Câu 1 (trang 191 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):
* Giá trị nhận thức:
– Cơ sở xuất hiện:
+ Khả năng phản ánh và lí giải hiện thực của văn học. Văn học có khả năng phá vỡ giới hạn tồn tại trong thời gian, không gian thực tế của mỗi cá nhân.
+ Nhu cầu nhận thức của con người.
– Nội dung:
+ Quá trình nhận thức cuộc sống của văn học: nhận thức nhiều mặt của cuộc sống với thời gian, không gian khác nhau từ đó giúp ta có những hiểu biết về tự nhiên, xã hội, con người,…
+ Quá trình tự nhận thức của văn học: người đọc hiểu được bản chất của con người nói chung (mục đích tồn tại, tư tưởng, khát vọng, sức mạnh… của con người) từ đó giúp hiểu chính bản thân mình.
* Giá trị giáo dục
– Cơ sở xuất hiện:
+ Con người không chỉ có nhu cầu hiểu biết mà còn có nhu cầu hướng thiện, khao khát cuộc sống tốt lành, chan hòa tình yêu thương.
+ Nhà văn luôn bộc lộ tư tưởng – tình cảm, nhận xét, đánh giá,… của mình trong tác phẩm.
+ Giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục. Giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức.
– Nội dung: Văn học đem đến cho con người những bài học quý giá về lẽ sống.
+ Văn học hình thành trong con người một lí tưởng tiến bộ, giúp họ có thái độ và quan điểm đúng đắn về cuộc sống.
+ Văn học giúp con người biết yêu ghét đúng đắn, làm cho tâm hồn trở nên lành mạnh, trong sáng, cao thượng hơn.
+ Văn học nâng đỡ cho nhân cách con người phát triển, giúp họ biết phân biệt phải – trái, tốt – xấu, đúng – sai, có quan hệ tốt đẹp và biết gắn bó cuộc sống của cá nhân mình với cuộc sống của mọi người.
* Giá trị thẩm mĩ của văn học
– Cơ sở xuất hiện:
+ Nhu cầu cảm thụ, thưởng thức cái đẹp của con người.
+ Đặc trưng của văn học: phản ánh cuộc sống theo quy luật của cái đẹp.
– Nội dung:
+ Văn học đem đến cho con người những vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ về cuộc đời (thiên nhiên, đất nước, con người, cuộc đời, lịch sử…).
+ Văn học đi sâu miêu tả vẻ đẹp con người (ngoại hình, nội tâm, tư tưởng – tình cảm, những hành động, lời nói…).
+ Vẻ đẹp của những sự vật nhỏ bé, bình thường và cả đồ sộ, kì vĩ.
+ Hình thức nghệ thuật của tác phẩm (ngôn ngữ, kết cấu…).
Câu 2 (trang 191 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):
Các giá trị văn học có mối quan hệ:
– Ba giá trị có mối quan hệ mật thiết, không tách rời, cùng tác động đến người đọc.
– Giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục. Giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức. Giá trị thẩm mĩ khiến cho giá trị nhận thức và giá trị giáo dục được phát huy. Không có nhận thức đúng đắn thì văn học không thể giáo dục được con người. Ngược lại, giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức của văn học đối với đời sống, bởi người ta nhận thức không chỉ để nhận thức mà còn để hành động.
Câu 3 (trang 191 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):
* Tiếp nhận văn hoc là quá trình người đọc chuyển hóa văn bản ngôn từ nghệ thuật thành tác phẩm văn học thông qua các giai đoạn như đọc văn bản, phát hiện, kiến tạo ý nghĩa của tác phẩm, thưởng thức những giá trị tư tưởng, nghệ thuật, ghi nhớ những điều hay, tâm đắc,…
* Các tính chất trong tiếp nhận văn học:
– Thực chất đó là một quá trình giao tiếp: sự giao tiếp giữa tác giả với người tiếp nhận, sự giao tiếp giữa người nói với người nghe, người viết với người đọc, người bày tỏ và người chia sẻ, đồng cảm.
– Trong giao tiếp giữa tác phẩm với độc giả, tính chất cá thể hóa, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận đóng vai trò quan trọng.
– Tính đa dạng, không thống nhất của việc tiếp nhận văn học: cùng một tác phẩm nhưng sự cảm thụ và đánh giá của công chúng là rất khác nhau.
Câu 4 (trang 191 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):
– Quá trình tiếp nhận văn học bao gồm các cấp độ:
+ Cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể, nội dung trực tiếp của tác phẩm.
+ Cảm thụ qua nội dung trực tiếp để thấy nội dung tư tưởng của tác phẩm.
+ Cảm thụ chú ý đến cả nội dung hình thức và nội dung biểu hiện (nghệ thuật).
– Để tiếp nhận văn học có hiệu quả thật sự, người đọc cần không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết của mình, tích lũy kinh nghiệm nhận thức, biết trân trọng sản phẩm sáng tạo của một ý thức khác, lắng nghe một tiếng nói khác, làm quen với một giá trị văn hóa khác, tìm cách để hiểu tác phẩm một cách khách quan, toàn vẹn, nhờ đó mà làm phong phú thêm vốn cảm thụ của mình.
Luyện tập
Câu 1 (trang 191 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):
– Đây là cách nói nhằm khẳng định và đề cao vai trò giá trị giáo dục của văn chương. Với giá trị nhận thức và giá trị thẩm mĩ, văn chương làm cho tâm hồn con người thêm phong phú, với giá trị giáo dục, văn chương làm cho con người thêm trong sạch.
– Tuy nhiên đây chỉ là cách nói nhằm đề cao vai trò của giá trị giáo dục trong văn chương chứ không có ý xem nhẹ các các gái trị khác.
Câu 2 (trang 191 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):
Các giá trị của văn học trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài:
– Giá trị nhận thức: cung cấp cho người đọc thêm những hiểu biết về phong tục, tập quán của người dân miền núi Tây Bắc: tục cướp vợ, trình ma, xử kiện, đêm tình mùa xuân…
– Giá trị giáo dục:
+ Truyện đặt ra vấn đề về số phận con người – những con người dưới đáy của xã hội – bị bóc lột sức lao động, xúc phạm nặng nề về nhân phẩm.
+ Cách giải quyết vấn đề số phận của con người, Tô Hoài đã thức tỉnh họ, đưa họ đến với cách mạng và cho họ một cuộc sống mới.
– Giá trị thẩm mĩ: Tác phẩm đã khắc họa chân thực những nét riêng biệt về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn người dân các dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, thấm đợm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.
Câu 3 (trang 191 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):
Cảm và hiểu là hai bước cơ bản trong quá trình tiếp nhận văn học. Cảm là giai đoạn người đọc có nhận thức cảm tính về tác phẩm. Hiểu là khi người đọc đã nhận thức được tác phẩm một cách tương đối trọn vẹn về cả nội dung và nghệ thuật, có cơ sở để lí giải những ấn tượng, cảm xúc mà tác phẩm gợi ra cũng như những giá trị sâu xa của tác phẩm.