Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc quan trọng nhất thí sinh cần làm là lựa chọn ngành nghề dựa vào năng lực, sở trường và đam mê cá nhân để cống hiến cho công việc trong tương lai.
“Mắc kẹt” giữa ngành hot và đam mê
Chỉ còn 2 tháng nữa là học sinh lớp 12 sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2022.
Ở giai đoạn nước rút hiện nay, nhiều học sinh vẫn chưa thể xác định được ngôi trường mình theo học trong tương lai, vẫn băn khoăn về việc chọn ngành hot hay theo đuổi đam mê của riêng mình.
Mơ ước trở thành chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp trong tương lai nên em Đỗ Thị Hoa Hồng – học sinh lớp 12 tại Ba Vì (Hà Nội) có niềm yêu thích đặc biệt với ngành tâm lý học.
Tuy nhiên, bố mẹ lại định hướng cho Hồng theo học ngành Du lịch khách sạn vì cho rằng, đây là ngành hot và giúp em xin việc ngay sau khi tốt nghiệp.
“Bố mẹ định hướng nghề nghiệp cho em và nói rằng, đã có đầu ra sau khi ra trường. Em thích ngành Tâm lý học nhưng em sợ ít cơ hội việc làm. Em biết bất kể công việc nào cũng cần yêu thích thì mới có thể đi đến điểm cuối cùng, nhưng cãi lời bố mẹ và sau đó không thành công với lựa chọn thì rất khó coi” – Hồng thở dài.
Phân vân giữa lĩnh vực công nghệ thông tin và các ngành thiên về đối ngoại vì có khả năng giao tiếp nên em Đỗ Mạnh Dũng – học sinh lớp 12 tại Hải Dương vẫn chưa thể lựa chọn ngành học.
Dũng cho biết, em cảm thấy bản thân có khả năng giao tiếp tốt hơn các bạn đồng trang lứa, nhưng hiện nay lĩnh vực công nghệ thông tin khá hot và có cơ hội việc làm cao.
“Với tình hình hiện tại, em đang khá bối rối không biết nên lựa chọn những ngành nghề thiên về đối ngoại, dựa vào khả năng sẵn có hay theo đuổi các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin” – Dũng phân vân.
Lời khuyên dành cho thí sinh
Dành lời khuyên cho thí sinh về vấn đề nên chạy theo ngành hot hay theo đuổi đam mê, TS Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội – nhấn mạnh, các thí sinh cần tự khám phá, tìm hiểu sở thích của mình. Sau đó xem xét, đánh giá năng lực bản thân xem có phù hợp với ngành đó hay không? Từ đó lựa chọn cho mình hướng đi đúng nhất.
“Các em không nên chọn ngành hot nếu bản thân cảm thấy không yêu thích và không phù hợp. Các em có thể lựa chọn ngành không hot, nhưng khi học tập thực sự đam mê thì vẫn có thể sở hữu cơ hội việc làm cho riêng mình” – cô Phương nhấn mạnh.
PGS.TS Vũ Duy Hải – Phó trưởng Phòng tuyển sinh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, ngành học nào cũng chứa đựng tiềm năng riêng. Thay vì chạy theo ngành hot, trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, các em nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng.
Thí sinh nên ưu tiên lựa chọn ngành nghề dựa trên đam mê, sở thích của bản thân, sau đó là cân nhắc, tính toán về năng lực của mình.
PGS Hải cũng khuyên thí sinh trước khi chọn ngành nghề cần tìm hiểu về học phí của chương trình đào tạo có phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình hay không? Từ đó đưa ra quyết định về ngành học phù hợp nhất.
TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên, trước hết thí sinh phải xác định được bản thân mình mong muốn điều gì, năng lực của mình mạnh ở đâu.
Về tương lai, các em hãy mạnh dạn mơ về công việc mình yêu thích và mong muốn theo đuổi, từ đó đưa ra lựa chọn ngành học phù hợp.