fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Văn Phân tích bài “Thu ẩm” (Nguyễn Khuyến)

Phân tích bài “Thu ẩm” (Nguyễn Khuyến)

20

Đề bài: Phân tích bài “Thu ẩm”của Nguyễn Khuyến

Bài làm

“Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ tối, đêm sâu đốm lập loè.

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.”

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy,

Độ năm ba chén đã say nhè”.

(Thu ẩm)

Rượu, hoa, trăng… là những thú tiêu khiển thanh cao của các tao nhân mặc khách xưa nay. Bài thơ “Nâng chén, hỏi trăng” của Lý Bạch rất được nhiều người yêu thích:

“Người nay chẳng thấy trăng thời trước

Người trước, trăng nay soi đã từng

Người trước, người nay như nước chảy

Cùng xem trăng sáng đều thế đấy

Chỉ ước vui ca thưởng chén quỳnh

Be vàng, trăng sáng vào rọi mãi”.

(Tương Như dịch)

Tam nguyên Yên Đổ cũng có nhiều câu thơ rất đậm đà, ý vị nói về rượu:

“Khi vui chén rượu say không biết,

Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa”.

(Cáo quan vể ở nhà)

“Em cũng chẳng no mà chẳng đói,

Thung thăng chiếc lá, rượu lưng bầu”.

(Lụt, hỏi thăm bạn)

“Rượu ngon không cỏ bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua…”.

Và còn có “Thu ẩm” – mùa thu uống rượu.

Hình ảnh trung tâm của bài thơ là “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”. Câu thơ đã diễn tả trạng thái ngà ngà say… đến “say nhè”: “Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy – Độ năm ba chén đã say nhè”. “Say nhè” là say êm, say nhẹ, say rồi ngủ quên đi lúc nào chẳng biết. Chẳng phải là say bét nhè, bê tha. Nguyễn Khuyến rất thanh cao, chỉ có “năm ba chén” nhỏ, đúng là cái thú “Khi vui chén rượu say không biết” hoặc “Khi hứng uống thêm năm chén rượu – Khi buồn ngâm láo một câu thơ”(Đại lão).

Trong sáu câu thơ đầu thì đã có đến năm câu đều có màu sắc thể hiện một cái nhìn đêm thu lúc ngồi uống rượu một mình. Có màu đen thẫm mịt mùng của đêm sâu “ngõ tối”. Có ánh sáng “lập loè” của bầy đom đóm. Có sắc trắng nhờ của “màu khói nhạt” nhẹ bay “phất phơ” trên lưng giậu cúc tần trước sân của năm gian nhà cỏ bình dị. Có màu vàng của bóng trăng loe tan ra “lóng lánh” trên mặt ao. Có da trời màu “xanh ngắt” gợi tâm tưởng. Và sắc “đỏ hoe” của đôi mắt ông lão, của thi nhân đang uống rượu âm thầm.

Cảnh vật có đường nét cao, thấp, xa, gần, mỏng và nhẹ. Độ “thấp le te” của ngôi nhà cỏ năm gian. Độ sâu của đêm khuya và “ngõ tối” nơi làng quê vùng đồng chiêm trũng. Độ nhẹ vờn bay “phất phờ” của màu khói nhạt. Chiều đo “thấp’ của “lưng giậu”, cái phẳng lặng của “làn ao” thu lạnh lẽo trở nên sinh động theo những vòng tròn lóng lánh của “bóng trăng loe”; độ xa, cao, rộng của bầu trời, chân trời, độ hõm của đôi mắt “đỏ hoe” đã “saỵ nhè” dường như đồng hiện.

Màu sắc ấy, đường nét ấy qua cái nhìn chập chờn, tỉnh say say tỉnh của nhà thơ. Màu sắc, đường nét ấy là màu sắc của tâm tưởng, là đường nét của tâm trạng. Còn đâu nữa, chén rượu tri âm của đôi bạn “đăng khoa ngày trước?”.

“Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân?”.

Nay nhà thơ chỉ còn uống rượu trong đêm sâu, âm thầm, lặng lẽ và cô đơn. Cao Bá Quát nửa đầu thế kỉ XIX chỉ uống rượu “tiêu sầu”. Còn Nguyễn Khuyến “đêm thu nay” uống rượu cho vơi đi nỗi buồn thế sự “Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”. Uống rượu để thao thức, thao thức nên uống rượu để quên đi nỗi đau cuộc đời: “Có phải tiếc xuân mà đứng gọi – Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ” (Cuốc kêu cảm hứng). Vợ chết, con mất, bạn chí thân qua đời, tuổi già, ốm đau, Nguyễn Khuyến mượn “năm ba chén rượu” để vợi đi ít nhiều nỗi buồn cô đơn:

“Đời loạn đi về như hạc độc,

Tuổi già hình bóng tựa mây côi”.

(Gửi bạn)

Hình như chén rượu của nhà thơ đã tràn đầy nước mắt? Hai câu kết ý tại ngôn ngoại, thấm một nỗi buồn mênh mông. Người đọc vô cùng xúc động khi nhìn thấy nhà thơ đang “say nhè” tỉnh mơ, mơ tỉnh:

“Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy,

Độ năm ba chén đã say nhè”.

Cả bài thơ, ngoài đầu đề “Thu ẩm” ra, chẳng có một chữ thu nào nữa, thế mà câu thơ nào cũng chứa đựng một tình thu, và hồn thu man mác, dào dạt. Đó là chất thi vị độc đáo của bài thơ này. Các từ láy: le te, lập loè, phất phơ, lóng lánh… với các từ “rượu”, “chén”, “say nhè” cho thấy nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Khuyến vô cùng tinh luyện, giàu hình tượng biểu cảm.

Trước Nguyễn Khuyến gần 500 năm, Nguyễn Trãi có câu thơ:

“Sách một hai phiên làm bầu bạn

Rượu năm ba chén đổi công danh”.

(Tự thán -10)

Sau khi Nguyễn Khuyến mất gần nửa thế kỉ, nhà thơ Hồ Chí Minh cũng có câu thơ nói về rượu: “Du kích quy lai tửu vị tàn” (Thu dạ, 1948).

Đó là những chén rượu một thời, cũng là những chén rượu một đời. Chén rượu của các thi nhân — chén rượu thanh cao và sang trọng.

Comments

comments

20 COMMENTS

Comments are closed.