Theo dự thảo quy chế thi THPT quốc gia vừa qua, mùa tuyển sinh 2017, Bộ GD&ĐT dự kiến cho phép thí sinh đăng ký tối đa 10 nguyện vọng, đăng ký vào 5 trường, mỗi trường 2 ngành/nhóm ngành. Với quy định số nguyện vọng nhiều như vậy, chắc chắn nhiều người lo ngại về một mùa tuyển sinh nhiều “ảo” tới mức không thể kiểm soát như năm 2016.
Nguy cơ tỷ lệ ảo gia tăng
Mùa tuyển sinh 2016, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1 có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có tới 75% thí sinh đồng thời đăng ký hai trường cùng lúc đã tạo ra một tỷ lệ “ảo” rất cao. Các trường bị đẩy vào thế tuyển mãi chưa đủ chỉ tiêu, thí sinh lao đao vì không trúng tuyển trường như ý muốn.
So với năm 2016, mùa tuyển sinh 2017, số nguyện vọng và số trường được đăng ký đều nhiều hơn, nguy cơ tăng tỷ lệ ảo hiện hữu. Cùng với đó, các trường phải lao đao trong bài toán gọi thí sinh nhập học như thế nào để vừa tránh ảo vừa đủ chi tiêu.
Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM Kinh nghiệm các năm cho thấy các trường thường gọi dư 10% so với chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu năm 2017 thí sinh có tối đa 10 nguyện vọng với 5 trường thì sẽ dư 50%, như vậy sẽ xuất hiện tình trạng thí sinh ảo.
Bị phụ thuộc vào phần mềm xét tuyển của Bộ
Bộ GD&ĐT dự kiến mùa tuyển sinh 2017 sẽ có 2 đợt xét tuyển chính và đợt xét tuyển bổ sung. Quy trình xét tuyển dựa vào phần mềm do Bộ quản lý.
Cụ thể, đợt xét tuyển 1: Phần mềm xét tuyển chung với cơ sở dữ liệu gốc và điều kiện xét tuyển mà các trường đã cập nhật sẽ được chạy 2 lần. Sau hai lần chạy, phần mềm sẽ cho ra danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức đợt 1 với 105% chỉ tiêu trường đã đăng ký xét tuyển cho từng ngành.
Đồng thời phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu xét tuyển đợt 2 sau khi đã loại ra khỏi danh sách TS trúng tuyển chính thức đợt 1. Các trường công bố danh sách TS trúng tuyển đợt 1. Sau đó tiếp nhận giấy báo kết quả thi của TS, cập nhật danh sách TS đã xác nhận nhập học trong thời gian quy định lên hệ thống tuyển sinh chung.
Vấn đề đặt ra, liệu phần mềm xét tuyển xử lý cho ra 105% chỉ tiêu như trên có đảm bảo cho các trường đạt từ 90% chỉ tiêu trở lên hay không. Bởi quy định xét tuyển đợt 2 chỉ chỉ thực hiện đối với các ngành tuyển đợt 1 đạt dưới 90% chỉ tiêu. Trong khi, truyền thống tuyển sinh ĐH trong nước là các trường đại học tốp đầu thường đạt chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên.
Mặt khác, theo TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM với một lần duy nhất và nhiều nguyện vọng như vậy, liệu các trường có được can thiệp vào việc chốt nguyện vọng của các em hay phụ thuộc hoàn toàn vào phần mềm của Bộ.
Theo đó, Bộ GD&ĐT cần phải công khai thông tin dữ liệu rõ ràng, đảm bảo tin cậy để các trường tính toán khi gọi thí sinh, đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo Hoc.vtc