nếu câu chuyện của anh muốn kể không có thật, cũng không tốt dẹp, thậm chí chẳng cần thiết cho tôi thì tại sao anh lại phải kể“)
+ Bình luận và rút ra bài học cho bản thân (Phải bảo đảm tính chân thực, tốt đẹp, có ích của sự việc được nghe, kể)
– Với đề 2:
+ Giá trị nội dung của đoạn thơ
+ Giá trị nghệ thuật của đoạn thơ …
b. Lập dàn ý cho bài viết
ĐỀ 2: Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau đây trong đoạn trích “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:
"Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi ...... Đất nước có từ ngày đó".
A. Mở bài
– Nguyễn Khoa Điềm (1943) thuộc thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước.Đất nước, nhân dân, cách mạng luôn là nguồn cảm hứng phong phú của thơ ông.
– “Đất nước” là một đoạn trích thuộc chương V trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, sáng tác năm 1971, tại chiến trường Bình Trị Thiên.
– Chín câu thơ đầu của đoạn thơ:
"Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi ...... Đất nước có từ ngày đó".
Là những cảm nhận sâu sắc của nhà thơ về sự sinh thành và phát triển của Đất nước qua những hình tượng cụ thể, sinh động, gợi cảm sôi nổi và thiết tha.
B. Thân bài
– Toàn đoạn thơ có chín câu, được viết theo thể thơ tự do, hình ảnh thơ giàu sức liên tưởng …, nhà thơ giúp cho người đọc có những suy nghĩ, cảm nhận về cội nguồn và sự hình thành của Đất nước một cách sâu sắc.
– Trước hết,ở hai câu thơ đầu của đoạn thơ, Tác giả đi tìm sự lý giải về sự sinh thành của đất nước. Đất nước có từ bao giờ? Để trả lời cho câu hỏi này, nhà thơ đã viết:
“Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi,
Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”
Tham vọng tính tuổi của Đất nước của nhà thơ thật khó bởi chính cái “ngày xửa ngày xưa” (thời gian nghệ thuật thường thấy trong truyện cổ tích) có tính phiếm chỉ, trừu tượng, không xác định. Đó là thời gian huyền hồ, hư ảo, thời gian mang màu sắc huyền thoại. Song chính ở “cái ngày xửa ngày xưa” đó, nhà thơ đã giúp cho chúng ta nhận thức được: Đất nước đã có từ rất lâu, rất xa, từ bao giờ chẳng biết. Chỉ biết rằng: khi ta cất tiếng khóc chào đời, thì Đất nước đã hiện hữu.
Không dừng lại ở khát vọng đo đếm tuổi của đất nước, nhà thơ còn nỗ lực hình dung về khởi đầu và quá trình trưởng thành của đất nước:
“Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn,
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
Phải chăng, khởi thủy của đất nước là văn hóa được kết tinh từ tâm hồn và tính cách anh hùng của con người Việt Nam. Ở đây,hình ảnh “miếng trầu” đã là một hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ từng xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích, ca dao, tục ngữ. Bởi lẽ, “miếng trầu” là hiện thân của tình yêu thương, lòng thủy chungcủa tâm hồn dân tộc. Từ truyền thuyết dân gian đến tác phẩm thơ văn hiện đại, cây tre đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần dân tộc quật cường đánh giặc cứu nước và giữ nước.
Và còn nữa, trong quá trình trưởng thành, đất nước còn gắn liền với với đời sống văn hóa tâm linh, bằng phong tục tập quán lâu đời còn truyền lại và bằng chính cuộc sống lao động cần cù vất vả của nhân dân:
“Tóc mẹ búi sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên,
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng …”
Đọan thơ, bằng những ý thơ giàu sức liên tưởng, nhà thơ đã đưa người đọc trở về với những nét đẹp văn hóa một thời của người phụ nữ Việt Nam bằng hình ảnh “tóc mẹ búi sau đầu“, gợi tả một nét đẹp thuần phong mỹ tục của người Việt; và những câu ca dao xưa ca ngợi vẻ đẹp đậm tình nặng nghĩa trong cuộc sống vợ chồng “cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn“. Không những vậy, hình ảnh thơ còn thể hiện sự cảm nhận về đất nước gắn với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, lấy hạt gạo làm gia bản …
– Có thể nói,đoạn thơ mở đầu trả lời cho câu hỏi về cội nguồn đất nước – một câu hỏi quen thuộc, giản dị bằng cách nói cũng rất giản dị, tự nhiên nhưng cũng rất mới lạ: nhà thơ không tạo ra khỏang cách sử thi để chiêm ngưỡng và ca ngợi đất nước hoặc dùng những hình ảnh mĩ lệ, mang tính biểu tượng để cảm nhận và lý giải, mà dùng cách nói rất đỗi giản dị,tự nhiên với những gì gần gũi, thân thiết, bình dị nhất.
Giọng thơ thâm trầm, trang nghiêm; cấu trúc thơ theo lối tăng cấp: Đất nước đã có; Đất nước bắt đầu; Đất nước lớn lên; Đất nước có từ … giúp cho người đọc hình dung cả quá trình sinh ra, lớn lên, trưởng thành của đất nước trong thời gian trường kỳ của con người Việt Nam qua bao thế hệ. Đặc biệt là cách nhà thơ viết hoa hai từ Đất nước (vốn là một danh từ chung) cũng đã giúp ta cảm nhận tình yêu và sự trân trọng của nhà thơ khi nói về đất nước, quê hương của mình.
C. Kết bài
Tóm lại, chín câu thơ mở đầu cho đoạn trích “Đất nước” đã thật sự để lại những ấn tượng và cảm xúc sâu sắc cho người đọc về sự sinh thành và trưởng thành của đất nước. Bởi lẽ, đoạn thơ đã giúp cho tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những ai mà còn có những nhận thức mơ hồ về đất nước mình thật sự phải suy gẫm.Bởi lẽ, đoạn thơ còn cho chúng ta hiểu được đất nước thật thân thương và gần gũi biết nhường nào .Từ đó đoạn thơ bồi dưỡng thêm cho chúng ta về tình yêu đất nước, quê hương mình và biến tình yêu ấy bằng thái độ, hành động dựng xây, bảo vệ đất nước.