Năm 2017, nhiều trường ĐH công bố dành một lượng chỉ tiêu lớn để tuyển thẳng học sinh giỏi THPT. Quy định này không mới, tuy nhiên, tuyển thẳng liệu có phải là phương án tối ưu?
Các trường tăng cường tuyển thẳng học sinh giỏi
Ghi nhận tại một số trường ĐH cho thấy, năm 2017, các trường dành lượng chỉ tiêu khá lớn để tuyển thẳng học sinh giỏi THPT.
Học viện Tài chính là một trong những trường ĐH áp dụng hình thức tuyển thẳng học sinh giỏi năm 2017. Năm 2017, Học viện dành 2000 chỉ tiêu (50%) để xét tuyển thẳng dựa vào kết quả học tập THPT.
TS Nguyễn Đào Tùng – Trưởng ban Quản lý đào tạo – Học viện Tài chính cho biết điều kiện xét tuyển thẳng của Học viện:
- Thí sinh ở các trường THPT trên toàn quốc học lực giỏi, có hạnh kiểm 3 năm PTTH đạt loại tốt và có kết quả điểm IELTS 5.5 điểm hoặc TOEFL ITP 550 điểm, TOEFL iBT 55 điểm.
- Thí sinh có giải nhất, nhì, ba cấp thành phố/cấp tỉnh trở lên các môn (Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh, Ngữ văn).
- Thí sinh có lực học loại giỏi trở lên trong cả 3 năm học tại trường PTTH công lập trên phạm vi cả nước; và có hạnh kiểm 3 năm PTTH đạt loại tốt.
Năm 2016, Học viện Tài chính nhận được 3.500 hồ sơ, có 1.700 thí sinh nhập học trên tổng số 2.500 hồ sơ được nhà trường gọi.
TS Phùng Gia Thế – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết năm 2017 trường sẽ kết hợp xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển thẳng đối với học sinh giỏi. Đối với học sinh giỏi đạt giải quốc gia, có thể trường sẽ trực tiếp về các trường THPT để tuyển”.
Tuyển thẳng học sinh giỏi và nỗi lo hồ sơ ảo
Với hình thức tuyển thẳng học sinh giỏi có thể dẫn tới tình trạng thí sinh vừa nộp hồ sơ xét tuyển thẳng vừa nộp đăng ký xét tuyển vào các trường lấy kết quả THPT quốc gia. Như vậy, cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cũng không lọc được ảo, lượng hồ sơ ảo năm nay sẽ tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, các trường không phủ nhận chất lượng của thí sinh được tuyển thẳng nên hình thức tuyển thẳng học sinh giỏi vẫn được các trường cân nhắc và mở rộng.