fbpx
Home Hướng nghiệp Công nghệ thông tin Sinh viên ngành khác được phép chuyển sang học Công nghệ thông tin

Sinh viên ngành khác được phép chuyển sang học Công nghệ thông tin

0
Sinh viên ngành khác được phép chuyển sang học Công nghệ thông tin
Sinh viên đại học năm 1-3 các ngành khác có thể chuyển sang học ngành Công nghệ thông tin trong trường hoặc trường khác nếu có nguyện vọng. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ra công văn 5444 hướng dẫn việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin trình độ đại học giai đoạn 2017-2020. Động thái này nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Có 10 ngành đào tạo được áp dụng cơ chế đặc thù gồm: Khoa học máy tính; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Kỹ thuật phần mềm; Kỹ thuật máy tính; Hệ thống thông tin; Hệ thống thông tin quản lý; Công nghệ kỹ thuật máy tính; Công nghệ thông tin; An toàn thông tin; Công nghệ thông tin ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Một điểm nhấn trong văn bản là cho phép sinh viên học đại học hết năm 1-3 các ngành khác nếu có nguyện vọng có thể được chuyển sang học ngành công nghệ thông tin trong cùng trường hoặc trường khác có đào tạo ngành này. Chỉ tiêu và điều kiện chuyển ngành học do đại học tự quyết định. 

Cơ sở đào tạo được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô, mở rộng đào tạo văn bằng 2 và song ngành trình độ đại học về Công nghệ thông tin. Điều này được thực hiện trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự phục vụ đào tạo.

Việc mở các ngành mới trong nhóm ngành Công nghệ thông tin, ngành/chuyên ngành Công nghệ thông tin ứng dụng, được Bộ Giáo dục khuyến khích. Bộ đồng thời hướng các đại học công nhận một số học phần sinh viên tích lũy được từ khóa đào tạo cấp chứng chỉ Công nghệ thông tin tương đương với một số môn học, tín chỉ trong chương trình đào tạo của trường, công nhận tín chỉ của các cơ sở đào tạo khác. Việc đưa nội dung đào tạo chứng chỉ nghề uy tín trên thế giới như của Microsoft, Oracle, Cisco… vào nội dung đào tạo thực hành để đáp ứng chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp cũng được đề cao.

Công văn 5444 hướng dẫn cụ thể phương thức hợp tác đào tạo giữa đại học với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp. Các trường có thể thỏa thuận để doanh nghiệp trở thành nơi thực hành, thực tập của sinh viên, được sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm của doanh nghiệp phục vụ đào tạo. Chuyên gia của doanh nghiệp được tham gia trực tiếp vào công tác giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập và tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp. Ngoài việc cùng dự báo nguồn nhân lực, xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, đại học và doanh nghiệp có thể phối hợp đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo Công nghệ thông tin, chú trọng xây dựng phòng thí nghiệm, thực hành.

Điểm mới trong hướng dẫn phối hợp này là thời gian đào tạo thực tế tại doanh nghiệp được quy định chiếm ít nhất 30% tổng thời gian đào tạo toàn chương trình của sinh viên. Phần lớn đại học có liên kết với doanh nghiệp để đào tào nguồn nhân lực Công nghệ thông tin, trong đó có Bách khoa Hà Nội, chưa từng gửi sinh viên tới doanh nghiệp thực hành, thực tập nhiều như vậy.

Công văn của Bộ cũng lần đầu tiên cho phép cơ sở đào tạo được tính các chuyên gia là giảng viên cơ hữu của trường để xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin. Theo Thông tư 32 (năm 2015) về xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học, các ngành học Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật… không được tuyển quá 20 sinh viên/giảng viên cơ hữu.

Theo VNExpress

Comments

comments