Theo dự thảo quy chế Kỳ thi THPT quốc gia, có nhiều thay đổi trong quy định đăng ký xét tuyển tuyển sinh ĐH – CĐ 2017. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý sự thay đổi quy định xét tuyển trong đợt 1 và đợt 2 (2 đợt xét tuyển chung chính thức).
Chỉ được ĐKXT 1 lần duy nhất và không thay đổi
Theo dự thảo quy chế mới đây của Bộ GD&ĐT, tuyển sinh ĐH – CĐ 2017, thí sinh được đăng ký tối đa 10 nguyện vọng vào 5 trường, mỗi trường hai ngành/nhóm ngành. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển một lần duy nhất trong cả mùa tuyển sinh và không được thay đổi. Quy định này buộc thí sinh phải cân nhắc thật kỹ nguyện vọng vào trường nào trước khi đăng ký.
Thay đổi các đợt xét tuyển
Năm tới, tất cả các trường sẽ xét tuyển chung dựa trên phần mềm do Bộ GD&ĐT quản lý. Dự kiến, mùa tuyển sinh ĐH – CĐ 2017 sẽ có 2 đợt xét tuyển chính và các đợt xét tuyển bổ sung.
- Đợt xét tuyển 1: Phần mềm xét tuyển chung với cơ sở dữ liệu gốc và điều kiện xét tuyển mà các trường đã cập nhật sẽ được chạy 2 lần. Sau hai lần chạy, phần mềm sẽ cho ra danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức đợt I (với 105% chỉ tiêu trường đã đăng ký xét tuyển cho từng ngành) đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu xét tuyển đợt 2 sau khi đã loại ra khỏi danh sách TS trúng tuyển chính thức đợt 1.
- Đợt xét tuyển 2: Về cơ bản giống xét tuyển đợt 1 nhưng TS không phải đăng ký nữa mà phần mềm tự xét theo phiếu đăng ký lần 1. Bước này chỉ thực hiện đối với các ngành tuyển đợt 1 đạt dưới 90% chỉ tiêu và còn TS đăng ký xét tuyển trong cơ sở dữ liệu xét tuyển đợt 2.
- Đợt xét tuyển bổ sung: Chỉ thực hiện với những TS chưa trúng tuyển qua các đợt xét tuyển chung hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào.
Đợt 1 không trúng tuyển, đợt 2 ĐKXT thế nào?
Năm 2017, thí sinh vẫn phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học như năm 2016. Tuy nhiên tuyển sinh ĐH – CĐ 2017 sẽ có điểm khác là nếu thí sinh trúng tuyển đợt đầu mà không xác nhận nhập học thì không được xét tuyển chung các đợt tiếp theo (đợt xét tuyển chính thức theo quy định của Bộ).
Đặc biệt, nếu thí sinh không trúng tuyển trong đợt xét tuyển 1, thí sinh được tham gia xét tuyển đợt chính thức thứ 2 mà không cần đăng ký xét tuyển lại. Nếu trúng tuyển trong đợt xét tuyển 1, thí sinh vẫn có cơ hội trúng tuyển vào nguyện vọng cao hơn trong đợt xét tuyển thứ 2. Nếu trượt cả 2 đợt xét tuyển thí sinh mới phải tham gia xét tuyển bổ sung.
Theo Hoc.vtc