Quản lý dự án là một quá trình cốt lõi trong nhiều doanh nghiệp. Đây là lý do tại sao các doanh nhân và CEO thường tìm kiếm các chuyên gia lành nghề và có kinh nghiệm để quản lý các dự án kinh doanh của họ.
Nghề “hot”
Mỗi dự án kinh doanh đều đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận, lên dự toán ngân sách chi tiết, theo dõi và kiểm soát tất cả những khía cạnh hoạt động của dự án cũng như hàng loạt các công việc khác liên quan đến triển khai và vận hành để đảm bảo dự án có thể hoàn thành suôn sẻ. Theo dự báo của PMI (Hiệp hội nghề nghiệp hàng đầu thế giới cho các nhà quản lý dự án chuyên nghiệp), sẽ có khoảng 22 triệu việc làm mới trong ngành dự án được tạo ra trong giai đoạn 2017-2027, trong đó 4 ngành nghề có nhu cầu lớn nhất về nhân sự dự án bao gồm: (1) Sản xuất và xây dựng; (2) Công nghệ thông tin; (3) Tài chính và bảo hiểm; (4) Dịch vụ quản lý và tư vấn chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, cùng với xu hướng hội nhập kinh tế và dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, nhu cầu về nhân sự quản lý dự án cũng đang có xu hướng tăng. Những lĩnh vực có nhu cầu lớn về các vị trí liên quan đến hoạch định, quản lý và điều phối dự án bao gồm xây dựng, bất động sản, IT, ngân hàng và dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý vốn đầu tư phát triển thuộc nhà nước cũng như hàng trăm tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam cũng có nhu cầu lớn về nhân sự quản lý và hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư phát triển của họ.
Lương “ngàn đô”
Theo báo cáo khảo sát lương năm 2017 tại thị trường Việt Nam của công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự First Alliances, lương của vị trí quản lý dự án tại các doanh nghiệp Việt Nam thường nằm trong khoảng từ 2000 – 5000 USD/ tháng tùy lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, vị trí quản lý dự án có mức lương từ 2200 – 3300 USD; trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, lương của quản lý dự án sẽ nằm trong khoảng 2500 – 5000 USD; trong các công ty phần mềm, vị trí quản lý dự án có thể nhận được mức lương từ 1500 – 2500 USD tùy theo năng lực và kinh nghiệm. Các mức lương này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn từ phía các doanh nghiệp
Luôn thay đổi
Khác với quản lý nhà hàng, quản lý nhà máy hay quản lý công ty sản xuất với các hoạt động luôn diễn ra lặp đi lặp lại hàng ngày, theo các quy trình chặt chẽ, công việc của quản lý dự án luôn thay đổi linh hoạt, không có công thức nhất định vì không có dự án nào giống dự án nào. Mỗi dự án có địa điểm khác nhau, không gian và thời gian khác nhau, thậm chí trong quá trình thực hiện dự án còn có sự thay đổi mục tiêu, ý tưởng từ chủ đầu tư. Việc điều hành quản lý dự án do vậy đòi hỏi nhà quản lý dự án phải có sự linh hoạt, nhạy bén, kỹ năng quản lý rủi ro và quản lý công việc tốt. Ở một khía cạnh khác, sự thay đổi linh hoạt cũng khiến cho công việc của những người làm nghề “dự án” luôn được làm mới và không bao giờ nhàm chán.
Con đường trở thành một giám đốc quản lý dự án
Làm thế nào để trở thành một giám đốc quản lý dự án, nhận lương ngàn đô, công việc thì luôn mới mẻ và đầy thách thức? Đó là một con đường đòi hỏi nhiều nỗ lực để tích lũy kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng. Phần lớn các giám đốc dự án bắt đầu sự nghiệp của mình từ những vị trí không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm như trợ lý dự án hay điều phối viên dự án. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng, họ sẽ được thăng chức lên làm quản lý dự án. Trong thời gian này, họ cũng có thể thi chứng chỉ Quản lý dự án chuyên nghiệp PMP hoặc học Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh MBA để có thể đàm phán mức lương cao hơn và thăng cấp trở thành Quản lý dự án cao cấp (Senior Project Manager). Sau năm đến mười năm ở vị trí quản lý dự án, tùy theo kinh nghiệm và danh mục đầu tư họ từng đảm nhiệm, các nhà quản lý dự án có thể chuyển sang các vị trí quản lý cấp cao hơn như giám đốc vận hành (COO) hoặc giám đốc điều hành (CEO) của doanh nghiệp.
Nên bắt đầu như thế nào?
Các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực quản lý dự án nên bắt đầu như thế nào? Bạn có thể bắt đầu con đường sự nghiệp của mình với một tấm bằng đại học chuyên sâu về lĩnh vực Quản lý dự án vì ở các vị trí khởi đầu trong nghề dự án, nhà tuyển dụng thường ưu tiên tuyển dụng các ứng viên đã được đào tạo bài bản về lĩnh vực này.
Mặc dù tại Việt Nam hiện nay, việc đào tạo Quản lý dự án ở bậc đại học còn khá mới mẻ nhưng chương trình đào tạo của nhiều trường đại học đang ngày càng được xây dựng theo hướng hiện đại, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Từ năm 2018, Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng đã phát triển Ngành Kinh tế – chuyên ngành Kinh tế đầu tư. Chuyên ngành được được thiết kế dựa trên chương trình lõi của PMP – chứng chỉ quốc tế về quản lý dự án chuyên nghiệp. Theo học chương trình này, các bạn trẻ sẽ có nhiều thuận lợi để tiếp cận nhanh chóng các công việc thực tế trong nghề dự án và theo đuổi những mục tiêu nghề nghiệp dài hạn trong lĩnh vực quản lý dự án.