fbpx
Home Tin tuyển sinh Phá sóng điện thoại trong khu vực chấm thi, đề phòng tiêu cực

Phá sóng điện thoại trong khu vực chấm thi, đề phòng tiêu cực

0
Phá sóng điện thoại trong khu vực chấm thi, đề phòng tiêu cực

Khu vực chấm thi tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn được đảm bảo an ninh nghiêm ngặt.

Từ ngày 1/7, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu, đã kiểm tra công tác chấm thi tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn.

Tại Bắc Ninh, hơn 14.300 thí sinh đăng ký dự thi, 103 giáo viên chấm thi tự luận. Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp chấm thi trắc nghiệm với 2 máy quét và 15 cán bộ.

Theo số liệu từ Hội đồng chấm thi tỉnh Bắc Giang, năm nay, địa phương bố trí 178 cán bộ chấm thi tự luận (toàn tỉnh có 19.602 thí sinh đăng ký dự thi). 15 cán bộ chấm thi trắc nghiệm đến từ trường đại học, với 2 máy quét.

Năm nay, 8.832 học sinh đăng ký dự thi ở Lạng Sơn, trong đó, 597 thí sinh tự do. Ban chấm thi trắc nghiệm do ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì, có 16 người, chấm gần 33.000 bài thi, bắt đầu từ ngày 29/6.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, khu vực chấm thi có camera an ninh giám sát ghi hình. Cụ thể, đó là các phòng bảo quản bài thi, chấm bài trắc nghiệm, chấm bài tự luận (không có kết nối Internet).

Dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu là 21 ngày. Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong. Giám đốc sở GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ trong thời gian ít nhất một năm.

Tại các phòng chấm thi tự luận, trắc nghiệm, bảo quản bài thi, số lượng và vị trí lắp đặt camera phải bao quát được toàn bộ hoạt động trong phòng.

Các phòng trên phải có bộ lưu điện dự phòng, đảm bảo hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới.

Máy quét bài thi trắc nghiệm

Bên ngoài các phòng chấm bài thi tự luận, trắc nghiệm phải có tủ hoặc thùng để cán bộ chấm thi và người làm nhiệm vụ khác để điện thoại, vật dụng cá nhân.

Trước đó, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết khâu chấm thi năm nay có thêm nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa tiêu cực. Ví dụ, bài thi trắc nghiệm của thí sinh được đánh phách điện tử, người chấm đọc được bài nhưng không thấy phách và ngược lại.

Về phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT đã sửa đổi, nâng cấp và cho chạy thử nghiệm. Các dữ liệu đều được mã hóa, kể cả đáp án. Chỉ khi Bộ GD&ĐT cung cấp khóa giải mã, người chấm mới có thể xem. Nếu làm sai ở khâu nào đó, cán bộ chấm thi không thể tự quay lại để điều chỉnh, mà phải được Bộ GD&ĐT cấp mã mới có thể vào sửa.

Khi chấm môn tự luận, hội đồng chấm thi phải thực hiện triệt để cách ly trong quá trình làm phách. Khâu chấm được chia làm hai vòng độc lập, bốc thăm để chấm. Ít nhất 5% bài thi đạt điểm cao sẽ được chấm kiểm tra.

Comments

comments