Trả lời trong buổi đăng đàn trả lời chất vấn trước quốc hội sáng nay 16-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định thi trắc nghiệm là hình thức thi ưu việt nhất. Tuy nhiên, quan điểm này không được các đại biểu đồng tình.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cung cấp những thông tin để thấy thực trạng của việc thi trắc nghiệm. “Học sinh thi về nói với tôi chỉ thích thi trắc nghiệm thôi. Phòng thi của chúng cháu sẽ chọn ra một bạn học giỏi nhất cho xức thật nhiều dầu gió. Cứ phương án 1 bạn ấy ho 1 tiếng, cả phòng tích vào phương án 1, phương án 2 ho 2 tiếng và trong quy chế thi không ai cấm thí sinh ho. Cho nên chỉ cần 1 bạn làm được bài thì cả phòng làm được bài. Thế thì có phải là phương án ưu việt hay không, thưa Bộ trưởng?”.
Theo đại biểu, bộ nói thi trắc nghiệm là hình thức ưu việt tuyệt đối nhưng thực tế ngược lại. Về lý thuyết không phát huy tính tích cực chủ động của học sinh vì môn tự nhiên không rèn luyện được kỹ năng thực hành trong khi các trường THPT tốn rất nhiều tiền xây dựng phòng học bộ môn đạt chuẩn để thực hành nhưng thực hành không có trong chương trình thi trắc nghiệm. Môn học ngoại ngữ cũng không rèn luyện được kỹ năng nghe nói trong khi đó lại có thêm tư duy thi trắc nghiệm đối với môn văn là không cần thiết.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nga và các câu hỏi của các đại biểu về hình thức thi và cách thức tổ chức thi, đặc biệt là thi trắc nghiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định thi trắc nghiệm không phải đi ngược lại với tính linh hoạt, năng động. Bởi vì thi là hình thức thi thôi, có thể thi trắc nghiệm, có thể thi tự luận.Với thi trắc nghiệm thì nhiều nước, như Hàn Quốc cũng thi. Và thi trắc nghiệm thì cũng nhiều câu hỏi cần phải suy luận. Vấn đề là cách thức tổ chức thi. Khi tổ chức thi trắc nghiệm nhiều học sinh rất phấn khởi, vì ngoài phải nhớ kiến thức, còn phải suy luận, phải có kiến thức tổng hợp. Như vậy các cháu phải linh hoạt, năng động, có kiến thức.
“Báo cáo đại biểu là chúng tôi không có chuyện áo trắng, áo vàng hay ho hắng trong phòng thi đâu. Thi trắc nghiệm là mỗi cháu một mã đề thi nên không có chuyện như vậy. Chúng ta cần chất lượng toàn diện, tránh học lệch, học sinh học môn nào phải thi môn ấy. Ví dụ tôi thấy rằng trong thời gian dài chúng ta không chú trọng môn giáo dục công dân, lịch sử. Bây giờ tôi chỉ đạo là phải đưa vào, năm vừa rồi rất nhiều cháu chọn môn lịch sử. Đổi mới một môn thi, một bài thi chúng tôi cũng rất cân nhắc, bởi nó ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh. Tuy vậy, phải khẳng định rằng không có phương án nào có ưu điểm tuyệt đối”, bộ trưởng Nhạ đáp.